6 nhiệm vụ cải cách lớn của ngành Tài chính giai đoạn 2016-2020
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1491/QĐ-BTC về Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020.
Trụ sở Bộ Tài chính.
|
Mục tiêu của kế hoạch này là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của Ngành đảm bảo thống nhất, đáp ứng yêu cầu là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng cơ bản yêu cầu về số lượng và chất lượng; tăng cường tính minh bạch, hiệu quả quản lý theo mục tiêu trong việc lập dự toán ngân sách, phân bổ, sử dụng ngân sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính.
Kế hoạch tập trung vào 6 nhiệm vụ chính của cải cách hành chính là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Cụ thể, trong nhiệm vụ cải cách thể chế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thuế đồng bộ, cơ cấu bền vững, có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý các nguồn thu ngân sách nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý về phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính; hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; tổ chức đánh giá thi hành Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chương trình kế hoạch bám sát các chương trình của Quốc hội, Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, các đơn vị thuộc ngành Tài chính sẽ nghiên cứu xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính; tiếp tục cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính; đơn giản hóa và công khai hóa quy trình, thủ tục hành chính, phấn đấu giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan bằng hoặc vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6; công bố, công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp; duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý; tăng cường kiểm tra việc kiểm soát thủ tục hành chính.
Về cải cách tổ chức bộ máy, việc xây dựng chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính sẽ được ưu tiên nhằm bảo đảm khắc phục sự chồng chéo, giao thoa chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính với các bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc bộ theo hướng cải cách hành chính, hiệu quả; nghiên cứu, thí điểm và áp dụng mô hình quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm, chứng khoán nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát và góp phần xây dựng thể chế thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán đáp ứng yêu cầu hội nhập tài chính trong khu vực và quốc tế; thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng giải quyết công việc của các đơn vị trong Bộ, áp dụng rộng rãi cơ chế “một cửa” tại các đơn vị thuộc ngành dọc tại địa phương; tăng cường xã hội hoá các dịch vụ công cho các tổ chức, doanh nghiệp đảm nhận.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó thực hiện nghiêm các quy định trong công tác cán bộ; phân cấp thẩm quyền quản lý công chức, viên chức gắn với việc tăng cường thanh kiểm tra, giám sát bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý công chức, viên chức và hiệu quả hoạt động của đơn vị; rà soát và có biện pháp khắc phục tình trạng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý còn khép kín, chưa bảo đảm cơ cấu về tuổi, giới tính như hiện nay; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng lộ trình phát triển các cơ sở đào tạo thuộc Bộ theo Quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài chính giai đoạn 2012 – 2020.
Ngành Tài chính cũng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành; triển khai hệ thống thông tin Chính phủ điện tử; công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị; thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 (thực hiện 100% khai, nộp và hoàn thuế điện tử), vận hành ổn định hệ thống VINACCS/VCIS, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người dân; đến năm 2020, thực hiện mô hình hải quan một cửa quốc gia trên toàn hệ thống các đơn vị ngành hải quan và hoàn thành đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hệ thống TABMIS của Kho bạc nhà nước; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ; hiện đại hoá công sở cơ quan Bộ và các đơn vị theo tiêu chuẩn của Chính phủ về hiện đại hoá nền hành chính và điều kiện thực tế của Bộ...
Các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại kế hoạch này là cơ sở để các đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính tại đơn vị đóng góp vào kết quả cải cách hành chính chung của Bộ Tài chính.
Công tác huy động nguồn lực tài chính cũng được đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả thông qua việc tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi cơ chế, chính sách thuế, phí, lệ phí để tăng cường công tác thu ngân sách đạt 21-23% GDP, tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí lệ phí bình quân tăng 16-18% cả năm; nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính quốc gia; đổi mới căn bản cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội; đổi mới cơ chế chính sách tài chính doanh nghiệp trong đó bao gồm cơ chế đầu tư vốn của Nhà nước và cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu; tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính và dịch vụ tài chính qua việc nghiên cứu, xây dựng chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài.
|
H.Vân
hải quan
|