Đầu tư để được định cư nước ngoài: Lách luật chuyển ngoại tệ
Nhiều công ty khẳng định có thể chuyển ngoại tệ với số lượng lớn ra nước ngoài mà không gặp phải một trở ngại nào dù đây là việc làm bất hợp pháp...
Người dân xếp hàng xin visa tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
|
Hầu hết khách hàng chúng tôi gặp tại các buổi hội thảo đầu tư định cư ở Mỹ, Canada, Úc… đều tỏ ra băn khoăn, lo ngại về việc chuyển hàng trăm ngàn USD ra nước ngoài vì theo quy định của Nhà nước Việt Nam, đây là việc làm bất hợp pháp.
Các công ty tư vấn “bật mí” rằng họ có cách để lách quy định. Họ khẳng định với khách hàng hoàn toàn có thể chuyển ngoại tệ với số lượng lớn ra nước ngoài mà không gặp phải một trở ngại nào.
Đủ chiêu lách luật
Thắng, từng làm việc cho hai công ty tư vấn đầu tư định cư, cho biết với Canada, khách hàng sẽ ký với một ngân hàng (NH) quốc tế nào đó trong nước, có chi nhánh hoạt động tại Canada. NH này sẽ chuyển tiền sang Canada cho khách hàng và thu phí khá cao. Với Mỹ, các NH Trung Quốc, Singapore tại Việt Nam có dịch vụ chuyển tiền, họ mở tài khoản chuyển tiền cho khách sang các nước đó, rồi tiếp tục chuyển sang Mỹ.
Theo tiết lộ của nhân viên Công ty NVS (trụ sở tại đường Ký Con, quận 1, TP.HCM), nếu khách hàng từng tham gia lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc chuyển tiền qua Mỹ rất đơn giản.
Theo đó, sau các thủ tục ký hợp đồng với công ty luật chuyên làm dịch vụ thẻ xanh, hồ sơ khách hàng sẽ được chuyển sang Mỹ để có bộ phận thẩm định, đồng thời khách hàng sẽ chuyển tiền đầu tư vào tài khoản bảo chứng.
Nhân viên một công ty chuyên tư vấn thực hiện dịch vụ định cư nước ngoài cho biết hoặc là thuê một công ty trung gian để người ta chuyển tiền cho, nhưng cách này phải trả phí lên tới 4,5 - 5% tổng giá trị tiền phải chuyển đi. Vì vậy, những người công ty này cho biết họ sẽ lập tài khoản cho khách hàng tại nước ngoài.
“Bản thân khách hàng không thể tự lập tài khoản được. Công ty tôi có đầu mối quen mới lập được tài khoản này. Sau khi có tài khoản quốc tế tại nước thứ ba (ví dụ Singapore), khách hàng hoàn toàn có thể chuyển tiền từ Việt Nam thông qua bất kể một NH quốc tế nào” - nhân viên này nói.
Công ty con chuyển cho công ty mẹ
Hỏi về cách chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, một nhân viên Công ty HLG - cho biết khách hàng sẽ chuyển tiền cho công ty ở Việt Nam. Công ty có một tài khoản ở Hong Kong là tài khoản ủy thác khách hàng. Sau khi nhận tiền công ty sẽ chuyển tiền đi, phía Hong Kong sẽ nhận và chuyển vào tài khoản phong tỏa của dự án, toàn bộ là 550.000 USD (kể cả phí dịch vụ).
Toàn bộ khách hàng trước đây của HLG đều đi theo cách này và Cơ quan di trú đã chấp thuận. HLG là công ty luật quốc tế và có công ty ở Hong Kong (HLG Hong Kong) là công ty mẹ, công ty tại Việt Nam (HLG VN) là công ty con.
Một công ty khác lại cho rằng có cách nhận và đảm bảo hợp đồng cho việc chuyển tiền bằng cách họ có những công ty về tài chính có quan hệ công ty mẹ và công ty con giữa Mỹ và Việt Nam.
“Tiền của khách hàng sẽ chuyển vào tài khoản công ty của Việt Nam bình thường, sau khi tài khoản của công ty tại Việt Nam đã nhận đủ 500.000 USD thì tài khoản của công ty tại Mỹ sẽ chuyển số tiền này thành tiền đầu tư cho Chính phủ Mỹ.
Chừng nào chắc chắn hồ sơ của khách hàng được chấp nhận, công ty con từ Việt Nam sẽ chuyển tiền sang tài khoản của công ty mẹ ở Mỹ. Bằng cách này, tuy có thu một mức phí cao nhưng đảm bảo an toàn cho nguồn tiền. Tôi khẳng định cách làm này không vi phạm pháp luật mà công ty tôi chỉ lách luật” - một luật sư chuyên tư vấn về các chương trình đi Mỹ đã khẳng định như vậy.
Tuy nhiên, anh N.P.T., trưởng đại diện một tập đoàn giáo dục Mỹ ở Việt Nam, kể: “Tôi có một ông anh đã sang Mỹ theo chương trình đầu tư định cư. Thật sự anh ấy cũng mù mờ về việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, rất hồi hộp và đầy rủi ro vì không có một cam kết nào về mặt pháp lý cả. Mọi việc đều trông cậy vào công ty tư vấn, nhưng dù chuyển dưới hình thức nào cũng đều là chuyển “chui” và Nhà nước không thu được đồng tiền thuế nào”.
Nguồn: Sở Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) - Đồ họa: Tiến Đạt
|
Trả phí cao, rủi ro lớn
Theo nghị định 70/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều pháp lệnh ngoại hối, công dân Việt Nam chỉ được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài...
Về đầu tư ra nước ngoài, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM - cho biết muốn chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài cần phải có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH-ĐT, sau đó NH Nhà nước sẽ xác nhận tiến độ chuyển tiền ra nước ngoài và NH thương mại căn cứ theo đó thực hiện. Chỉ qua con đường này cá nhân mới có thể chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư bằng kênh chính thức là NH.
Dù quy định nghe tưởng chừng đơn giản là “có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH-ĐT” nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rất khó thực hiện do thủ tục nhiêu khê. Sau khi nộp hồ sơ lên Bộ KH-ĐT xin giấy phép đầu tư, cơ quan này còn yêu cầu phải có xác minh bên tham tán lãnh sự ở nơi có dự án của nhà đầu tư.
Chẳng hạn tại Mỹ, khi tham tán lãnh sự của Việt Nam tại Mỹ kiểm tra xong sẽ còn nhiều khâu khác như hợp thức hóa giấy tờ lãnh sự, đóng dấu, sau đó mới được công chứng và dịch. Hồ sơ sau đó mới nộp lên Bộ KH-ĐT và chờ đợi kết quả, có khi mất nửa năm. Do vậy cá nhân rất khó để đeo đuổi hết các thủ tục này để có thể chuyển tiền theo kênh chính thức mà hầu hết là chuyển “chui”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, việc chuyển số tiền lớn lên đến 500.000 USD, tương đương hơn 10 tỉ đồng nhưng thực hiện qua các kênh “chui” hoặc núp dưới hình thức nào đó, ngoài việc phải trả phí rất cao còn đem đến rủi ro rất lớn cho cá nhân.
Về việc các công ty khẳng định chuyển được bằng cách thuê công ty trung gian để chuyển tiền, hoặc nhờ một đơn vị khác mở hộ tài khoản tại nước thứ ba, từ đó chuyển tiền từ Việt Nam qua một NH quốc tế nào, ông Minh khẳng định bất kỳ NH nước ngoài nào tại Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, do vậy không có chuyện NH được chuyển một số ngoại tệ lớn như vậy cho cá nhân ra khỏi Việt Nam nếu người chuyển tiền không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
Việc “ăn theo” hợp đồng xuất khẩu cũng khó khả thi vì DN xuất khẩu hàng phải nhận tiền về, NH phải kiểm soát, không có chuyện DN được để tiền lại.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong thực tế cũng có trường hợp lách bằng cách làm hợp đồng ứng trước với các công ty xuất nhập khẩu, sau đó lấy lý do hàng không về, tiền mất nhưng thật ra đó là một hình thức lách luật để chuyển tiền. Hoặc nhờ người thân ở nước ngoài chuyển, sau đó thanh toán cá nhân với nhau, không liên quan đến luật pháp Việt Nam...
Công ty tư vấn cũng ưu tiên những trường hợp có bạn bè, người thân ở các nước khác và nhờ họ thực hiện chuyển tiền hộ sang Mỹ. Nhưng ngay với trường hợp này, thủ tục thực hiện cũng không dễ dàng vì vẫn phải chứng minh nguồn gốc nguồn tiền, mối quan hệ của nhà đầu tư với người chuyển hộ ở nước khác...
Giấy chứng nhận đầu tư: an toàn cho nhà đầu tư
Ngày 13-8, chị M., nhà ở Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) vừa đi phỏng vấn visa diện đầu tư định cư ở Mỹ về, vui mừng cho biết “thành công rồi”. Để có được visa đầu tư định cư này, chị M. đã phải mất hơn ba năm chờ đợi với không ít thắc thỏm, âu lo.
Tuy nhiên, điều làm chị an tâm chính là hồ sơ của mình được cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH-ĐT Việt Nam. “Có được giấy phép này nên tôi rất yên tâm về việc chuyển tiền ra nước ngoài và khả năng hồ sơ được phía Mỹ chấp thuận cao” - chị M. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một luật sư - giám đốc giám sát một dự án EB-5 tại Mỹ (hiện đang triển khai tại Việt Nam dự án nhà hàng theo phong cách Địa Trung Hải) - cũng cho biết từ năm 2014 đến nay, bà đã thực hiện được sáu hồ sơ của người Việt Nam đi diện đầu tư định cư ở Mỹ theo giấy chứng nhận đầu tư của Bộ KH-ĐT.
Để có được giấy phép này phải chứng minh có dự án đầu tư cụ thể, khả thi; giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản, nguồn tài chính “sạch”, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước...
Đây là cách thức an toàn nhất cho nhà đầu tư, không chỉ là việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài hợp pháp, mà còn bảo đảm được nguồn vốn sau quá trình đầu tư.
|
(còn tiếp)
Võ Hồng Quỳnh - Hoàng Điệp - Ánh Hồng
tuổi trẻ
|