Thứ Hai, 17/08/2015 16:41

Những đại gia nào đang nhăm nhe rót vốn vào Sân bay Cam Ranh?

Khả năng sinh lời được đánh giá là tốt trong khi quy mô đầu tư vừa phải, Dự án Nhà ga hành khách, Cảng Hàng không Cam Ranh đang tạo sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư đông kỷ lục

Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long là cái tên mới nhất gia nhập cuộc đua giành quyền đầu tư Dự án Nhà ga hành khách, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh. Nhà đầu này sẽ không tham gia độc lập, mà tham gia cùng với Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Cảng (Import Corp) để cùng theo đuổi Dự án.

Cần phải nói thêm rằng, Phú Long không phải là cái tên “đáng gờm” duy nhất mong muốn được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chấm để góp vốn vào đầu tư vào cảng hàng không quốc tế này.

Cam Ranh là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Anh Minh

Theo thông tin của Báo Đầu tư, tính đến đầu tháng 8/2015, số lượng nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia đầu tư Dự án đã vượt quá con số 12, với sự đa dạng về ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không là các nhà đầu tư: VietJet, Công ty cổ phần Logistic Hàng không (ALS), Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt; lĩnh vực bất động sản là Phú Long, Golf Long Thành; dịch vụ là Liên Thái Bình Dương của triệu phú Jonathan Hạnh Nguyễn; xây dựng có: Tập đoàn Đức Bình; Việt Xuân Mới, Đại Dũng…

“Đây là số lượng nhà đầu tư lớn nhất xin tham gia một dự án BOT cơ sở hạ tầng hàng không”, ông Đào Việt Dũng, Phó tổng giám đốc ACV - chủ đầu tư Dự án cho biết.

ACV cũng đã gửi phương án đầu tư sơ bộ vào Nhà ga hành khách mới, Cảng Hàng quốc tế Cam Ranh cho các nhà đầu tư tham khảo. Theo đó, mục tiêu của dự án này là xây dựng nhà ga hành khách mới  phục vụ 2 triệu khách quốc tế/năm, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận. Nhà ga hành khách mới sẽ được thiết kế 2 cao trình đi và đến tách biệt, có 2 cầu ống dẫn khách. Đặc biệt, nhà ga sẽ được thiết kế mở, để có thể đầu tư nâng công suất lên 4 triệu khách/năm khi có nhu cầu.

“Tổng mức đầu tư của Dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án xây dựng đã và đang được thực hiện trong thời gian gần đây là gần 2.000 tỷ đồng”, đại diện ACV khẳng định.

ACV muốn cùng góp vốn

Về hình thức đầu tư, ACV cho biết là việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư nhà ga này có thể theo hình thức BOT hoặc thành lập công ty cổ phần. Tuy nhiên, với dự án này, ACV đề xuất triển khai theo phương án 2.

“ACV sẽ góp vốn cùng nhà đầu tư thành lập công ty cổ phần, nhằm tận dụng thế mạnh của các bên, lợi nhuận sẽ được phân chia theo tỷ lệ góp vốn”, ông Dũng nói và cho biết, nhà đầu tư tham gia Dự án Nhà ga hành khách, Cảng Hàng không Cam Ranh phải có ít nhất 10 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng không, phi hàng không, đầu tư tài chính.

Nhằm đảm bảo dịch vụ được cung cấp trong nhà ga một cách công bằng, bình đẳng, nhà đầu tư, cổ đông là hãng hàng không sẽ không được nắm giữ quá 30% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập (tối thiểu 3 cổ đông, bao gồm cả ACV) không được rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn trong thời hạn 5 năm kể từ khi thành lập,.

Đề xuất này được đánh giá là tiệm cận mong muốn của hầu hết các nhà đầu tư. Cụ thể, trong đơn đề xuất đầu tư, ALS (có một phần vốn góp của Vietnam Airlines) đề xuất thành lập công ty cổ phần đầu tư dự án có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Tại công ty này, ALS muốn nắm 50-60% vốn điều lệ; ACV nắm 10-20%; các nhà đầu tư khác như ngân hàng, Vietnam Airlines nắm 20-30% vốn điều lệ.

Trước đó, trong tờ trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt báo cáo phương án đầu tư, ACV cho biết, nhà đầu tư được thu phí phục vụ hành khách 14 USD/khách, phí băng tải hành lý 60 USD/lần; cầu ống dẫn khách 200 USD/lần; cho thuê văn phòng làm việc 35 USD/m2/tháng; mặt bằng kinh doanh dịch vụ 70 USD/m2/tháng. Với các dòng tiền có xu hướng tăng lên, nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong thời gian dưới 20 năm.

Là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, sản lượng hành khách vận chuyển qua Sân bay Cam Ranh luôn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm (dự kiến đạt khoảng 2,5 triệu khách/năm). Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động và khai thác, nhà ga hành khách hiện tại tại sân bay Cam Ranh đã bắt đầu quá tải, đặc biệt là phần nhà ga hành khách đang được dùng để đón khách quốc tế.

Anh Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Cuộc chiến gà Mỹ cảnh báo Việt Nam về các FTA (17/08/2015)

>   Nhập siêu hơn 19 tỷ USD từ Trung Quốc (17/08/2015)

>   Giá vốn giảm mạnh giúp Petrolimex lãi gấp 3 lần trong quý 2 (17/08/2015)

>   Xuất da giày vào EU, Việt Nam vươn lên thứ 3 (17/08/2015)

>   Bảo hộ trật địa chỉ (17/08/2015)

>   Nông, lâm, thủy sản: Xuất giảm, nhập tăng (17/08/2015)

>   Vận động chính sách: Thượng sách trong kinh doanh? (16/08/2015)

>   Cạnh tranh mua bán điện: Xa vời! (15/08/2015)

>   Nhiều nhà máy đường gặp khó vì giá giảm liên tục (14/08/2015)

>   Vốn cho BOT giao thông, nhìn từ ngân hàng (14/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật