Thứ Ba, 18/08/2015 09:05

Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Cuộc đua đường dài

Nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi là 7-Eleven tại Nhật vừa công bố năm 2017 sẽ vào thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp đang kinh doanh mô hình này tại Việt Nam cũng cho biết sẽ nhân rộng chuỗi kinh doanh lên hàng trăm, hàng ngàn điểm bán.

Sự có mặt của các cửa hàng tiện lợi đã làm cho thị trường bán lẻ 24h sôi động và cạnh tranh hơn. Ảnh: MINH TÂM

Đua mở cửa hàng tiện lợi

Tuyến đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TPHCM chỉ khoảng một ki lô mét nhưng có đến bốn cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu nước ngoài gồm B’s mart, Circle K và FamilyMart (2 cửa hàng). Đường Cách Mạng Tháng Tám từ quận 1 đến quận Tân Bình dài hơn 7 ki lô mét cũng có khoảng 15 cửa hàng của những tên tuổi nêu trên bên cạnh Shop & Go, Co.op Food, Satra Foods..., tính trung bình cứ 500 mét có một cửa hàng tiện lợi. Cuộc đua nhân rộng số cửa hàng càng rõ rệt mỗi khi một chuỗi cửa hàng nào đó mở thêm điểm bán trên một tuyến đường, ắt sẽ có sự xuất hiện của cửa hàng của đối thủ ở gần đó hoặc ngay đối diện, rất nhanh sau đó.

Trên thực tế, không dễ chọn một địa điểm ưng ý để mở cửa hàng. Ông Tony Yan, Tổng giám đốc Circle K Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi có các nghiên cứu và phải mất khá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm một địa điểm mới. Chúng tôi muốn khách hàng không cần phải lái xe đến cửa hàng, họ chỉ cần bước xuống lầu, đi mươi bước là có thể tới một cửa hàng gần nhất”.

Bên cạnh những tuyến đường trung tâm, đông dân cư thì những địa điểm gần trường học, chung cư, khu văn phòng hay khu vực có nhiều khách du lịch sẽ được các nhà kinh doanh loại hình này khai thác triệt để.

Circle K mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2009. Ba năm trước mới có vỏn vẹn 20 cửa hàng nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 110 cửa hàng. Công ty này lên kế hoạch sẽ đạt đến 500 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối năm 2017.

Trong khi đó, hệ thống cửa hàng tiện lợi FamilyMart, chỉ một năm sau khi bán hết 49% cổ phần trong liên doanh với tập đoàn Phú Thái đã gầy dựng được 42 cửa hàng, đúng con số cửa hàng đã chuyển nhượng trước đó. Tính đến thời điểm hiện nay, FamilyMart đã phát triển được hơn 70 điểm bán. Mục tiêu của công ty là đến hết năm 2015 sẽ có 100 cửa hàng và khoảng 800-1.000 cửa hàng vào năm 2020.

Tương tự, sau năm năm hoạt động không đạt mục tiêu 500 cửa hàng, hồi đầu năm nay, Công ty TNHH Ministop (Nhật Bản) đã chia tay với G7 (thuộc tập đoàn Trung Nguyên), chuyển sang bắt tay với tập đoàn đồng hương Sojitz nhắm tới mục tiêu phát triển 800 cửa hàng. Sojitz cùng Ministop đã lên kế hoạch mở rộng nhượng quyền thương hiệu các cửa hàng bên cạnh việc tự đầu tư và làm mới lại gần 20 cửa hàng đã mở trước đó.

Theo các nhà bán lẻ, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với dân số trên 90 triệu người và đa số ở độ tuổi dưới 30. Riêng với phân khúc cửa hàng tiện lợi, cuộc “đánh chiếm” mới chỉ bắt đầu vì hiện cả thị trường có chưa tới 500 cửa hàng. Trong khi đó, Thái Lan với dân số 60 triệu người đã có 10.000 cửa hàng; Nhật Bản với khoảng 130 triệu người có tới 50.000 cửa hàng... Các nhà bán lẻ dự đoán thị trường Việt Nam trong vòng 10 năm tới có thể có tới 15.000 cửa hàng tiện lợi.

Đây cũng là lý do mà nhà điều hành chuỗi cửa hàng 7-Eleven vừa công bố sẽ mở cửa hàng ở Việt Nam vào năm 2017.

Theo báo Nikkei, công ty con của Seven & I Holdings tại Mỹ là Seven Eleven Ink tại Nhật đã ký hợp đồng với Công ty IFB Việt Nam, doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi cửa hàng Pizza Hut, để mở điểm bán đầu tiên tại TPHCM. Mục tiêu của doanh nghiệp này là phát triển được 100 cửa hàng sau ba năm ở Việt Nam và nâng lên 1.000 cửa hàng sau 10 năm. Giới kinh doanh đánh giá sự có mặt của 7-Eleven sẽ làm cho thị trường bán lẻ 24h sôi động và cạnh tranh hơn, bởi nhà điều hành này hiện có hơn 38.000 cửa hàng trên thế giới.

Khách hàng là ai?

Theo báo cáo mang tên “Tương lai của cửa hàng tạp hóa” công bố hồi tháng 5 vừa rồi, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen ghi nhận hình thức bán lẻ hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích) ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam. Trong đó, 22% người được hỏi cho biết họ mua hàng tạp hóa, thực phẩm thường xuyên hơn tại các cửa hàng tiện lợi.

Ông Yan của Circle K cho biết bên cạnh việc kinh doanh các loại thức uống, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm như những cửa hàng truyền thống khác, Circle K đang tập trung khai thác mảng thức ăn nhanh và dành ra khoảng một phần ba diện tích các cửa hàng để phục vụ nhu cầu đối với thực phẩm tại chỗ như các loại mì, nui, mì gói, bánh giò, bánh bao, các món xi rô tuyết... Nhiều cửa hàng còn phục vụ cơm trưa và cơm tối.

Ông Yan cho biết: “Thời gian khoảng 10 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau vẫn có khách đến mua hàng, đặc biệt, khoảng thời gian trước 2 giờ sáng là khá bận rộn. Những khách hàng của chúng tôi là cánh tài xế taxi, những người trẻ đi chơi về khuya, những du khách hay người nước ngoài ngủ muộn”.

Ghi nhận của TBKTSG tại B’s mart trên đường Đặng Văn Ngữ - nơi gần trường tiểu học và trung học cơ sở, vào buổi sáng và buổi chiều có rất đông học sinh vào đây. Mì gói, bánh sandwich, kem tươi, bắp rang... bán chạy. Nhiều học sinh trong lúc chờ bố mẹ đến đón ngồi tại đây ăn mì, uống nước, chơi đùa với nhau.

FamilyMart cũng mở rộng không gian ăn uống cho khách, thúc đẩy kinh doanh các loại thực phẩm ăn nhanh như sushi, lẩu hot pot, đồ chiên, bánh bao, sandwich... Ngoài ra, thương hiệu này xây dựng cửa hàng theo nhu cầu khác nhau của hai nhóm khách hàng: tại khu vực phục vụ đa số khách là người Việt thì cửa hàng cung cấp 95% là hàng nội địa; khu có người Nhật sinh sống thì bổ sung nhiều mặt hàng xuất xứ từ Nhật.

Cũng theo phong cách Nhật, chuỗi cửa hàng Ministop là sự kết hợp giữa bán tạp hóa với bán thức ăn nhanh, kem tươi... với không gian ăn uống khá rộng, có Internet miễn phí, nhà vệ sinh cho khách.

Đầu tư dài hơi

Mô hình cửa hàng tiện lợi, theo các nhà bán lẻ, vẫn kém cạnh tranh so với siêu thị và cửa hàng truyền thống do giá bán hàng hóa đắt hơn. Điểm trừ lớn khác là cửa hàng tiện lợi thường không có thực phẩm tươi sống.

Đọc tiếp tại đây.

Quốc Hùng - Tường Vi

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đề nghị Nhật Bản tài trợ gần 300 tỷ yên cho GTVT 2015-2017 (18/08/2015)

>   Nhiều "nút thắt" tài chính được gỡ bỏ, Vinalines nỗ lực “hồi sinh” (18/08/2015)

>   Bộ ngành kiểm tra tràn lan, DN kêu trời tốn bạc tỷ (18/08/2015)

>   Doanh nghiệp da giầy gặp khó khăn vì không tìm được quỹ đất (17/08/2015)

>   Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 63,5% (17/08/2015)

>   Xuất khẩu sang EAEU: Nông sản hưởng lợi, Dệt may không chủ quan (17/08/2015)

>   Những đại gia nào đang nhăm nhe rót vốn vào Sân bay Cam Ranh? (17/08/2015)

>   Cuộc chiến gà Mỹ cảnh báo Việt Nam về các FTA (17/08/2015)

>   Nhập siêu hơn 19 tỷ USD từ Trung Quốc (17/08/2015)

>   Giá vốn giảm mạnh giúp Petrolimex lãi gấp 3 lần trong quý 2 (17/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật