Góc nhìn sóng Elliott: Mô hình sóng điều chỉnh trên VN-Index và HNX-Index
Cả hai chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đã giảm khá sâu trong những tuần vừa qua. Câu hỏi đặt ra là các chỉ số thị trường có thể tìm thấy hỗ trợ quan trọng ở vùng giá nào?
VN-Index – Hình thành mô hình Flat Correction
Ở góc nhìn sóng Elliott, đợt giảm từ tháng 7/2015 cho tới nay có thể là sóng C của mô hình sóng điều chỉnh Flat Correction. Mô hình Flat Correction có dạng 3-3-5 với sóng C có cấu trúc 5 sóng con và là sóng đẩy (impulsive wave).
Nếu xác định mục tiêu theo mô hình sóng Flat thì sóng C sẽ bằng với sóng A đối với trường hợp Flat thông thường: điểm kết thúc là 513-520 điểm và VN-Index đã đạt đến mục tiêu này. Tuy nhiên, trong thực tế sóng C của Flat Correction có thể đi xa hơn.
Trong trường hợp đà giảm mạnh tiếp tục trong những tuần tới thì vùng 480-500 điểm (cận dưới kênh giá) sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh.
Ở đồ thị ngày, hiện tại VN-Index có thể đã kết thúc sóng 3 của chuỗi 5 sóng giảm. Sở dĩ có thể kết luận như vậy vì chỉ số đã quay đầu tăng mạnh từ ngưỡng 511 điểm trùng với mức 261.8% của Fibonacci Projection.
Nếu không vượt qua được vùng 575-585 điểm thì rủi ro giảm trở lại khá lớn. Vùng này có sự hội tụ của mức 100% của Fibonacci Projection và nhóm MA dài hạn nên độ tin cậy về mặt kháng cự là cao.
HNX-Index – Điều chỉnh theo dạng Double Zigzag
Xu hướng của HNX-Index từ tháng 11/2014 cho tới nay là điều chỉnh nhưng theo dạng điều chỉnh phức tạp hơn là dạng Double Zigzag (W-X-Y). Mục tiêu thông thường là sóng W sẽ bằng với sóng Y tương ứng với mức 74.5-75 điểm. Nếu vùng này trụ vững thì có thể sóng hiệu chỉnh đã kết thúc và quá trình phục hồi có thể bắt đầu trong những tháng tới.
Trong trường hợp ngưỡng này bị phá vỡ thì mục tiêu tiếp theo sẽ là mức 161.8% của Fibonacci Projection (vùng 65-67 điểm).
Phạm Tấn Phát, Phòng Tư vấn Vietstock
|