Chứng khoán thế giới: Đêm dài lắm mộng?
TTCK toàn cầu đang trải qua một đợt giảm mạnh hiếm có trong những năm gần đây. Liệu quá trình điều chỉnh này có còn kéo dài hay đây chỉ là giai đoạn tích lũy cho một đợt tăng trưởng mới?
Thị trường Trung Quốc
Đây được coi là thị trường thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhất trong giai đoạn hiện nay. Người viết sẽ phân tích thị trường này thông qua hai chỉ số đại diện là Shanghai Composite và Hang Seng Index.
Shanghai Composite – Falling Window xuất hiện
Ở góc nhìn ngắn hạn, những mẫu hình Falling Window xuất hiện liên tục trong các phiên giao dịch gần đây trên Shanghai Composite. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan và hoảng loạn. Ở phiên giao dịch ngày 25/08/2015, chỉ số này đã giảm gần 8% và rớt mốc 3,000 điểm lần đầu tiên trong 8 tháng gần nhất.
Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh cùng với đà giảm của giá cho thấy hoạt động bắt đáy không nhiều dù chỉ số đã giảm rất sâu (giảm hơn 40% so với đỉnh tháng 06/2015). Điều này cho thấy khả năng hồi phục mạnh khó có thể xảy ra nếu tình trạng này tiếp tục duy trì.
Giá sắp đạt đến mục tiêu (target price) của mẫu hình Symmetrical Triangle: vùng 2,600-2,650 điểm. Nếu vùng này trụ vững thì Shanghai Composite có thể có phục hồi nhẹ trở lại.
Hang Seng Index – Kỳ vọng phân kỳ giá lên xuất hiện
Mẫu hình nến Doji xuất hiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giằng co mạnh trong ngắn hạn. Khối lượng khớp lệnh tăng trưởng đều qua từng phiên cho thấy lực cầu có cải thiện tích cực và nhà đầu tư giao dịch khá sôi động.
Hang Seng Index đã phá vỡ Ichimoku Cloud vào tháng cuối tháng 06/2015 và kể từ đó chỉ số này bắt đầu rơi vào giai đọan điều chỉnh sâu kéo dài. Ichimoku Cloud hiện đang duy trì trong vùng 24,700-25,700 điểm và sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh torng thời gian tới.
Chỉ báo Sotchastic Oscillator đã về vùng oversold. Nếu phân kỳ giá lên xuất hiện thì khả năng hồi phục sẽ tăng lên.
Thị trường Nhật Bản: Phá vỡ nhóm MA dài hạn
Xu hướng dài hạn của chỉ số Nikkei 225 là khá xấu khi giá đã phá vỡ nhóm MA dài hạn (SMA100, SMA200...). Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2014 tín hiệu bi quan này xuất hiện trở lại.
Vùng đáy cũ tháng 01/2015 (tương đương vùng 16,600-17,000 điểm) sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong những phiên tới do chỉ số đã phá vỡ mức 61.8% của dãy Fibonacci Retracement. Nếu vùng đáy cũ cũng bị thủng thì nguy cơ điều chỉnh sâu và kéo dài như giai đoạn 2007-2008 có thể lặp lại.
Thị trường Mỹ: MACD cho tín hiệu đáng chú ý trên DJIA
Dow Jones Industrial Average (DJIA) đang đứng trước nguy cơ đảo ngược xu hướng tăng điểm dài hạn kéo dài từ tháng 03/2009 cho tới hiện tại.
Phân kỳ giá xuống tam đoạn của MACD theo đồ thị tuần (weekly) đã hình thành. Chỉ báo này đã cho tín hiệu bán và rơi xuống dưới 0. Kể từ năm 2007 đến nay chỉ có hai lần MACD weekly rơi mạnh như vậy: tháng 01/2008 và tháng 08/2011. Vì vậy, nếu DJIA không chững lại đà giảm và bứt phá trong những tuần tới thì nguy cơ giảm sâu dài hạn là khá cao.
Mặt khác, DJIA cũng liên tục tạo ra những đỉnh mới và đáy mới thấp hơn (lower high, lower low). Đây cũng là tín hiệu cảnh báo quan trọng đối với nhà đầu tư.
Kết luận: Nhìn chung các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... đều đang có những tín hiệu khá bi quan cả trong dài hạn, ngắn hạn và không hề giống với việc tích lũy cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Mặc dù khả năng có thêm một đợt giảm sâu với mức độ tương tự trong thời gian tới là không quá lớn nhưng sự thận trọng là cần thiết.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Tư vấn Vietstock
|