Bảo hộ quyền vận tải nội địa để bảo vệ lợi ích quốc gia
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).
* Hãng tàu nước ngoài chiếm 40% vận tải nội địa
* Phát triển vận tải biển: Mấu chốt là hiện đại hóa đội tàu
* Sửa Luật Hàng hải, đưa kinh tế biển lên vị trí số một
Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hàng hải Việt Nam có ý kiến đề nghị Bộ luật cần điều chỉnh với tất cả các loại tàu, thuyền hoạt động trên biển và tất cả các loại cảng biển, cảng thủy nội địa mà không nên quy định loại trừ như dự thảo Bộ luật.
Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm Bộ luật Hàng hải Việt Nam chủ yếu điều chỉnh các đối tượng hoạt động hàng hải thương mại. Đối với tàu cá, giàn di động, ụ nổi, phương tiện thủy nội địa, tàu quân sự, cảng quân sự, cảng cá, cảng thủy nội địa đã được điều chỉnh trong các luật khác như Luật Thủy sản, Luật Giao thông đường thủy nội địa. Do đó, không thể đưa về điều chỉnh tất cả trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), cần có quy định loại trừ ở phạm vi điều chỉnh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoạt động của các loại phương tiện, các loại cảng có liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng hải, nhưng chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật này nên cần có sự điều chỉnh trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Về quyền vận tải nội địa (Điều 8), tán thành quy định về bảo hộ quyền vận tải nội địa để bảo vệ lợi ích quốc gia, góp phần phát triển đội tàu biển trong nước, nhất là trong điều kiện hiện nay nhiều nước trên thể giới có ngành vận tải hàng hải phát triển, có lợi thế lớn hơn rất nhiều so với ngành vận tải hàng hải Việt Nam, cả về vốn và kinh nghiệm quản lý. Quy định như vậy là kế thừa quy định của Bộ luật hiện hành và cũng như nhiều nước khác trên thế giới, không trái với điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Một vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận là liệu quy định về Ban quản lý và khai thác và cảng vụ có chồng chéo nhau hay không? Giải thích trước Ủy ban Thường vụ Quốc hôi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định không có sự chồng chéo ở đây.
“Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ. Cảng vụ có nhiệm vụ quản lý tàu ra tàu vào, làm nhiệm vụ cấp phép tàu vào, tàu ra. Ban quản lý và khai thác cảng không làm nhiệm vụ này, mà quản lý về quy hoạch, về đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển để trong cùng một khu vực thì đầu tư cảng có hiệu quả, không bị chồng chéo,” Bộ trưởng nêu rõ.
Các nội dung quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; thanh tra hàng hải; tàu biển; đăng kiểm tàu biển; cảng biển; ban quản lý và khai thác cảng đã được thảo luận, giải trình cụ thể./.
Quỳnh Hoa
vietnam+
|