Ngành giấy “kêu” về quy định nhập khẩu phế liệu
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương “than thở” về nhiều bất cập trong các quy định liên quan tới việc quản lý phế liệu nhập khẩu, đặc biệt là về ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.
* Ngành giấy Việt Nam trước hiệp định thương mại FTA
* Đầu tư ngành giấy: Không thể đủng đỉnh
VPPA kiến nghị mức ký quỹ chỉ khoảng 5% giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu là hợp lý. Ảnh: Internet
|
Theo VPPA, theo Điều 58, Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các doanh nghiệp sản xuất giấy đều phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Hiện nay, doanh nghiệp trong ngành giấy có sản lượng thấp nhất cũng phải nhập 1.000 tấn/tháng (2 lô), tương ứng số tiền ký quỹ 800 triệu/tháng. Tính bình quân, doanh nghiệp sản xuất giấy nhập khẩu 2.500 tấn/tháng, số tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất giấy ký quỹ nhiều nhất là 8 tỷ đồng (10.000 tấn/tháng).
Theo tính toán của ngành giấy, chi phí cho việc ký quỹ (trả lãi tiền vay) sau khi trừ lãi số dư tiền gửi, lần lượt ở doanh nghiệp có sản lượng thấp nhất là hơn 5,3 triệu đồng/tháng; tính bình quân là hơn 13,3 triệu đồng/tháng và chi phí cho việc ký quỹ của doanh nghiệp lớn nhất là trên 53,2 triệu đồng/tháng. Tính chung chi phí cho việc ký quỹ của toàn ngành giấy là gần 453 triệu đồng/tháng hay gần 5,5 tỷ đồng đồng/năm.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp đều thiếu vốn lưu động, việc ký quỹ một khoản tiền lớn (ít nhất cũng gần 1 tỷ đồng) hàng tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. VPPA đề nghị, nếu cần phải ký quỹ thì mức ký quỹ 5% giá trị lô hàng nhập khẩu là mức có thể chấp nhận.
Ngoài quy định ký quỹ, theo ông Bảo, quy định mới về việc phế liệu nhập khẩu phải kiểm hóa 100% tại hải quan cửa khẩu nhập cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, công văn số 6037/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan ngày 1-7 quy định kiểm hóa 100% phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất kể từ ngày 1-7.
Trước ngày 1-7, việc kiểm hóa chỉ thực hiện theo xác suất và chỉ khi Hải quan nghi ngờ. Nay kiểm hóa 100% lô hàng, thời gian thông quan lô hàng nhập khẩu kéo dài và tăng chi phí không đáng có.
VPPA đề nghị Tổng cục Hải quan thu hồi công văn này và thực hiện việc kiểm hóa giấy loại nhập khẩu như trước ngày 1-7.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về vấn đề này, đại diện Cục giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu sản xuất của một số ngành công nghiệp, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường.
Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số trường hợp nhập khẩu hàng hóa là phế liệu không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Thậm chí khi cơ quan Hải quan triển khai hoạt động kiểm tra, các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu dừng không đến làm thủ tục nhập khẩu phế liệu, do đó quy định kiểm tra 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu là cần thiết.
Tuy nhiên, việc kiểm tra không phải thực hiện máy móc. Cơ quan Hải quan kiểm tra 100% các lô hàng nhưng không phải kiểm tra tất cả các container và chỉ kiểm tra một tỉ lệ nhất định nếu khẳng định không có vấn đề gì. Với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật việc kiểm tra rất nhanh chóng.
Thanh Nguyễn
hải quan
|