Samsung tìm gì ở cái đinh vít nội địa
Giới công nghiệp nước ta từng xôn xao khi Samsung khởi đầu sản xuất ở nước ta mà phải nhập khẩu đủ mọi linh kiện họ cần đến. Với ngần ấy tiến sĩ mà ta không làm nổi được đinh vít là thế nào? Với đồng lương chết đói như vậy mà đinh vít của ta lại bị chê là quá đắt à? Chúng tôi xin thưa ngay là không có câu hỏi nào trong số đó là mối quan tâm của khách hàng Samsung cả.
* Phụ trợ cho Samsung vẫn quá khó với doanh nghiệp Việt
* Samsung lại “mặc cả”
* Samsung sẽ chuyển hơn 20.000 máy móc sang Việt Nam
Có hai cách làm đinh vít. Nguyên liệu của cả hai cách là một cuộn dây thép đường kính thích ứng. Bằng cách thứ nhất, người ta tiện dây thép với một lưỡi dao có hình dáng thích ứng với vít muốn sản xuất. Bằng cách thứ hai người ta dùng hai kẹp cứng đẩy thép ở vỏ ngoài dây thép cho nó có hình vít thích ứng. Tùy điều kiện sách kỹ thuật, người ta chọn một loại thép và hâm lại ở nhiệt độ thích hợp để cho bền và mạ bằng một kim loại thích hợp để chống gỉ và trơn khi vặn. Với những công cụ hiện đại, một máy sản xuất vít giá vài ngàn đô la Mỹ và có công suất cả ngàn vít mỗi ca tám giờ. Nước ta đã có công nghệ đinh vít rồi. Nhưng vẫn chưa đủ để trở thành bên cung cấp cho một xí nghiệp công nghệ cao.
Làm như vậy thì chỉ thỏa mãn được một xí nghiệp thủ công. Khi gặp một đinh vít hỏng thì người thợ loại nó ra một bên và thay thế bằng một vít khác. Nếu cần thì bên cung cấp có thể đền hay thay thế những đinh vít bị trả lại. Việc này không làm giảm năng suất lao động của người thợ là bao nhiêu mà cũng không tốn kém gì nhiều.
Đối với một xí nghiệp siêu quốc gia thì giá mua là một yếu tố quyết định quan trọng, nhưng cũng chỉ là một yếu tố thôi
|
Đối với một xí nghiệp siêu quốc gia thì giá mua là một yếu tố quyết định quan trọng, nhưng cũng chỉ là một yếu tố thôi. Một đối tác đặt hàng đều có khả năng tính giá thành của mọi vật người ấy cần mua. Họ biết sẽ phải mua với giá nào để bên cung cấp vẫn có lãi mà tiếp tục cung cấp cho họ. Đây là nguyên tắc “hai bên cùng có lợi” mà bao giờ họ cũng coi trọng lợi ích lâu dài riêng của họ chứ không phải là một nguyên tắc đạo đức.
Nhưng khi phải vặn cả trăm đinh vít mỗi phút để sản xuất thì một vít không thích ứng làm ngưng dây chuyền sản xuất trong vài phút, thời gian để thay thế đinh vít đó, điều này không thể chấp nhận được. Khấu hao của một phân xưởng giá cả trăm triệu Mỹ kim cộng với chi phí của mỗi phút vận hành không cho phép thỉnh thoảng phải ngưng sản xuất chỉ tại vì có một đinh vít không thích ứng. Do đó đòi hỏi của bên đặt hàng là tỷ số không thích ứng tính bằng một trên một triệu đơn vị (ppm - parts per million). Đó là tiêu chuẩn “chất lượng”.
Nếu bên cung cấp không trao hàng đúng hẹn thì phân xưởng cũng phải ngưng sản xuất vì thiếu đinh vít. Để tránh điều này, bên cung cấp có thể sản xuất và lưu trữ trước nhiều đinh vít đề phòng khi sản xuất của mình có vấn đề. Đây là một chính sách mà bên đặt hàng cũng sẽ không chấp nhận. Khi người ta xây một nhà máy thì người ta tính đủ vốn và xây kho đủ rộng để sau này có thể hoạt động hài hòa. Nếu còn thừa vốn thì người ta dùng vào một dự án khác. Nếu mang hàng đến trước thì bên đặt hàng không có chỗ chứa mà lại phải có thêm vốn câu lưu để thanh toán hàng họ nhận nhưng chưa dùng đến. Họ cũng không chấp nhận bên cung cấp lưu hàng trong kho của mình và chịu chi phí do lưu trữ hàng đã được sản xuất thặng dư. Làm như vậy có nghĩa là bên cung cấp bắt buộc phải tính thêm những chi phí đó trong giá thành và trong giá bán. Lẽ cố nhiên bên đặt hàng sẽ không chấp nhận phải trả đắt hơn là đúng lý. Đó là tiêu chuẩn “đúng lúc đúng lượng”.
Khi chào hàng và khi giao hàng lần đầu tiên thì mọi chuyện đều lý tưởng cả. Nhưng người ta đầu tư cả tỉ đô la vào nước mình trên nguyên tắc là để làm ăn có lãi đều đặn và lâu dài. Bên đặt hàng sẽ không chấp nhận thỉnh thoảng bên cung cấp không tôn trọng một trong hai tiêu chuẩn chất lượng và đúng lúc đúng lượng như kể trên vì lãi của họ sẽ không đều đặn. Thêm vào đó, bên cung cấp muốn nguồn cung cấp theo hai tiêu chuẩn đó được bảo đảm cho tới khi dự án đầu tư của họ chấm dứt. Họ sẽ chọn làm ăn với một bên cung cấp không những có đủ phương tiện sản xuất thích hợp mà còn phải có kết cấu tài chính vững chắc và có một ban giám đốc thống nhất, ổn định với đủ tài năng điều hành xí nghiệp để tiếp-tục giao thương với họ trong dài hạn. Đó là tiêu chuẩn “bền vững”.
Để trở thành nhà cung cấp cho các xí nghiệp công nghệ cao hay thấp thì phải đáp ứng ba tiêu chuẩn chất lượng, đúng lúc đúng lượng và bền vững kể trên. Chắc Samsung cũng chỉ đòi hỏi đến đó thôi khi tìm mua đinh vít.
Đặng Đình Cung
tbktsg
|