Chờ qua đêm 30 của nông nghiệp
Nền nông nghiệp Việt Nam trước TPP sẽ thắng hay thua?
* “Mở cửa” đón đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp
* Nông nghiệp tăng trưởng?
Tại Việt Nam, hầu như các loại giống cây trồng từ lúa, hoa màu, rau quả đến các giống vật nuôi cao sản... đều đã tràn lan ngoại nhập. Trong ảnh: Bò thịt của Úc được nhập nguyên con về Việt Nam để giết mổ. Ảnh: UYÊN VIỄN
|
Nỗi lo từ con giống
Một buổi chiều cách đây vài tuần, một nhóm chuyên gia ngồi lại với nhau và một câu chuyện được xới lên đan xen nhiều tâm trạng: sự trở lại của Monsanto, công ty Mỹ vốn là một bị đơn chủ chốt trong vụ kiện chất độc da cam của Việt Nam. Đến Việt Nam lần này, dĩ nhiên, Monsanto, dưới cái tên Dekalb Việt Nam, không phải để bán hóa chất mà là giống cây trồng.
Monsanto nằm trong số sáu đại gia lớn nhất về giống cây trồng, đặc biệt là giống cây biến đổi gen. Và điều đáng lo hơn là năm trong số sáu đại gia đó đã có mặt tại Việt Nam, từ Syngenta của Thụy Sỹ đang bán các loại giống như bắp biến đổi gen, đến Bayer của Đức, Dupont và giờ là Monsanto của Mỹ.
Chưa cần đến khi Việt Nam cho phép trồng đại trà cây biến đổi gen thì thị trường giống cây trồng, và cả giống vật nuôi, ở Việt Nam gần như đã nằm dưới sự thống lĩnh của các tên tuổi nước ngoài. Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chỉ riêng năm 2013, Việt Nam đã nhập về các giống rau trị giá 500 triệu đô la Mỹ. Rộng hơn, hầu như các loại giống cây trồng từ lúa, hoa màu, rau quả đến các giống vật nuôi cao sản... đều đã tràn lan ngoại nhập.
Nghịch lý là các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu ra các loại giống tốt, giá lại rẻ, có điều không bán ra được. Trong khi đó, giống từ các công ty bên ngoài được bán với giá hơn gấp ba lần, nhưng lại được mua rất nhiều. Lý do, theo ông Bửu, các công ty này làm tiếp thị rất tốt, lại cho nông dân mua nợ, đồng thời thưởng lớn cho người bán theo doanh số. Và hệ quả là giống trong nước dần lép vế, dù Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, với thuế suất nhập khẩu về mức 0%, nông nghiệp nước nhà đứng trước nguy cơ thất thủ.
Đêm 30 của ngành chăn nuôi
Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất mà tiền đồ trước TPP thì “tối đen như đêm ba mươi”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng một khi TPP có hiệu lực thì những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ô tô, thịt lợn, thịt bò và đường. Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất mà tiền đồ trước TPP thì “tối đen như đêm ba mươi”.
Hàng rào thuế quan TPP gỡ bỏ sẽ dọn đường cho thịt bò từ Mỹ, Canada, Úc, New Zealand đến. Các sản phẩm khác như sữa và sản phẩm từ sữa, thịt heo đông lạnh, thịt gà đông lạnh và phụ phẩm cũng nối gót theo sau đó. Điều đáng nói là ở chỗ không phải do ngành chăn nuôi trong nước không đáp ứng được mà là do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn. Khi TPP chưa có hiệu lực, cạnh tranh đã nóng, TPP có hiệu lực thì sẽ còn khó khăn hơn nhiều khi thuế suất về 0%, thịt ngoại cạnh tranh hơn.
Thịt bò chẳng hạn, nhất là bò sống, đang chứng kiến sự tăng nhiệt từ Úc, một trong 12 thành viên đàm phán TPP trên thị trường Việt Nam. Giá thành 1 ki lô gam thịt bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ), sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi tân đáo, giết mổ, lãi vay ngân hàng... là khoảng 170.000-180.000đồng/ki lô gam. Trong khi đó, giá bò thịt nuôi tại Việt Nam không dưới 200.000 đồng/ki lô gam.
Khi bò thịt đang bi quan thì bò sữa có vẻ như đang là một điểm sáng. Tổng kết năm 2014, Việt Nam có khoảng 227.000 con bò sữa, và cuộc điều tra vào ngày 1-4-2015 cho thấy đàn bò đã lên tới 253.700 con, một mức tăng đáng kể. Với tốc độ này sẽ không khó để đạt đến 300.000 con theo quy hoạch đến năm 2020. Nhưng có thật bò sữa sẽ mang lại những dòng sữa ngọt ngào cho nông nghiệp Việt Nam?
Xem thêm tại đây
Trần Phi Tuấn
TBKTSG
|