Thứ Bảy, 25/07/2015 14:27

Thích ứng để xuất khẩu vào thị trường Nhật

Theo nhận định của ông Tạ Đức Minh, Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), xu hướng mới của Nhật Bản là chuyển NK nhiều loại mặt hàng từ Trung Quốc sang NK từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Với cơ hội này, nếu DN Việt biết thay đổi, thích ứng thì cơ hội đến với thị trường Nhật là không hề nhỏ.

* Điểm danh 14 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD

* Tiền đề cho tái cơ cấu thị trường xuất khẩu

* Phân tích về 12 nước tham gia Hiệp định TPP

Thủy sản là một trong những thế mạnh XK của Việt Nam vào Nhật Bản.

Cơ hội mới

Ông Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Nhật Bản tiếp tục có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn sau khi rơi vào suy thoái kỹ thuật do ảnh hưởng của đợt tăng thuế bán hàng từ 5 lên 8% vào tháng 4-2014. Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo điều chỉnh GDP quý I của nước này tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1% so với quý IV-2014. Kim ngạch XK tăng 2,4% và NK tăng 2,9% so với cùng kỳ.

“Trong thời gian tới nhu cầu NK tăng, Nhật Bản sẽ trở thành nước nhập siêu sau 31 năm liên tục xuất siêu với mức độ cao. Bên cạnh đó, một số mặt hàng của Nhật Bản lâu nay được bảo hộ một cách truyền thống đang đứng trước xu hướng phải nới lỏng bảo hộ” - ông Minh cho biết.

Cùng với một số dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế Nhật Bản, việc thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) cũng đang bước vào giai đoạn mới. Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BTC kèm Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện VJEPA giai đoạn 2015-2019. Việc tham gia Hiệp định cũng mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa XK của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Theo Hiệp định, các sản phẩm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất của Nhật Bản là các sản phẩm nông thủy sản và hàng dệt may, là những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Theo ông Minh, sản phẩm công nghiệp (lĩnh vực mà thuế suất của Nhật Bản đã rất thấp), Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế bình quân xuống còn 0,4% vào năm 2019. Đối với sản phẩm nông sản, lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhưng Nhật Bản bảo hộ mạnh mẽ, phía bạn cam kết cắt giảm thuế bình quân từ 8,1% năm 2008 xuống 4,74% vào năm 2019. Trong lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực đem lại lợi ích XK lớn nhất cho Việt Nam từ việc thực thi VJEPA, Nhật Bản giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống còn 1,31% năm 2019.

Vượt qua rào cản kỹ thuật

Với nhiều cơ hội được mở ra như vậy, nhưng theo các chuyên gia, vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật mới là rào cản khó vượt qua đối với DN khi chọn Nhật Bản để giao thương. Theo ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ DN Việt Nam-Nhật Bản, muốn XK mặt hàng nào qua Nhật Bản thì phải chứng minh được xuất xứ của từng loại nguyên liệu và thời gian gia công, lương công nhân, độ tuổi công nhân trên 18 tuổi. Ví dụ một sản phẩm nông sản, từ giai đoạn cải tạo đất, phân tích đất, trồng và từng giai đoạn trưởng thành, đều phải có nguồn gốc xuất xứ và lý lịch, thì sản phẩm đó mới được XK vào Nhật. “Hiện Nhật đã mở cửa thị trường cho một số loại trái cây của Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng không đơn giản như vậy. Nếu ta không nắm chắc và thực hiện quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sâu bệnh, chứng minh đất đai không có bệnh tật, công nhận vùng đất sạch, sản xuất sạch thì cũng không NK được vào thị trường này” - ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, thuế chỉ là “cửa ải” đầu tiên, bởi dù có thuế hay không có thuế, muốn XK vào Nhật, DN vẫn cần đảm bảo từ tiêu chuẩn, chi tiết kỹ thuật, chất lượng đến quy định, luật pháp của nước sở tại. Nhưng không chỉ có thế, ông Dũng tiết lộ, hàng rào kỹ thuật chỉ là một, có nhiều hàng rào khác mà DN cần hiểu rõ, ví như hàng rào thủ tục, mà Nhật Bản là nước sử dụng hàng rào thủ tục cực kỳ giỏi. Đơn cử như hàng hóa của Mỹ, đạt đủ tiêu chuẩn của Mỹ nhưng nông sản, thịt bò Mỹ vào Nhật Bản không dễ. “Chưa kể tiếng Nhật rất khó, phải hiểu và biết tiếng Nhật rành rọt, như con cá mòi Nhật gọi như thế nào, nếu không rất có thể hàng của DN bị cấm NK. Hoặc với than, phải mất 5 - 10 năm chúng tôi mới hiểu quy cách, tiêu chuẩn than của Nhật” - ông Dũng nói.

Theo các chuyên gia, khi DN muốn bán sản phẩm của mình ở Nhật Bản còn cần phải hiểu rõ về sản phẩm của chính mình. Ví dụ như nếu chào bán những chiếc túi da nhưng khi được hỏi là da để làm túi được thuộc bằng chrome hay tannin mà người bán hàng không biết, chỉ khăng khăng khẳng định túi của mình làm bằng da thật, da tốt thì nhiều khả năng DN đó đã mất một bạn hàng. Bởi thực tế, giá cả và thời gian sử dụng sản phẩm da phụ thuộc rất nhiều vào việc loại da đó được thuộc bằng chrome hay tannin và người Nhật cần câu trả lời cụ thể này. Do vậy, lời khuyên đối với các DN khi giao thương tại thị trường Nhật Bản là lưu ý, chỉ nên đến Nhật chào bán các sản phẩm của mình sau khi đã nắm chắc về sản phẩm đó, từ chi tiết nhỏ nhất.

Thâm nhập vào thị trường Nhật Bản nhiều khó khăn là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Việt Nam, một khi DN Việt chịu khó, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, thâm nhập được thị trường Nhật Bản, cơ hội đứng vững và phát triển hơn nữa ở thị trường này sẽ rất nhiều, bởi đối tác Nhật coi trọng chữ tín, xây dựng được uy tín rồi thì nếu có khó khăn, họ cũng sẽ giúp đỡ, hỗ trợ.

An Tư

hải quan

Các tin tức khác

>   DNNN đóng góp như thế nào cho nền kinh tế? (25/07/2015)

>   Hải quan chuẩn bị kết nối Cơ chế một cửa ASEAN thế nào? (25/07/2015)

>   Dòng chảy khổng lồ trên thị trường dầu mỏ thế giới (25/07/2015)

>   Phao cứu sinh cho doanh nghiệp (25/07/2015)

>   Cần đổi mới sản xuất để nâng cao giá trị con tôm (25/07/2015)

>   Ngành điều rộng mở xuất khẩu (25/07/2015)

>   Chờ qua đêm 30 của nông nghiệp (25/07/2015)

>   Samsung tìm gì ở cái đinh vít nội địa (25/07/2015)

>   Thịt trâu Ấn Độ ‘biến’ đi đâu? (25/07/2015)

>   Bắc Ninh thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp hơn 7,8 tỷ USD (24/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật