Phí, lệ phí vô lý, thiếu minh bạch:
Doanh nghiệp phải trả hàng nghìn tỷ đồng
Các hãng tàu đang áp nhiều loại phí, phụ phí vô lý ở mức cao với các chủ hàng Việt Nam trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp ở mỗi ngành hàng phải trả các loại phí và lệ phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cho rằng, những loại phí trên thiếu minh bạch, trong khi cơ quan quản lý làm chưa tròn trách nhiệm.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải nộp hàng chục nghìn phụ phí hàng hải mỗi năm. Ảnh: Huy Thịnh
|
“Ăn” trên lưng doanh nghiệp
Theo phản ánh của nhiều DN xuất nhập khẩu, hiện các hãng vận tải nước ngoài đang thu nhiều khoản phí, phụ phí vô lý, thiếu minh bạch. Thậm chí các khoản phí, phụ phí trên còn tăng dần, khiến tổng mức phí áp cho một lô hàng chiếm tới 60% tổng chi phí xuất nhập khẩu; cao gấp 2-3 lần so với cước vận tải.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các hãng tàu đang thu 15-20 loại phí khác nhau; có việc thu trùng, chồng chéo. Theo bà, các hãng tàu đã thu phí vận đơn (B/L) còn thu phí chứng từ; thu phí CFS (phí hàng lẻ) đồng thời thu phí nâng hạ container, phí đại lý... Cũng theo bà Dung, phí cao ngất ngưởng “không thể chấp nhận” là loại dịch vụ xếp dỡ container tại cảng (THC). Đây là loại phí “nhà” cảng thu, nhưng các chủ tàu đứng ra thu “hộ” từ chủ hàng rồi nộp cho cảng. “Mức thu thường chỉ 20-25 USD/container 20’, và 35-40 USD/container 40’, nhưng chủ tàu thu gấp nhiều lần, với 80 USD/container 20’, 130-135 USD/container 40’. Các chủ tàu đã thu được một khoản chênh lệch lớn”- bà Dung nói.
Lãnh đạo Vitas còn cho biết, phản ánh của Cty may Đức Giang cho thấy, trong các hãng tàu mà công ty này có sử dụng dịch vụ, hãng Damco thu nhiều loại phí nhất và chi phí cao nhất. Ngoài ra, có nhiều loại phí mà các DN phản đối nhiều, nhưng các hãng tàu vẫn thu như: Phí mất cân bằng container (CIS, CIC), phụ phí xăng dầu, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh container, phí sửa chữa container…
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), phí mất cân đối container chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container giữa hai đầu bến và chỉ xuất hiện theo thời vụ. Loại phí này, khi hàng nhập về Việt Nam, nếu phát sinh, chủ hàng xuất tại nước ngoài sẽ phải chịu. Tuy nhiên, chủ tàu vẫn thu từ chủ hàng Việt Nam với giá khoảng 50 USD/container 20’ và 100 USD/container 40’ và thu liên tục từ năm 2010 đến nay.
Ông Nam cho biết: “Hiện một số hãng tàu còn thu phí CIC ở cả 2 đầu xuất và nhập cho hàng đi từ Trung Quốc về Việt Nam. Cùng thu phí như nhau, nhưng mỗi hãng lại có 1 cách diễn giải khác nhau như: “Thu hộ phí phụ trội hàng nhập hay thu phụ phí hàng nhập... Rõ ràng, các hãng tàu chưa có sự minh bạch rõ ràng khi thu phụ phí này”- ông Nam nói.
Theo các DN, các hãng vận tải tự động tăng các loại phí, cước một cách vô lý, không báo trước. Ví dụ như, tuần này thông báo, tuần sau “ốp” luôn. Khi tăng bất cứ loại phí nào, đồng loạt các hãng cùng tăng. Có thể số tiền cho từng loại phí không giống nhau, nhưng tổng các loại phí của mỗi hãng vận tải thường bằng nhau. Thậm chí có hãng không chịu cung cấp bảng phí, phụ phí mà chỉ đồng ý cung cấp chi tiết cho từng lô hàng cụ thể, gây khó khăn cho DN.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, với những khoản chi phí trên, DN có thể bị lỗ nếu phát sinh quá lớn. Chẳng hạn, từ ngày 1/4/2014, các hãng tàu đồng loạt thông báo tăng giá cước phí đi EU 30% so với trước, nhưng DN nhận được thông báo trước đó 2-3 ngày. Theo tính toán, một DN xuất khẩu khoảng 200 container/tháng, giá cước vận tải sẽ phải tăng thêm 4 tỷ đồng/tháng.
Vô lý sao vẫn tồn tại?
Theo Vitas, việc thu phí cao cũng không hẳn do các chủ tàu tăng, mà chủ yếu là đại lý cấp 2, 3... nâng lên để “ăn” chênh lệch. Do vậy, cần yêu cầu chủ tàu minh bạch các loại phí và cách tính phí. Theo bà Dung, hầu hết các DN trong nước làm hàng xuất nhập khẩu đều xuất theo giá FOB, mua giá CIF. Nghĩa là không phải trả cước vận chuyển, nhưng phải trả phí, phụ phí. Vì điều này, các hãng vận tải giảm cước tối đa (có hãng không thu cước), nhưng bù lại, họ tăng mọi chi phí vào phí và phụ phí, thậm chí khoản tiền này còn tăng gấp 2-3 lần cước vận tải.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Duy Hải-Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty CP Vinacam (DN chuyên nhập khẩu phân bón) cho biết: Phí, phụ phí của các hãng tàu là một “vấn nạn” lâu nay và hiện cơ quan quản lý vẫn chưa có giải pháp. “Các hãng tàu thu hộ phí, bốc xếp container cao gấp 2-3 lần phí thực tế cảng thu. Như thế là ăn trên lưng DN Việt Nam. Cơ quan quản lý Việt Nam chưa làm hết trách nhiệm. Đó là điều ai cũng nhìn thấy, không xử lý được thì vô lý”- ông Hải nói.
Nói về các loại phí, phụ phí trên, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho rằng, quá nhiều loại phí vô lý và có sự lạm thu. Theo ông, dịch vụ, hai bên phải thỏa thuận, hoặc phải được niêm yết công khai. “Chứ không thể hãng tàu cứ đưa ra hàng chục loại phí. Ẩn trong đó có chuyện trốn thuế”- ông Lĩnh nói.
Ông Lĩnh phân tích: “Hầu hết các nước xuất khẩu qua giá CIF, được chọn tàu, cung ứng dịch vụ vận tải. Còn ta giao cho nước ngoài hết, vì vậy họ liên kết với nhau, tạo sức ép. Ở nước ngoài, khi hình thành tổ hợp, có liên minh về giá, sẽ bị kiểm tra, phạt ngay. Do vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể làm rõ việc này. Các hiệp hội đã kêu lắm rồi”.
Theo tính toán của ngành hàng thủy sản và da giày, các khoản phụ phí mà hãng tàu thu của doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của mỗi ngành (khoảng 110-150 triệu USD/năm, tương đương 2.200-3.000 tỷ đồng). Giá các loại phí, phụ phí cũng tăng trung bình 20%/năm. Đây là khoản tạo giá thành không nhỏ, tác động tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
|
Phạm Anh
tiền phong
|