Còn nhiều bất đồng quanh con cá tra
Cá tra là mặt hàng kỳ lạ, không phải cạnh tranh với hàng ngoại nhưng chính những người kinh doanh mặt hàng này lại giẫm đạp lên nhau và đều thua!
Sau khi Nghị định 36/2014/NĐ-CP ban hành, nhiều doanh nghiệp đã không thể hiểu nổi tại sao cùng một ngành hàng lại có hai hiệp hội quản lý? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng và những tranh cãi quanh con cá tra vẫn chưa có hồi kết.
Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi quanh con cá tra
|
Bất đồng chính kiến
Trong một diễn biến mới nhất, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Cá tra Việt Nam – đại diện cho người nuôi cá, vẫn tiếp tục mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” khi trao đổi về nghị định xung quanh con cá tra. Nghị định 36/2014/NĐ-CP được ban hành vào ngày 29/4/2014 và có hiệu lực thực thi vào ngày 20/6/2014, có nhiều tranh cãi ở mấy điểm: tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm trong sản phẩm (có hiệu lực thi hành ngày 31/12/2014) và quy định hợp đồng đăng ký xuất khẩu giữa các doanh nghiệp thuộc VASEP và Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đến đăng ký hợp đồng xuất khẩu, Hiệp hội đã đưa vào sử dụng một phần mềm vi tính giúp rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử để đăng ký trực tuyến hợp đồng xuất khẩu cá tra. Dự kiến đến năm 2016, sẽ tiến tới liên thông với phía hải quan để thống nhất hệ thống cơ sở dữ liệu.
Trước đó, tại hội thảo “Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ- CP và thông tư số 23/2014/ TT-BNNPTNT” tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 10/6/2015, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cũng đã lên tiếng yêu cầu Bộ NN&PTNN bỏ quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP (kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương - HVG) nói rằng, năm nay ngành cá tra sẽ không đạt chỉ tiêu 1,8 tỷ USD như mong muốn. Doanh nghiệp đã bỏ tiền, bỏ công tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng, nhưng thực tế kim ngạch xuất khẩu cá tra từ đầu năm tới nay đã giảm 20%. Tổng thư ký của VASEP, ông Trương Đình Hòe khẳng định: việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu không giúp cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước mà còn phát sinh thủ tục rườm rà, mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Về lâu dài có nguy cơ dẫn tới việc xin – cho.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, số hợp đồng xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam chưa bằng 10% so mức bình quân cùng kỳ những năm trước. Tại cuộc họp gần nhất của Bộ NN&PTNT vào ngày 10/6/2015 tại Cần Thơ, có 2/3 đại biểu tham dự là doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã lên tiếng khi nghị định yêu cầu cá tra phi-lê đông lạnh có tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%, hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đề nghị tỷ lệ mạ băng không quá 20%, hàm lượng nước là 86% và thời gian áp dụng từ năm 2016. Không ít doanh nghiệp cho biết họ sẽ đóng cửa nếu cơ quan chức năng không sửa đổi hai điều trên trong nghị định và thủ tục đăng ký.
Một ngành hàng, hai đầu mối
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám thừa nhận, nhiều doanh nghiệp cá tra kiến nghị rằng, những hệ thống quản lý tương thích với quy định thị trường vẫn còn “chênh nhau”, khiến một hiệp hội không làm nổi, nhưng hai hiệp hội thì lại… “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Việc chế biến, tiêu thụ cá tra cần có sự phân công một cách rõ ràng để giúp doanh nghiệp thuận lợi bước ra thị trường, hơn là khiến doanh nghiệp cứ phải mất công sức tìm thị trường mới. “Thị trường cũ không giữ được thì doanh nghiệp chỉ là những kẻ du mục mà thôi”, một doanh nhân ở Cần Thơ nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, băn khoăn: “Tại sao một ngành hàng lại có hai hiệp hội quản lý”? Trong khi đó dù miễn cưỡng, nhưng với Nghị định 36, ít nhất có 193 doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu với tổng hồ sơ là 6.672 bộ, 10.653 lô hàng đăng ký xuất khẩu với tổng khối lượng là 368.954 tấn – theo ghi nhận của Bộ NN&PTNN. Ngoài ra, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã thống kê sản phẩm cá tra tồn kho đợt 1 có 82 doanh nghiệp, chỉ có 24 doanh nghiệp không có hàng tồn, kể cả 20 doanh nghiệp không báo cáo.
Năm 2015, Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu sản lượng cá tra đạt 1,1 – 1,2 triệu tấn, KIM NGẠNH xuất khẩu đạt 1,75 – 1,85 tỷ USD
|
Nếu Nghị định 36 khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá tra băn khoăn thì có lẽ họ sẽ càng bất an hơn khi biết rõ một thực tế, cá tra chỉ là một sản phẩm thay thế khi thị trường Mỹ bị bỏ trống. Theo TS. Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex - FMC), Sóc Trăng, năm 2007-2008, sở dĩ cá tra Việt Nam thắng đậm ở thị trường Mỹ là vì cá minh thái (tên khoa học là pollachius), đối thủ của cá tra bị hạn chế khai thác ở Mỹ để duy trì môi trường phát triển tự nhiên. Trong thời gian đó, sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần. Nay cá minh thái từ vùng Alaska đã tăng mạnh sản lượng khai thác, do vậy, cơ hội cho cá tra vào Mỹ sẽ càng càng bị thu hẹp bởi cá minh thái là cá biển, khẩu vị ngon và giá rẻ hơn.
Có lẽ vì thế năm 2015, Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu ổn định diện tích nuôi cá tra ở mức 5.500 ha, sản lượng 1,1 – 1,2 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,75 – 1,85 tỷ USD. Theo các doanh nghiệp, bây giờ không phải là lúc bàn cãi nhiều đến nghị định mà cần tháo gỡ những điểm bất hợp lý, đồng thời thông tin kịp thời về thị trường để doanh nghiệp thích ứng.
“Kinh nghiệm cho thấy, năm nào sản lượng cá tra đạt mức cao thì sẽ mất giá. Do vậy, cần có thêm nhiều chuyên gia kinh tế nghề cá vào cuộc và các tổ chức ngành hàng chung sức phát huy tốt nhất mọi nguồn lực thì các doanh nghiệp xuất khẩu mới đỡ khổ”, đại diện một doanh nghiệp cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đề xuất.
Châu Lan
Diễn đàn doanh nghiệp
|