Thực thi Luật Doanh nghiệp mới: bản thân DN phải thay đổi
Đang xuất hiện nhiều lo ngại về những rắc rối phát sinh khi thực thi Luật doanh nghiệp mới. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online phỏng vấn ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong những tác giả của luật này.
- Có doanh nghiệp than phiền là phải chờ từ 8g sáng đến 5g chiều để làm thủ tục chuyển trụ sở mà không xong. Điều này có liên quan đến Luật Doanh nghiệp mới không?
Điều này không liên quan đến Luật Doanh nghiệp mới, mà liên quan đến Thông tư 24. Thông tư này thì có rất nhiều luật sư đề nghị bỏ, và chính tôi cũng nhiều lần ủng hộ.
Doanh nghiệp thay đổi thói quen đi. Khi đến phòng đăng ký kinh doanh mà thấy đông quá thì nên thực hiện đăng ký qua mạng.
- Chuyện khắc dấu cũng rất tạo tâm lý e ngại. Nhiều doanh nghiệp khắc dấu không dám làm?
Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn là các doanh nghiệp khắc dấu không phải xin phép cơ quan công an nữa. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lúng túng. Trước đây, doanh nghiệp quen làm cái gì cũng phải xin phép có dấu đỏ của cơ quan nhà nước.
Còn về thủ tục con dấu. Trước đây, doanh nghiệp nhận được giấy, xong mới đến cơ sở khắc dấu, rồi chuyển lên cơ quan công an, rồi lên cơ quan công an lấy dấu. Giờ thì khác như tôi đã nói trên. Ngay cả việc khắc dấu cũng đã quy định tại Điều 44 rất rõ ràng để thực hiện. Doanh nghiệp tự quyết định về dấu.
Thủ tục con dấu thì cơ quan đăng ký kinh doanh đã gánh rồi. Và việc này dồn vào cơ quan nhà nước
- Cơ quan đăng ký kinh doanh than phiền là phải làm đến tận 7g tối mà vẫn chưa hết việc. Ông thấy điều này thế nào?
Tôi chia sẻ với họ vì công việc tăng lên. Chẳng hạn, thủ tục về con dấu là chuyển từ cơ quan công an sang các phòng đăng ký kinh doanh, nên công việc tăng. Tuy nhiên, đây là thời gian ban đầu, làm việc thêm đến 7g tối cũng là bình thường.
- Vấn đề là Luật Doanh nghiệp được cho là cải cách, nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh lại phải làm thêm việc. Vậy tinh thần cải cách ở đâu?
Chỉ cần doanh nghiệp thay đổi chút là giải quyết được vấn đề. Thay vì cứ đến tận nơi nộp hồ sơ, thì họ hãy làm theo Luật Doanh nghiệp là gửi một bộ hồ sơ thông báo qua mạng. Như thế vừa đỡ công xếp hàng. Đến hẹn sau ba ngày thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Tức là thủ tục tự động. Đây là điều 29-30. Doanh nghiệp nên căn cứ theo Luật.
- Vấn đề là ở chỗ, sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thì cả cơ quan đăng ký kinh doanh, và doanh nghiệp đều kêu ca.
Có hai lý do. Thứ nhất, là số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng lên 40- 50% so với trước ngày 1-7. Đối với một tỉnh thì không là vấn đề vì thông thường chỉ có vài chục doanh nghiệp đăng ký mỗi ngày. Nhưng với Hà Nội và TPHCM thì là công việc khổng lồ. Bình thường, cơ quan đăng ký kinh doanh làm việc đến 5g chiều, nay công việc tăng gấp rưỡi thì làm việc đến 7g là bình thường.
Tuy nhiên, tôi cho là giai đoạn ban đầu cũng có những lúng túng khó tránh khỏi, và tình trạng chung không nghiêm trọng như thế.
- Về lâu dài, công việc của các cán bộ đăng ký kinh doanh có giảm tải không?
Hiện nay, số lượng hồ sơ gửi tăng, thì cơ quan đăng ký kinh doanh phải scan (chụp lưu) vào máy, làm công việc của họ tăng lên. Song về dài hạn, khi doanh nghiệp hình thành thói quen đăng ký qua mạng, thì khối lượng công việc của cơ quan đăng ký kinh doanh chắc chắn sẽ giảm đi, giúp giảm tải công việc.
- Vậy hệ thống máy tính đã được nâng cấp để tương thích với yêu cầu này chưa?
Thời kỳ ban đầu có thể chưa quen về mặt thao tác, nhưng có thể điều chỉnh dần. Mục tiêu đăng ký qua mạng là giảm tải công việc, nhưng thời kỳ đầu có thể có trục trặc.Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì đương nhiên cán bộ đăng ký kinh doanh phải thêm việc.
Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp phải thay đổi thói quen đăng ký qua mạng.
- Ông biết đấy, đã xuất hiện nhiều ý kiến phê phán rằng Luật Doanh nghiệp là “cải lùi”. Ông cảm thấy thế nào?
Tôi khẳng định tình trạng chung không nghiêm trọng như có báo phản ánh. Tuy nhiên, tôi lo là sẽ có nhiều người vin vào đấy để phản đối. Họ có thể nói, các anh cứ nói cải cách đi, nhưng đó là cải lùi đấy. Cho nên đừng cải cách nữa, mà hãy quay trở về như cũ. Như vậy là rất ảnh hưởng đến tinh thần cải cách. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng rất lo chuyện này.
Tư Hoàng
tbktsg
|