Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) sẽ được mở rộng quy mô
Công ty mua bán nợ Việt Nam DATC trực thuộc bộ tài chính sẽ được nâng vốn lên 6000 tỷ đồng. Đó là nội dung được đưa ra trong bản Dự thảo Thông tư về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Bộ tài chính đưa ra nhằm thay thế cho Thông tư số 79/2011/TT-BTC ngày 08/06/2011.
Dự thảo Thông tư quy định rõ về nguyên tắc xử lý tài sản. Theo đó, việc định giá tài sản để xác định giá khởi điểm khi bán hoặc đàm phán góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết, hoán đổi tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cũng theo Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ hơn đối với hoạt động mua nợ, tài sản của DATC. Theo đó, DATC được mua các khoản nợ, tài sản mà chủ nợ, chủ tài sản có nhu cầu bán (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ, nợ nước ngoài, hối phiếu, trái phiếu, bao gồm cả hối phiếu, trái phiếu do chính DATC phát hành).
Dự thảo luật này quy định cách xử lý rõ ràng tách bạch đối với 2 hình thức: xử lý nợ và xử lý tài sản.
Đối với nợ đã mua
DTAC được xử lý nợ bằng các hình thức sau: Thu hồi nợ trực tiếp từ khách nợ; Xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ; Bán nợ cho tổ chức, cá nhân khác; Thu nợ bằng tài sản; Nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ khách nợ sang bên thứ ba; Ủy thác thu nợ hoặc thu hồi nợ thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp khách nợ; Khởi kiện ra Tòa án để đòi nợ; Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong quá trình xử lý nợ, tùy từng trường hợp, DATC được xem xét, xử lý theo các hình thức sau: Khoanh nợ, giãn nợ (gia hạn nợ); Xóa nợ lãi; Điều chỉnh lãi suất của khoản nợ; Thỏa thuận với khách nợ để thu nợ bằng tài sản; Thỏa thuận với khách nợ và bên thứ ba để thực hiện nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên thứ ba trên nguyên tắc đồng thuận giữa ba bên; Chuyển nợ thành vốn góp; Bán nợ theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua...
Đối với tài sản đã mua
DATC được xử lý theo các hình thức: Bán tài sản; Dùng tài sản để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết; Cho thuê tài sản hoặc hoán đổi, sử dụng vào kinh doanh; Bảo quản, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tài sản để bán, cho thuê, góp vốn hoặc sử dụng vào kinh doanh.
Việc bán tài sản theo phương thức thỏa thuận trực tiếp chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá công khai hoặc chào giá cạnh tranh nhưng không thành. Việc tổ chức bán đấu giá công khai hoặc chào giá cạnh tranh phải theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xử lý tài sản tiếp nhận, mua theo chỉ định phải theo đúng phương án mua, bán, xử lý tài sản chỉ định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
N.M
an ninh tiền tệ
|