Thứ Ba, 21/07/2015 09:05

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ Eximbank: Chủ tịch Lê Hùng Dũng rút lui, nhân sự HĐQT mới vẫn chờ NHNN

Sáng ngày 21/07, ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Eximbank (HOSE: EIB) bỏ qua việc bầu cử HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ mới (2015-2019) do danh sách nhân sự vẫn đang chờ NHNN trả lời. Tại Đại hội, Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết ông không tham gia tái ứng cử.

Năm 2015, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1,000 tỷ đồng. Đại diện Ngân hàng cho biết Eximbank có thể làm được 2,400 tỷ đồng lợi nhuận năm 2015 nhưng chỉ đặt kế hoạch 1,000 tỷ đồng do còn có những khoản dự phòng phải trích lập thêm để xử lý nợ xấu (trong đó trích lập thêm 1,000 tỷ đồng dự phòng cho các khoản nợ bán cho VAMC).

Hiện tổng nợ xấu cần phải xử lý tính đến 30/06/2015 của EIB là 2,400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2.82%. Tổng nợ xấu EIB đã xử lý xấu từ đầu năm đến nay là hơn 1,550 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2015, EIB đã đạt 570 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương 57% kế hoạch năm.

* Sếp Tổng và Phó của NamABank được đề cử vào HĐQT Eximbank

15h40:Ý kiến từ đại diện NHNN.

(1) Về hoạt động của EIB 5 năm qua, các chỉ tiêu HĐQT đưa ra đều tăng trong khả năng, điều kiện hoạt động của EIB. Trong bối cảnh tái cơ cấu, Ngân hàng phải trích lập dự phòng, quy mô có thể chưa tương xứng với kết quả thu về nhưng phải đặt mục tiêu an toàn hoạt động lên hàng đầu.

Trong số các ngân hàng tại TPHCM, có 6 ngân hàng được chia cổ tức, 7 ngân hàng không được chia cổ tức năm 2014.

Còn về EIB đã tích cực xử lý nợ xấu và việc xử lý 1,800 tỷ đồng là không đơn giản. Theo thống kê về xử lý nợ tại TPHCM, xử lý bằng phương án thu hồi nợ chiếm chưa đến 20%, bằng trích lập dự phòng chiếm 40%... Các ngân hàng phần lớn dựa vào con đường trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ, trong đó việc trích lập dự phòng thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

(2) Về tái cơ cấu, năm 2013 NHNN đã có quyết định phê duyệt phương án tái cơ cấu của EIB. Ngân hàng cũng đang đi theo lộ trình này. EIB đã cơ cấu lại được nguồn vốn hoạt động, giảm vốn huy động thị trường 2 và tăng huy động từ khách hàng trên thị trường 1, giúp cơ cấu nguồn vốn bền vững hơn. EIB đã xử lý nợ xấu về xấp xỉ dưới 3%.

Kế hoạch 1,000 tỷ đồng lợi nhuận của EIB là không đơn giản trong bối cảnh xử lý nợ xấu như thế này. NHNN lưu ý EIB củng cố về nhân sự HĐQT, Ban điều hành (EIB chưa bầu HĐQT mới, HĐQT cũ vẫn tiếp tục điều hành đến khi có nhân sự mới); củng cố quy mô hoạt động theo mục tiêu tái cơ cấu (tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh… ); xử lý nợ xấu (kiểm soát dòng tín dụng mới ra để hạn chế phát sinh thêm nợ xấu); rà soát lại các vấn đề tái cơ cấu (2015 là năm cuối của giai đoạn đầu tái cơ cấu, bám sát Thông tư 36).

(3) Về thông tin thêm của EIB, đối với vấn đề nhân sự, việc tổ chức Đại hội là quyền của TCTD, nhưng nhân sự thì NHNN phải xem xét. EIB đã có văn bản đề cử nhân sự và chờ NHNN trả lời. Sau khi NHNN có ý kiến, EIB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu nhân sự mới.

Về vấn đề về thanh tra tại EIB, kết luận của Thanh tra chưa ban hành chính thức thì đó là tài liệu mật chưa thể công bố. Tất cả các TCTD đều bị NHNN thanh tra định kỳ, đột xuất, tái cơ cấu… đây là hoạt động bình thường của ngân hàng. Vừa rồi NHNN đã thanh tra đột xuất với EIB và chưa có kết luận cuối cùng. NHNN sẽ công bố kết luận trong thời gian sớm nhất.

15h35: Đại hội thông qua các tờ trình.

Trong đó, tờ trình về kết quả kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2014, báo cáo tài chính năm 2014, báo cáo của HĐQT và Ban điều hành có tỷ lệ đồng ý 74%, không đồng ý 13%, không có ý kiến 5.5% (còn lại là không hợp lệ).

11h45: Số lượng cổ đông tham dự Đại hội lúc này gồm 814 cổ đông, đại diện 92.39% cổ phần có quyền biểu quyết.

11h45: Đại hội thảo luận

Nợ xấu cần xử lý là 2,400 tỷ đồng

Nguyên nhân lợi nhuận 2014 thấp do trích lập dự phòng nhiều, đề nghị Eximbank làm rõ tình hình dư nợ, nợ xấu, vay không có tài sản bảo đảm, là chủ trương cho vay không có tài sản đảm bảo là của ai và phương án giải quyết như thế nào? Khi nào có kết luận thanh tra để Eximbank có nhân sự mới?

Nguyên nhân nợ xấu của EIB cao do rủi ro từ nền kinh tế và chính sách hoạt động của Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng nóng, có nhiều sơ hở và chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ. Sau này EIB đã có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thiếu nhân sự quản lý các khoản cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay và mục đích vay vốn.

Về cho vay của EIB, hiện tổng nợ xấu cần xử lý tính đến 30/06/2015 là 2,400 tỷ đồng, trong đó nợ hạch toán từ nhóm 2-5 là 1,746 tỷ (EIB tính cả những khoản nợ đã cơ cấu theo Quyết định 780 mà khách hàng hầu như không có khả năng trả, EIB dừng dự thu và tính vào nợ quá hạn để xử lý). Tỷ lệ nợ xấu là 2.82%.

Về việc xử lý nợ, năm nay NHNN giao cho EIB phải xử lý nợ xấu 2,730 tỷ, trong đó bán nợ cho VAMC 2,000 tỷ, ngân hàng tự xử lý 730 tỷ. Đến 30/06, EIB đã thực hiện được kế hoạch bán nợ cho VAMC 1,526 tỷ (đạt hơn 75% kế hoạch NHNN giao), dự kiến từ nay đến 30/09 số hơn 400 tỷ còn lại EIB sẽ hoàn tất thủ tục bán nợ cho VAMC. Về con số EIB tự xử lý 730 tỷ, đến 30/06 Ngân hàng đã xử lý hơn 1,000 tỷ, trong đó 468 tỷ sử dụng bằng nguồn dự phòng rủi ro, hơn 500 tỷ thu thực từ khách hàng.

Ngoài những món nợ EIB đã xử lý hơn 1,000 tỷ này, trong số nợ được cơ cấu từ QĐ 780 EIB đã xử lý được hơn 400 tỷ nữa. Như vậy, tổng nợ xấu EIB đã xử lý xấu từ đầu năm đến nay là hơn 1,550 tỷ đồng.

Số lượng bán nợ cho VAMC là 924 tỷ trong năm 2013, 3,888 tỷ trong năm 2014, 1,526 tỷ từ đầu năm đến nay. Tổng số nợ đã bán cho VAMC đến nay là hơn 6,300 tỷ đồng.

Trong số nợ bán cho VAMC vào cuối năm 2014 khoảng hơn 4,000 tỷ đã được EIB tập trung xử lý và thu hồi khoảng 550 tỷ, từ nay đến cuối năm kế hoạch của EIB là tiếp tục thu hồi nợ đã bán cho VAMC khoảng 500 tỷ nữa. Từ năm 2016-2020, mỗi năm EIB sẽ thu hồi bán VAMC từ 1,500-2,000 tỷ mỗi năm.

Về cho vay không có tài sản đảm bảo, phần lớn các khoản vay đều có tài sản đảm bảo, còn cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm chưa đến 5% tổng nợ xấu này. Do thị trường bất động sản có xu hướng giảm giá, khi đánh giá lại bất động sản thì giá trị tài sản đảm bảo của khách hàng bị giảm.

Việc cho vay không có tài sản đảm bảo hầu như ngân hàng nào cũng có và là định hướng hoạt động của toàn Ngân hàng đối với một số đối tượng khách hàng. Từ năm 2012 đến này, EIB cũng đang giảm dần dư nợ không có tài sản đảm bảo. Dư nợ không có tài sản đảm bảo của EIB khoảng 10,000 tỷ, trong đó 80% là của các doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn, Tổng công ty. Tỷ lệ nợ quá hạn với các đối tượng này hầu như không phát sinh. Các dự án cho vay này chủ yếu đầu tư vào các dự án trọng điểm như hàng không, điện lực dầu khí và vẫn mang lại hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Eximbank và Eximland tiếp tục có những giao dịch nhận tài sản để cấn trừ nợ, cần làm rõ thêm về bản chất những giao dịch này. Có phải Eximland ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2014 của EIB không? Mối quan hệ giữa Eximland và Eximbank? HĐQT có ai góp vốn vào Eximland không?

Những năm trước hai bên có giao dịch bán tài sản, đến đầu tháng 4 dư nợ của Eximland cũng đã xử lý xong, EIB không còn giao dịch với Eximland, EIB cũng đã chuyển nhượng vốn góp tại Eximland.

Chi phí hoạt động khác trong quý 4/2014 bao gồm chi phí nào, vì sao tăng đột biến trong quý 4 mà không phải là quý trước, có liên quan đến chi phí tài trợ cho bóng đá không. HĐQT có dự trù khoản này không? EIB đã trích lập dự phòng đủ chưa, có trích lập vào năm nay nữa không? Về sáp nhập PNBSTB, cơ sở nào chấp nhận tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0.75.

Năm 2014, EIB đã cắt chi phí tài trợ cho bóng đá, chi phí quảng cáo cho Ngân hàng gần như không có tài trợ nào lớn.

Về nguyên nhân chi phí khác tăng đột biến trong năm 2014, do EIB đã hạch toán bán 2 tài sản trước đây, lợi nhuận đã hạch toán nhưng không sang tên được tài sản này, do đó EIB phải thoái khoản dự thu này với chênh lệch ghi nhận vào chi phí là 285 tỷ đồng (khoản này đã dùng chia cổ tức cho cổ đông từ những năm trước).

Lợi nhuận năm 2014 là 1,930 tỷ đồng, chi phí xử lý cho nợ xấu gồm trích lập dự phòng 1,854 tỷ (xuất toán lãi dự thu 675 tỷ, trích dự phòng cụ thể 630 tỷ, trích dự phòng cụ thể nợ bán cho VAMC 184 tỷ và dự phòng cho đầu tư tài chính là 80 tỷ, hủy việc chuyển nhượng hai tài sản là 285 tỷ), còn lại lợi nhuận 69 tỷ đồng sau trích lập dự phòng.

Liên quan đến STB, chủ trương sáp nhập đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. EIB chỉ đồng ý phương án sáp nhập nếu tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu tối đa là 1:0.55. Ông Dũng cho biết tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu của STB và PNB được thông qua là 1:0.75, đồng thời 1 cp cổ đông cũ của STB sẽ nhận thêm 0.387 cp STB (từ hoán đổi cp, cổ tức, thưởng cp...). Như vậy tỷ lệ hoán đổi thực chất của STB và PNB là 1.387:0.75, tương đương 1:0.54, phù hợp với quyền lợi của EIB.

Chủ tịch Lê Hùng Dũng không ứng cử HĐQT nhiệm kỳ mới

Nhiều cổ đông cho rằng hoạt động kinh doanh năm 2014 có kết quả tồi tệ. Thù lao HĐQT là 1.5% lợi nhuận, tính cho năm là khoảng 800 triệu đồng, phần chênh lệch lớn hơn mà HĐQT đã nhận hạch toán vào đâu? Cổ đông đề nghị HĐQT nên từ chức. Cổ đông ý kiến về vấn đề không chia cổ tức năm 2014.

Về hoạt động kinh doanh của Eximbank, tăng trưởng tín dụng những năm qua của Ngân hàng quá nóng, những tồn tại đã dần bộc lộ ra.

Kế hoạch lợi nhuận 2015 có thể làm được 2,400 tỷ đồng nhưng Eximbank chỉ đặt 1,000 tỷ đồng do còn có những khoản dự phòng phải trích lập thêm. Theo kế hoạch, Ngân hàng bán nợ cho VAMC 5,000 tỷ, nên sẽ phải trích lập thêm 1,000 tỷ đồng nữa. Eximbank đã xây dựng chương trình xử lý nợ xấu để 7,000 tỷ đồng bán nợ cho VAMC trở thành tiền tươi thóc thật cho Ngân hàng.

Ông Phú nhận trách nhiệm trước Đại hội về việc không chia cổ tức cho cổ đông năm 2014, ông sẵn sàng từ chức nếu vị trí của mình không đảm đương được.

Về ý kiến của cổ đông HĐQT nên từ chức, ông Lê Hùng Dũng cho biết cũng sẽ không tham gia ứng cử HĐQT nhiệm kỳ tới.

Thù lao HĐQT đã nhận trong năm 2014, tạm ứng và trả lại phần vượt chi như thế nào?

Trong năm 2014, EIB xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1,800 tỷ đồng, thù lao HĐQT và BKS được thông qua là 1.5% dự trù đủ trang trải các chi phí.

Tuy nhiên, thực tế lợi nhuận năm 2014 của EIB còn 69 tỷ đồng, do đó phần tạm ứng vượt chi sẽ được thu hồi về.

Năm 2014, EIB đã tạm ứng thù lao 33 tỷ, năm 2015 tạm ứng 8 tỷ đồng.

Nhân sự nhiệm kỳ mới chờ NHNN phê duyệt

Ông Phạm Hữu Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Eximbank chia sẻ rằng, có khá nhiều ý kiến tại sao Đại hội chưa chuẩn bị nhân sự để bầu cử, việc này có hợp lệ không khi nhân sự cũ hết nhiệm kỳ mà chưa có nhân sự mới.

Ông Phú cho biết nhiệm kỳ 2010-2014 đã kết thúc, để chuẩn bị cho Đại hội khi đó dự kiến diễn ra vào tháng 4, Eximbank đã trình NHNN nhân sự dự kiến. Tuy nhiên, do có thanh tra đột xuất nên nhân sự mới cho HĐQT đang phải chờ NHNN. Nhân sự sẽ được bầu bổ sung trong thời gian sắp tới sau khi có kết luận của Thanh tra và NHNN thông qua.

Theo quy định, nhân sự nhiệm kỳ cũ của EIB sẽ hoạt động đến khi Ngân hàng bầu được HĐQT và BKS mới.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 Eximbank tổ chức sáng ngày 21/07.

Cổ tức 0 đồng cho năm 2014

10h20: Đại diện Eximbank trình bày báo cáo của Ban điều hành.

Mức chia cổ tức năm 2014 của Eximbank theo cho phép của NHNN là 0%. Ngân hàng cũng cho biết không chia cổ tức năm 2014 để tập trung xử lý nợ xấu.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Eximbank đạt lợi nhuận 570 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm, cuối năm 2015 Ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

09h45: Ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT EIB trình bày báo cáo của HĐQT.

Chia sẻ về khoản đầu tư hơn 9.7% vào Sacombank, ông Dũng cho biết giá trị khoản đầu tư vào năm 2012 là 1,673 tỷ đồng, lợi nhuận 723 tỷ đồng với giá vốn là 14,046 đồng/cp.

Giai đoạn 2015-2020, Eximbank đặt mục tiêu vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tăng trưởng 10% mỗi năm. Tổng tài sản tăng trưởng 12-17%/năm, vốn huy động tăng 12-15%/năm, dư nợ tăng 11-12%/năm, tỷ lệ nợ xấu dưới 1.5% vào năm 2020.

Ông Dũng tự tin cho biết chỉ tiêu đầy tham vọng trong 5 năm tới của Eximbank hoàn toàn có thể thực hiện được.

09h20: Cổ đông có khá nhiều ý kiến quan ngại về quy chế tổ chức Đại hội, cách thức đóng góp ý kiến thảo luận của cổ đông để đảm bảo tính công khai, minh bạch, kéo dài thời gian thảo luận…

Ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết nguyên tắc tổ chức Đại hội là thiểu số phục tùng đa số, cổ đông cần chấp nhận luật chơi và nghị quyết sẽ thực hiện theo biểu quyết.

HĐQT nhất trí điều chỉnh thảo luận bằng cách phát biểu trực tiếp thay vì ghi giấy ý kiến và được Đại hội thông qua.

09h00: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của các cổ đông và ủy quyền đại diện 77% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ – Nguyên Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc NamABank cùng ông Trần Ngọc Tâm – Nguyên Phó Tổng giám đốc NamABank cũng tham dự ĐHĐCĐ EIB sáng nay.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ – Nguyên Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc NamABank (thứ hai bên trái) và
ông Trần Ngọc Tâm – Nguyên Phó Tổng giám đốc NamABank (thứ nhất bên trái) cũng tham dự ĐHĐCĐ EIB sáng ngày 21/07

Trước Đại hội

Dấu hỏi nhân sự HĐQT?

Theo tài liệu ĐHĐCĐ công bố từ tháng 3/2015, do nhiệm kỳ HĐQT của Eximbank là 5 năm và đến năm 2015 là hết nhiệm kỳ nên Ngân hàng sẽ phải bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới 2015-2020. Nhân sự dự kiến được công bố lúc đó gồm 6 thành viên:

  1. Ông Trần Ngô Phúc Vũ – Nguyên Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc NamABank (nhóm cổ đông đại diện sở hữu hơn 10% vốn đề cử);
  2. Ông Trần Ngọc Tâm – Nguyên Phó Tổng giám đốc NamABank (nhóm cổ đông đại diện tỷ lệ 10.4%);
  3. Ông Lê Minh Quốc (nhóm cổ đông đại diện tỷ lệ 10.22%);
  4. Ông Yasuhiro Saito (nhóm cổ đông đại diện tỷ lệ 10.05%);
  5. Ông Naoki Nishizawa (đại diện vốn của Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp - do nhóm cổ đông đại diện 10.05% vốn đề cử); 
  6. Ông Phạm Hữu Phú - Tổng giám đốc Eximbank (nhóm cổ đông hơn 10% vốn đề cử).

Với sự xuất hiện của hai thành viên đến từ NamABank, không ít nghi vấn xuất hiện về việc Eximbank và NamABank liệu có về một nhà? Đặc biệt, mới đây tại buổi gặp mặt nhà đầu tư chiều ngày 17/07, Vietcombank (HOSE: VCB) cho biết đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước về việc thoái vốn tại Eximbank và đang chờ trả lời (tính đến cuối năm 2014, VCB đang nắm 8.19% vốn Eximbank). Theo thông tin từ báo chí, VCB cũng đã dồn toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết này tại Eximbank cho ông Trần Ngô Phúc Vũ.

Trước đó, Eximbank đã phải hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào gần cuối tháng 4/2015 do NHNN cần rà soát về sở hữu chéo của Ngân hàng.

* Vietcombank muốn thoái vốn khỏi Eximbank

* Nhân tố Vietcombank tại Eximbank

Kế hoạch lãi trước thuế 2015 đạt 1,000 tỷ đồng

Theo dự thảo kế hoạch kinh doanh năm 2015 đã công bố từ đầu tháng 4/2015, Eximbank đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 12% lên 180,000 tỷ, huy động vốn tăng 24% lên 126,000 tỷ, dư nợ cấp tín dụng tăng 11% đạt 108,750 tỷ và lợi nhuận trước thuế 1,000 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2014, Eximbank báo lãi 56 tỷ đồng, chỉ bằng 8% lãi ròng của năm 2013, tương đương 3% kế hoạch năm (1,800 tỷ đồng). Trong đó quý 4/2014 lỗ khủng gần 678 tỷ đồng.

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   MSC: Báo cáo tài chính quý 2 năm 2015 (21/07/2015)

>   TMX: Khởi tố Phó Giám đốc Nông Tuấn Dũng (21/07/2015)

>   TCS: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (21/07/2015)

>   AGR: BCTC năm 2014 (21/07/2015)

>   Danh sách các CTCK đã nộp BCTC quý 2,2015 (tính đến hết ngày 20/07/2015) (21/07/2015)

>   CX8: Nghị quyết Hội đồng quản trị (21/07/2015)

>   OGC: Xác nhận của công ty kiểm toán về giải trình BCTC kiểm toán năm 2014 (21/07/2015)

>   PHS: Báo cáo tài chính quý 2 năm 2015 (21/07/2015)

>   TJC: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (21/07/2015)

>   VDS: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (21/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật