Xúc tiến thương mại cần “trúng” mục tiêu
Chỉ khi nào đánh “trúng” nhu cầu của DN thì mới có thể nâng cao được chất lượng cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM).
Nguồn kinh phí cho XTTM năm 2015 là 100 tỷ đồng. Ảnh: Trần Việt
|
Bộ nói hiệu quả
Năm 2015, kinh phí cho việc XTTM được phê duyệt sớm hơn so với các năm trước. Ngay từ cuối năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 11855/QĐ-BCT phê duyệt chương trình XTTM quốc gia năm 2015 gồm 212 đề án của 68 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng. Theo Bộ Công Thương, việc phê duyệt sớm chương trình này nhằm tạo điều kiện chủ động đẩy nhanh việc triển khai đề án của các đơn vị chủ trì, đồng thời giúp DN có thể tích cực tham gia các hoạt động XTTM ngay từ đầu năm, tránh dồn các hoạt động của chương trình vào thời điểm cuối năm.
Đáng chú ý, chương trình XTTM quốc gia năm nay tập trung ưu tiên phát triển các ngành hàng có thế mạnh truyền thống như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, phần mềm, công nghiệp hỗ trợ… và đặc biệt chú trọng ngành hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến và tập trung vào các hội chợ nông, thủy sản lớn, có uy tín tại các thị trường XK lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo Cục XTTM (Bộ Công Thương), chương trình XTTM quốc gia hỗ trợ các hoạt động XTTM như tổ chức tham gia hội chợ triển lãm thương mại chuyên ngành tại nước ngoài; tổ chức các hội chợ chuyên ngành định hướng XK tại Việt Nam; các hội chợ mang tính liên kết XTTM vùng kinh tế ở trong nước; các hoạt động giao thương giữa DN Việt Nam và nước ngoài; hội nghị ngành hàng XK; hoạt động thông tin thị trường ngành hàng; đào tạo nâng cao năng lực XTTM; phát triển kênh phân phối phát triển thị trường trong nước, vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… Các hoạt động XTTM này do các đơn vị chủ trì là Hiệp hội, ngành hàng, các cơ quan XTTM Trung ương và địa phương đề xuất dựa trên nhu cầu và năng lực tham gia hoạt động XTTM của DN. Do vậy, Cục XTTM cho rằng, theo đánh giá của DN, hiện tại, đây vẫn là các hình thức XTTM mang lại hiệu quả cao.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ đã hết sức quan tâm, bước đầu tăng kinh phí cho hoạt động XTTM, trong đó có chương trình XTTM quốc gia. Trong nước, chúng ta cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động XTTM, phát triển thị trường nội địa kể cả thị trường miền núi, biên giới, hải đảo.
“Một việc nữa mà chúng ta đã làm và cần phải đẩy mạnh hơn là cung cấp thông tin thị trường, thông tin về từng sản phẩm để các DN chủ động. Chúng ta đã thống nhất là Nhà nước, Chính phủ chỉ hỗ trợ, còn người quyết định các hoạt động kinh doanh, XNK chính là DN. Thời gian qua, Chính phủ, Nhà nước đã hỗ trợ bằng rất nhiều biện pháp nhưng các DN cần phải cố gắng hơn”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Thiếu thực chất
Dường như việc phê duyệt nguồn kinh phí XTTM sớm hay muộn đối với DN dường như cũng không có ý nghĩa nhiều. Bởi lẽ, hoạt động XTTM nhiều năm qua vẫn chưa có gì thay đổi, vẫn là những định hướng chung chung được liệt kê ra. Thế nên, hiệu quả của hoạt động XTTM mới chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi như các hội chợ, triển lãm, hội thảo… mà ít nội dung đi vào thực chất. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), thực tế, các hình thức XTTM kiểu hội chợ giờ không còn hiệu quả nhiều. Nếu một gian hàng chỉ trưng bày hình ảnh thì hiệu quả rất thấp. Tuy nhiên, nếu gian hàng ấy có sự kết hợp giữa hình ảnh và thông điệp thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt và không bị lép vế. “Kinh nghiệm này chúng tôi có được khi tham gia hội chợ quốc tế thủy sản”, ông Nam nói.
Thực tế ùn ứ nông sản tại cửa khẩu mỗi năm khi vào vụ khiến cho nhiều người hoài nghi về hiệu quả của công tác XTTM, dù đây là những mặt hàng được chú trọng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý trong đó có Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT là mở rộng và tìm kiếm thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, các cơ quan chức năng ít thực hiện phần việc tìm kiếm, khai mở thị trường cho nông sản, mặc cho nông dân tự sản, tự tiêu. Thêm vào đó, theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay, người phụ trách những chương trình xúc tiến này mới chú ý nhiều hơn đến hàng công nghiệp. Trong khi đó, nhiều hàng công nghiệp là do nhà đầu tư nước ngoài làm ra, họ tự lo được thị trường.
Thực trạng trên khiến DN tỏ ra lo lắng khi thị trường XK “mở cửa” thì thông tin cho DN lại “đóng”. Ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, hiện Việt Nam đã và đang xúc tiến mở thêm thị trường XK trái vải. Tuy nhiên, các giải pháp dường như vẫn đang nằm trên giấy bởi lẽ thực tế các thông tin cụ thể như mua ra sao, ai mua, số lượng tiêu thụ là bao nhiêu, khả năng tiếp cận thị trường, năng lực vận chuyển... đều là những câu hỏi mà DN không tự trả lời được.
Cung - cầu chưa gặp nhau
Trên thực tế, nhiều DN cho rằng, họ không sử dụng được nhiều thông tin từ cơ quan xúc tiến cung cấp do những thông tin này chung chung, không cụ thể. “Thậm chí, thông tin mà cơ quan xúc tiến mang lại còn được lấy từ nguồn cung cấp là… DN”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay. Còn các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo được tổ chức với nội dung nghèo nàn, ít các chương trình hỗ trợ DN mang tính thực tiễn như tư vấn thông tin, hỗ trợ đào tạo kinh nghiệm sản xuất phù hợp với thị trường mục tiêu, tìm kiếm và đánh giá khách hàng…
Khảo sát của phóng viên trên một số trang web của các cơ quan XTTM thấy rằng, những chuyên mục về thị trường, giao thương, quản lý Nhà nước về XTTM, cơ hội giao thương, cẩm nang XK… đều có, tuy nhiên thiếu hụt hẳn mảng thông tin về thị trường, khách hàng. Một số trang đã có cập nhật số liệu, thông tin về thị trường ngành hàng, sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam nhưng số liệu được cập nhật mới nhất là số liệu của năm trước.
Với những bất cập trên, có thể thấy rằng, nguyên nhân mấu chốt là do cung - cầu chưa gặp nhau. Thông tin DN cần thì phía cơ quan quản lý chưa đa dạng, trong khi thông tin DN nhận được thì chưa thiết thực. Người làm XTTM phải hiểu được nhu cầu trước mắt của DN, của thời vụ sản phẩm và nhu cầu dài hạn của thị trường để định hướng cho các nhà sản xuất phát triển sản phẩm. Đây cũng là “đơn hàng” mà cộng đồng DN đang đặt hàng các cơ quan XTTM.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương:
Phải tính toán lại
Đúng là có sự đứt đoạn trong thông tin giữa cơ quan quản lý, hệ thống tham tán thương mại và các DN. Đây là một trong những điểm yếu hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận nhiều thông tin được hệ thống tham tán dày công tìm kiếm, khi đưa về không được DN khai thác, rất uổng phí. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo thương vụ và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ DN, hỗ trợ phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm của Việt Nam, chủ động phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng để chia sẻ thông tin, giúp DN hoạch định chính sách và chiến lược kinh doanh. Với nguồn kinh phí XTTM hàng năm chỉ khoảng 100 tỷ đồng, muốn sử dụng hiệu quả đúng là phải tính toán lại. Cả thế giới thay đổi mà Việt Nam lại bị “bó” bởi một số quy định hành chính của các bộ, ngành thì cũng phải xem xét lại.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nâng cao và mở rộng hơn nữa các hoạt động về XTTM, đổi mới mô hình cũng như phương thức, nâng cao chất lượng của XTTM. Đặc biệt, phải nâng cao tính chủ động và vai trò DN tham gia các chương trình về XTTM và rõ ràng phải đổi mới về hình thức XTTM, gắn hiệu quả XTTM với xây dựng thương hiệu…
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores):
Cách làm chỉ đúng với 5-7 năm về trước
Tám năm liền từ 2003 đến 2011, chúng tôi đều tham gia chương trình XTTM do Bộ Công Thương tổ chức. Nhưng bắt đầu từ năm 2012, Vietfores không sử dụng quỹ XTTM nữa. Nguyên nhân là do kinh phí xúc tiến giảm dần, quy trình quyết toán và cấp tiền quyết toán phức tạp và định mức chi tiêu chậm đổi mới. Nhiều DN tham gia chương trình XTTM cho rằng, cách làm như hiện nay không hiệu quả, hình thức và kinh phí còn hạn chế. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là đưa hàng đi triển lãm, đưa người đi khảo sát thị trường, không có sự cải tiến. Mặc dù được hỗ trợ 50% tiền vé máy bay nhưng DN vẫn không “mặn mà”.
Không tham gia chương trình xúc tiến của Nhà nước, các DN ngành gỗ tự tổ chức đi giao thương bằng cách huy động nguồn kinh phí do DN đóng góp, không cần thuê đơn vị tổ chức nên tiết giảm được chi phí. Cách tổ chức như vậy thiết thực hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn với DN bởi mỗi chuyến đi đáp ứng được mục đích tìm hiểu thị trường và giới thiệu sản phẩm.
Tôi cho rằng, XTTM là cần thiết, phải làm thường xuyên. Các nước khác coi đây là chương trình trọng điểm và “tung” tiền rất mạnh. Hơn nữa, khi chúng ta hội nhập thế giới thì phải biết người ta làm gì, nếu mình đóng cửa thì không thể phát triển, không thể hội nhập được. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả, hoạt động XTTM phải thay đổi theo hướng có chiến lược dài hơi, chọn đối tượng đúng và trúng, tránh dàn trải tràn lan. Hiện nay, đối tượng được tham gia xúc tiến tương đối rộng. Cách làm này chỉ đúng với 5-7 năm về trước, khi đó cần mở rộng thị trường với nhiều sản phẩm khác nhau. Còn thời điểm này, khi khách hàng đã biết đến sản phẩm của chúng ta, công tác XTTM cần tập trung vào các thị trường trọng điểm.
Thêm nữa, chiến lược XTTM không chỉ dừng ở việc quảng bá sản phẩm mà phải đặt mục tiêu quảng bá thương hiệu của Việt Nam. Đây là điểm yếu mà ngành gỗ cũng như nhiều ngành khác chưa đạt được.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam:
Lập quỹ để lấy tiền xúc tiến
Thời gian qua, chương trình XTTM không thực tế. Người thiết kế chương trình phải biết DN cần gì thì mới có thể xây dựng chương trình. Hiện nay, DN cần 3 điều. Thứ nhất là khách hàng với những thông tin ban đầu như địa chỉ, email, số điện thoại, nhu cầu. Thứ hai là quy định của khách hàng. Đây là điều lẽ ra thương vụ phải biết rõ nhất để chỉ cho DN, nhưng thời gian qua thương vụ mới chỉ cung cấp những nguyên tắc chung chung mà những nguyên tắc đó DN không cần. Thứ ba là tiếp xúc với khách hàng. Tuy nhiên, để tiếp xúc được với khách hàng, vấn đề kinh phí được đặt lên hàng đầu, trong khi ngân sách Nhà nước dành cho XTTM quá ít. Kinh phí cho XTTM cả nước 1 năm chỉ khoảng 100 tỷ đồng (tương đương 5 triệu USD) chỉ bằng 1/20 kinh phí XTTM ngành thủy sản của Na Uy.
Không có tiền thì không thể làm gì được! Cách đây 13 năm, chúng tôi đã đề nghị thu phí XK để lập quỹ ngành hàng XK bổ sung vào kinh phí XTTM. Ví dụ cá tra, mỗi năm XK 650.000 tấn thì có thể thu một khoản nhất định để lập quỹ. Na Uy cũng thu theo cách đó nên mới có tiền XTTM và các nước XK mạnh đều làm như vậy. Tuy nhiên, đề xuất này đến giờ vẫn chưa được phê duyệt. Nếu chỉ nhìn vào ngân sách Nhà nước thì khó đạt được tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong khâu XTTM để thúc đẩy XK nông thủy sản.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam:
Thông tin chưa sát sườn với doanh nghiệp
Chương trình XTTM hiện có mâu thuẫn. Theo đó, nếu tham gia xúc tiến giao thương thì DN sẽ được hỗ trợ tiền vé máy bay, còn nếu chỉ tham gia hội chợ thì DN không được hỗ trợ khiến cho DN ngại tham gia. Với nguồn kinh phí còn eo hẹp, cần tổ chức XTTM theo hình thức hội chợ kết hợp giao lưu thương mại.
Về vấn đề thông tin, sự tương tác thông tin giữa các thương vụ với các Hiệp hội, ngành hàng chưa phát huy hiệu quả. Trên thực tế, một số thị trường, vai trò cung cấp thông tin của tham tán thương mại cho DN rất mờ nhạt làm hạn chế việc nắm bắt thông tin thị trường. Do vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các thương vụ với các Hiệp hội, ngành hàng để cung cấp thông tin 2 chiều. Điều mà DN cần là thông tin về thị trường, khách hàng, hoặc những vụ việc đã xảy ra để DN biết và tránh rủi ro.
Ở khía cạnh khác, mặc dù cơ quan xúc tiến đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, hội nghị nhưng thông tin ở hội thảo chưa sát sườn với DN, chưa cung cấp đúng thông tin DN cần. Do đó, cần có sự phối hợp giữa Hiệp hội, cơ quan XTTM với lực lượng tham tán để cung cấp thông tin phong phú, hiệu quả. Nếu lần đầu DN đến tham gia và nhận thấy thông tin giá trị thì những lần sau DN sẽ tiếp tục tham gia.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản - Vissan:
Thông tin thiếu tính “kích thích”
Thời gian qua, chương trình XTTM được diễn ra khá đều đặn, theo kế hoạch được sắp đặt từ trước nhưng tính hiệu quả trong xúc tiến chưa có. Cụ thể, thông tin XTTM cho DN còn hạn chế, chỉ là những số liệu đơn thuần thiếu tính phân tích. Mặt khác, các DN Việt Nam với những không tin thiếu tính “kích thích”, bổ trợ nên cũng không mặn mà. Chính vì 2 đối tượng này không gặp nhau nên vai trò của XTTM chưa phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến của cơ quan quản lý chỉ mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, tổ chức lấy lệ, thành tích nên chỉ dừng lại ở mức thực hiện theo kế hoạch còn chất lượng không cao. Điều DN cần nhất từ cơ quan xúc tiến là đánh trúng mặt mạnh của DN, sản phẩm thế mạnh để tập trung xúc tiến trọng điểm.
Để chương trình xúc tiến hiệu quả hơn, Nhà nước cần dồn sức mạnh hơn, tức là bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động XTTM, đồng thời hoạt động này cần tập trung xúc tiến từng lĩnh vực, không dàn hàng ngang như hiện nay, tổ chức hội chợ theo chuyên đề.
Diệp Anh (thực hiện)
|
Phan Thu
Hải Quan
|