Thứ Hai, 01/06/2015 14:02

Hàng VN vào năm nước liên minh, 90% dòng thuế được giảm

Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mang đến cơ hội lớn cho hàng tiêu dùng Việt.

 

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (TP Cần Thơ) - Ảnh: Chí Quốc

Nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may và hàng tiêu dùng VN cho biết cơ hội xuất khẩu hàng vào thị trường các nước thuộc Liên Xô trước đây sẽ rất lớn sau khi Hiệp định thương mại giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu vừa được ký kết ngày 29-5.

VN là nước đầu tiên ngoài khối mà Liên minh kinh tế Á - Âu đàm phán, ký kết thương mại tự do. Các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết với lợi thế của nước đi trước, hàng hóa của VN sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.

Thuế còn 0%

Là người theo sát diễn biến của các đợt đàm phán Hiệp định thương mại giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu suốt hai năm qua, ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty Hùng Vương (HVG), không giấu nỗi vui mừng khi hiệp định này vừa được ký kết, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm tới sẽ có hiệu lực. Khi đó, hàng thủy sản của Công ty Hùng Vương sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu vào năm quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Để chuẩn bị cho cơ hội này, từ đầu tháng 5-2015 Công ty Hùng Vương cùng một số doanh nghiệp và một ngân hàng trong nước đã thành lập một liên doanh với Nga để đầu tư khu công nghiệp chế biến thủy sản và hàng gia dụng tại Nga nhằm cung ứng hàng cho thị trường này.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Nga là thị trường xuất khẩu quan trọng của Hùng Vương trong nhiều năm qua nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về thuế và các thủ tục hải quan. Việc ký kết hiệp định đã giúp thuế suất hàng thủy sản VN vào Nga giảm từ 10% xuống còn 0%, đi kèm đó là nhiều thủ tục sẽ được đơn giản hóa. “So với các đối thủ khác cùng xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp của VN sẽ có nhiều lợi thế nhất” - ông Minh nói.

Hẹn gặp ở Hội chợ mùa thu Matxcơva

Ông Dương Ngọc Minh cho hay dự kiến đến tháng 9 các doanh nghiệp VN sẽ tổ chức một hội chợ triển lãm tại Matxcơva để giới thiệu hàng hóa, sản phẩm VN với các nhà nhập khẩu thuộc Nga nói riêng và khối Liên minh kinh tế Á - Âu nói chung.

Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác và xác định nhu cầu cũng như điều kiện mà khách hàng yêu cầu trước khi xuất khẩu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Nga luôn là một trong những thị trường quan trọng của thủy sản VN trong những năm qua.

Trong ba tháng đầu năm nay, trong khi các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều suy giảm thì xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga vẫn tăng trưởng trên 11% với doanh số hơn 21,6 triệu USD.

Việc dỡ bỏ các loại thuế khi Hiệp định thương mại VN - Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực sẽ là điều kiện thuận lợi cho hàng thủy sản VN vào thị trường này mà Nga sẽ là một đầu mối quan trọng.

Lợi thế của “nước đầu tiên”

Theo các chuyên gia, so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký, tác động của FTA Liên minh kinh tế Á - Âu đến cơ hội xuất khẩu hàng hóa của VN sang thị trường năm nước trong khối là rất lớn.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO (thuộc VCCI), cho biết nếu như FTA giữa VN - Hàn Quốc chỉ mang tính bổ sung, tăng thêm tự do hóa các dòng thuế đã có sẵn mà Hàn Quốc đã ký với ASEAN trước đó thì FTA thứ 2 trong năm 2015 của VN mang rất nhiều ý nghĩa “đầu tiên”.

Cụ thể, từ trước đến nay, giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu chưa có một FTA nào, hay nói cách khác, hàng hóa VN đi vào thị trường này chưa được quyền hưởng thuế suất 0%.

VN cũng là quốc gia đầu tiên có FTA với khối liên minh này, ngay bản thân Nga cũng chỉ mới vào WTO cách đây không lâu, hàng hóa các nước vào thị trường Nga mới chỉ được loại bỏ thuế theo WTO chứ chưa có mặt hàng của nước nào được hưởng theo FTA.

Với hai cái “đầu tiên” này, hàng VN đang rộng cửa vào thị trường năm nước trong liên minh nhờ hơn 90% dòng thuế được giảm dần, các thủ tục hải quan, hàng rào phi thuế quan cũng được cắt giảm, minh bạch và đơn giản hơn.

Một số doanh nghiệp có kinh nghiệm làm ăn ở thị trường này cho rằng thời điểm ký hiệp định cũng được xem là cơ hội khi thị trường Nga hiện đang rất cần tìm nguồn cung hàng hóa giá rẻ để thay thế nguồn hàng đang bị hạn chế từ các thị trường truyền thống khác.

Từ trước đến nay, mặc dù hàng hóa VN đã vào được thị trường Nga nhưng doanh nghiệp không quá mặn mà do thuế đánh vào hàng nhập khẩu của nước này khá cao. Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, thủ tục hải quan cũng không rõ ràng, chưa kể doanh nghiệp rất ngán với thủ tục thanh toán.

Mặc dù hai bên còn phải tiếp tục hoàn thành thủ tục nội bộ để phê chuẩn đưa hiệp định có hiệu lực trong thời gian sớm nhất, nhưng chắc chắn việc ký kết sẽ giúp doanh nghiệp bước qua được những rào cản này.

Theo Bộ Công thương, Liên minh kinh tế Á - Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỉ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng thị trường này rất nhiều cơ hội cho hàng VN.

“Dự kiến tác động của FTA này lên khía cạnh thương mại hàng hóa sẽ rất lớn, còn về thể chế hay các chương khác được đề cập trong hiệp định theo tôi là tác động không quá nhiều đến VN” - bà Trang nhận định.

TRẦN MẠNH - NHƯ BÌNH

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Đề nghị giảm thuế VAT còn 0% cho thức ăn chăn nuôi (01/06/2015)

>   Hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không (01/06/2015)

>   Thâm hụt thương mại của Việt Nam lên tới gần 3 tỷ USD sau 5 tháng (01/06/2015)

>   “DN phải biết nắm bắt thời cơ” (01/06/2015)

>   TPHCM: Giá thực phẩm tăng “chóng mặt” (01/06/2015)

>   Bộ trưởng Thăng: Cần xây sân bay Long Thành càng sớm càng tốt (01/06/2015)

>   TPHCM thu hút doanh nghiệp phụ trợ của Samsung (31/05/2015)

>   Điều chỉnh dự án để đáp ứng nhu cầu điện trong dài hạn (31/05/2015)

>   Ngành công nghiệp khai khoáng: Thất thoát lớn, nguy cơ tham nhũng cao (31/05/2015)

>   Tiếp sau Trung Quốc: Việt Nam công xưởng hay bãi thải toàn cầu? (31/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật