Thứ Năm, 18/06/2015 07:54

Xử lý nợ xấu ỳ ạch: VAMC “thất thu” 10.000 tỉ đồng/tháng do cơ chế?

Trái với nhiều kỳ vọng, sau hơn 2 năm hoạt động, Cty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) mới thu hồi, phát mại được khoảng 8.670 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 5% tổng số nợ xấu mà VAMC mua được từ các ngân hàng. Thực tế này khiến tuyên bố “Nếu cho cơ chế thì 1 tháng là VAMC thu được 10.000 tỉ đồng” của Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng gây nhiều chú ý.

“Có tiền thật để mua, VAMC vẫn không xử lý được hết nợ xấu” - ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VAMC (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: hải nguyễn

VAMC xin làm thay thi hành án

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, câu chuyện chính ở đây là VAMC sẽ xử lý đống nợ xấu mua được như thế nào vì có cho tiền thật để mua, VAMC vẫn không xử lý được hết nợ xấu. Ông Hùng cho rằng, vướng mắc lớn nhất ở đây chính là các quy định pháp lý. “Khi xây dựng đề án VAMC, tôi không cần tiền. Nếu cho một cơ chế thì đảm bảo 1 tháng là VAMC thu được 10.000 tỉ đồng” - ông Hùng cho biết. 

Chủ tịch của VAMC xin 4 điều: Một là VAMC có quyền thu giữ tài sản đảm bảo; hai là quyền cưỡng chế như thi hành án; ba là VAMC có quyền đề nghị khởi tố; bốn là cho VAMC có quyền đấu giá tài sản đảm bảo. Ông cho biết vừa làm việc với một loạt các NHTM, có trường hợp khách vay gần 1.000 tỉ đồng, thế chấp nhà, mỗi năm con nợ thu về mấy trăm tỉ đồng tiền cho thuê nhà nhưng vẫn không thèm trả nợ ngân hàng một xu. “Ngân hàng yêu cầu họ bán tài sản để trả nợ nhưng họ không bán. Nếu theo ngân hàng chọn con đường kiện ra tòa thì đến 50 năm sau có khi vẫn chưa đòi được nợ”.

Chính vì VAMC không có quyền chủ động xử lý khoản nợ xấu đã mua bằng tài sản đảm bảo nên trên danh nghĩa, các NHTM vẫn có quyền quyết định với tài sản thế chấp của các khoản nợ. Thực tế cho thấy nếu ngân hàng không hợp tác, VAMC không thực hiện được vai trò xử lý nợ. 

Về phía các NHTM, việc bán nợ cho VAMC chỉ giúp giảm nợ xấu về tỉ lệ theo quy định nhưng các ngân hàng này vẫn phải chịu trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo và gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát. Do vậy các NHTM vẫn xác định quyền chủ nợ của họ sau 5 năm sẽ thu hồi, điều này dẫn tới việc NHTM không quá mặn mà với việc hợp tác với VAMC, thậm chí không cần VAMC xử lý nợ xấu đã bán.

Nợ xấu mua rồi, giờ bán cho ai?

Ôm một đống nợ xấu về rồi thì câu hỏi tiếp theo là bán nợ cho ai? Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng ở Việt Nam hiện đang thiếu thị trường mua - bán nợ xấu. Đã có khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam, nhưng đến khi họ tìm hiểu về quyền lợi, khuôn khổ pháp lý khi xử lý nợ… thì VAMC không trả lời được. Vai trò hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản đảm bảo… khiến các nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu mà chưa chính thức đặt vấn đề.

Hiện ở Việt Nam, người bán nợ chỉ có quanh đi quẩn lại Cty TNHH mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính (DATC), VAMC và các Cty mua bán nợ của các NHTM. Người mua nợ cũng chỉ có đúng 3 tổ chức đó. Ông Hùng nói: “Vậy thế VAMC mua nợ vào rồi tôi tự biến thành nợ xấu của VAMC à?”. Thực tế, VAMC có mua nợ xấu cũng không thể bán mà chỉ có thể xử lý qua hình thức bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Để thực sự xử lý bài toán nợ xấu của cả nền kinh tế, theo ông Hùng, VAMC cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh, thậm chí có sắc luật riêng

để xử lý nợ xấu nhanh chóng và triệt để các khoản nợ xấu đã mua.

Hết sức... bình tĩnh

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo VAMC, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, ngoài rào cản về nguồn lực tài chính để mua và xử lý nợ xấu, chính những quy định pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn cũng khiến VAMC lúng túng, không thể đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu đã mua. “Vì vậy, theo tôi, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của VAMC, quan trọng nhất là hợp lý hóa quy trình thủ tục xử lý tài sản đảm bảo, kể cả quy trình thủ tục khởi kiện và thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Nếu việc cầm cố, thế chấp tài sản có thỏa thuận xử lý bằng cách bán đấu giá thì vẫn được thực hiện không cần phải qua tố tụng và thi hành án rồi mới được bán đấu giá tài sản” - TS Ánh đưa ý kiến.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) - cho hay: “Ở đây phải nói rõ là chúng ta quyết liệt xử lý nợ xấu nhưng không phải với cách bán tống, bán tháo, bán rẻ tài sản đảm bảo. Đó là tài sản doanh nghiệp và cũng là tài sản của đất nước. Vì thế, việc xử lý nợ xấu phải hết sức bình tĩnh, vừa giữ an toàn hoạt động ngân hàng, vừa bảo toàn tài sản cho các bên liên quan và với một chi phí bỏ ra thấp nhất có thể”.

Xử lý hay chỉ vứt nợ vào kho? 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, phần lớn các khoản nợ mà VAMC đã mua nằm ỳ một chỗ, 5 năm sau khi bán mà không xử lý được thì sẽ phải trả lại cho ngân hàng đã bán. Đồng tình với quan điểm trên, TS Phạm Ngọc Long - Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNNVV Việt Nam - cho biết: “Khi tôi làm việc với một số NHTM, họ coi việc đẩy cục nợ sang VAMC là thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu thì việc đẩy nợ sang VAMC không phải là giải pháp tuân theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Nói đúng ra là chỉ vứt nợ vào trong kho thôi”.


lao động

Các tin tức khác

>   HDBank cho vay lại 3.000 tỷ đồng vốn ODA (17/06/2015)

>   Cần tăng quyền cho chủ nợ (17/06/2015)

>   Techcombank được phát hành 6,500 tỷ đồng trái phiếu (16/06/2015)

>   “Hoa mắt với phí”: Ngân hàng không thể tận thu bằng mọi giá (16/06/2015)

>   Ngân hàng chi nhầm tiền, khách hàng ‘biến mất’ (16/06/2015)

>   GPBank sẽ trình phương án phát hành bổ sung vốn (16/06/2015)

>   BIDV tiếp tục xin mở ngân hàng tại Myanmar (16/06/2015)

>   Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VNĐ, vì sao? (16/06/2015)

>   Có tiền nhưng không dám xài! (16/06/2015)

>   Khốn đốn vì “tín dụng đen” (16/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật