Có tiền nhưng không dám xài!
Mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được kỳ vọng sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn ngân hàng, thế nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng (chuyên sản xuất quần áo trẻ em), cho biết từ đầu năm đến nay, Minh Long Hưng đã đầu tư thêm khoảng 5-6 tỉ đồng cho các công đoạn sản xuất, quảng bá sản phẩm. Với một doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ thì mức đầu tư này là sự cố gắng rất lớn, điều đáng nói là DN không thể nhờ vốn vay ngân hàng (NH) và cũng không có ý định tìm đến quỹ bảo lãnh tín dụng.
Trầy trật vay ngân hàng, hưởng ưu đãi
Theo ông Lý Thành Sinh, NH bây giờ chỉ mặn cho vay mua ô tô hoặc mua đất thế chấp bằng chính tài sản hình thành trong tương lai, còn DN nhỏ như Minh Long Hưng dù chưa bao giờ vướng khoản nợ xấu hoặc để lại dấu ấn không tốt nhưng vẫn không tiếp cận được. Bản thân ông Sinh từng nộp hồ sơ vào 2 NH quen biết (một NH thương mại cổ phần và NH thương mại nhà nước) để vay vốn mua máy xé vải, máy in, máy cắt tự động... phục vụ sản xuất nhưng không được.
Sản phẩm của Công ty Minh Long Hưng được bán trên thị trường
|
“NH thương mại nhà nước thì từ chối rất nhanh khi tôi vừa ngỏ lời, còn NH cổ phần nhận hồ sơ rồi ngâm suốt 2 tháng, sau đó trả lời không cho vay được. Kho hàng của chúng tôi lúc nào cũng tồn khoảng 7-8 tỉ đồng thành phẩm và hàng luân chuyển chờ bán ra thị trường. Chỉ cần vay NH 1 tỉ đồng làm vốn lưu động thì công ty “dễ thở” hơn nhiều” - ông Sinh nói.
Thời điểm Tết năm ngoái, kho hàng của Công ty Minh Long Hưng lên tới 20 tỉ đồng gồm cả hàng thành phẩm và nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất sau Tết. Vậy mà DN vẫn phải thường xuyên tìm các nguồn vốn bên ngoài, thậm chí vay nặng lãi để lo cho công nhân vì NH không cho vay. “Ở các nước, những DN làm ăn tốt và chưa vướng nợ xấu NH sẽ được quỹ bảo lãnh tín dụng đứng ra bảo lãnh tiếp cận vốn NH. Còn với công ty chúng tôi chưa từng có ý định “nhờ vả” vì không có tài sản thế chấp!” - ông Sinh cho biết.
Một câu chuyện khác, DN thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi nhưng phải trầy trật suốt mấy năm để làm thủ tục. Tổng giám đốc một DN cơ khí tại TP HCM kể cách đây không lâu khi ông có ý định đầu tư máy móc mới, một DN của Trung Quốc là Hải Thiên đã mời mua máy của họ và nếu đồng ý sẽ được vay thêm 1 triệu USD vốn ưu đãi do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho khách hàng của DN nước họ.
Vừa rồi, khi DN ông đầu tư dự án mới với tổng mức đầu tư khoảng hơn 80 tỉ đồng, có nhu cầu vay vốn khoảng 56 tỉ đồng và thuộc diện được hưởng 100% lãi suất ưu đãi do ngân sách hỗ trợ ngành cơ khí. Có điều mỗi lần thay đổi một yếu tố của dự án từ chủng loại máy móc, tổng mức đầu tư, tăng vốn... đều phải giải trình với các sở, ban, ngành liên quan. “Quá mệt mỏi, cuối cùng cũng được hỗ trợ lãi suất nhưng trước mắt, chúng tôi vẫn phải trả lãi NH đầy đủ, còn khi nào được hoàn lại từ ngân sách là chuyện khác” - vị này kể.
Vừa bảo lãnh vừa sợ... mất vốn
Tại TP HCM, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN ra đời từ năm 2006 nhưng đến nay, số lượng DN tiếp cận và được bảo lãnh rất ít. Một lãnh đạo quỹ cho biết trong năm 2014, không thấy DN nào đến nhờ hỗ trợ và từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ vài DN đến hỏi nhưng không phải ai cũng được bảo lãnh vì không có tài sản thế chấp. “Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các hiệp hội, chúng tôi đã giới thiệu cơ chế hoạt động và sẵn sàng hỗ trợ hết mình các DN có nhu cầu vay vốn NH cần bảo lãnh nhưng số lượng DN tìm đến quỹ rất ít” - vị lãnh đạo này phân trần.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng cơ chế, văn bản quy định hoạt động của quỹ bảo lãnh đang là rào cản khiến DN không tiếp cận được hoặc không mặn mà. Chẳng hạn DN đang được NH định giá vay 60% giá trị tài sản bảo đảm, nay quỹ đứng ra bảo lãnh để vay thêm 20% giá trị tài sản nữa thì được, còn yêu cầu quỹ bảo lãnh 100% khoản vay là rất khó hoặc một số DN có nhu cầu nhưng quá trình xây dựng hồ sơ lại chưa tốt.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn: Quỹ bảo lãnh tín dụng hay quỹ hỗ trợ DN “nghe có tiếng nhưng không có miếng” bởi mỗi DN được bảo lãnh bao nhiêu, làm sao để được hưởng thì rất ít DN biết. Vì sao? Bởi bảo lãnh nhưng lại sợ mất vốn, xét duyệt còn chặt hơn cả hồ sơ tín dụng gửi cho NH. Thay vì phải có những tiêu chí riêng, khác với NH do quỹ không đứng ra trực tiếp cho vay mà chỉ bảo lãnh. Nếu chặt chẽ hơn NH thì DN thà đến gõ cửa NH chứ không cần các quỹ này. TS Hiếu đúc kết: “Nếu chúng ta cứ sợ trách nhiệm, sợ mất vốn và sợ rủi ro, không dám hỗ trợ DN thì hiệu quả không bao giờ có”.
“Con người là yếu tố quyết định, nếu anh làm đúng thì không ai quy trách nhiệm dù có rủi ro. Đã hỗ trợ DN thì phải chấp nhận rủi ro, còn làm theo kiểu thụ động nhìn đâu cũng sợ và ngồi chờ DN đến theo cơ chế xin cho thì không ổn” - chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển nói.
Kỳ tới: Cần được kinh doanh bình đẳng
Lãi suất có thể giảm nếu...
Một yếu tố được TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh là nếu các quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động hiệu quả, NH yên tâm cho vay thì lãi suất có thể giảm. Cụ thể, lãi suất cho vay được các NH đưa ra theo “khẩu vị” rủi ro, nếu một khoản vay được bảo lãnh là hiệu quả, khi đó NH yên tâm về độ rủi ro thì lãi suất có thể giảm khoảng 2%/năm.
|
Linh Anh
người lao động
|