Thứ Tư, 17/06/2015 11:15

Cần tăng quyền cho chủ nợ

Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải đổi mới cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường.

Xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) là vấn đề ách tắc lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu của NH thời gian qua. Nguyên nhân và giải pháp nào để “dọn đường thông thoáng” giúp cho hệ thống NH đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả trong quá trình xử lý nợ xấu?  Luật sư Trương Thanh Đức  - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh câu chuyện này.

TSĐB chủ yếu là BĐS đang gặp nhiều khó khăn do những bất cập về pháp lý.

Theo ông, vì sao các NH lại hay gặp khó khăn trong vấn đề xử lý TSĐB?

Có 4 vấn đề cản trở pháp lý đã tạo lực cản cho các NH khi xử lý TSĐB. Đó là xung đột pháp luật;  bất cập pháp luật; áp dụng sai luật và cuối cùng là việc cản trở pháp lý do bất chấp pháp luật. Đây là những yếu tố tác động rất nhiều đến tốc độ và khả năng thu hồi TSĐB của NH.

Tôi đồng ý là pháp luật phải bảo vệ người yếu thế và người bị hại. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, có một thực tế rất bất cập là người vay không trả được nợ thì họ không sao cả, thậm chí càng chây ỳ càng có lợi. Nếu NH có đến thu giữ TSĐB theo quy định thì họ bị con nợ cản trở, chống đối và đôi khi lại được dư luận bênh vực.

Thậm chí, khách hàng lại “tố ngược” NH xử lý nợ theo kiểu cưỡng bức… Trong khi đó, nợ xấu càng kéo dài thì NH càng phải è cổ ra để trích lập dự phòng rủi ro mà xử lý, lại còn mang tiếng là để nợ xấu tăng. Lúc này,  NH là  người yếu thế và chính lại là nạn nhân. 

Cũng may là vừa qua, Dự thảo cuối cùng của Bộ Tư pháp liên quan đến vấn đề này, trong đó có đưa ra quy định rất vô lý, đó là khi NH muốn thu hồi, phát mại xử lý nhà thì phải thuê nhà cho đương sự đó ở ít nhất 12 tháng với giá cả trung bình trên thị trường đã không thông qua.

Rõ ràng, một khi không thiết lập được luật chơi sòng phẳng, rằng anh có vay có trả thì sẽ rất khó để giải quyết vấn đề này. Bởi nếu càng chây ì, càng có lợi thì chẳng đời nào khách hàng chấp nhận và nhanh chóng tuân thủ phối hợp với pháp luật. Như thế, dù NHTM, NHNN có tìm mọi cách để xử lý nợ nhưng những cản trở pháp lý trên nếu không được giải quyết thì kết quả cũng không có nhiều ý nghĩa.

Nghị định 163 được coi là “cây gậy” để các NH xử lý TSĐB, thu hồi nợ. Vậy tại sao, cây gậy này lại chưa được sử dụng hiệu quả, thưa ông?

Theo quy định tại điều 63, của Nghị định này, NH có quyền được thu giữ TSĐB để xử lý và được các cơ quan như công an, chính quyền địa phương hỗ trợ. Nhưng thực tế, rất ít NH thực hiện việc thu hồi, bởi nhiều lý do ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của NH… đặc biệt là họ vấp phải sự chống đối mạnh từ người đi vay. Mặc dù, pháp luật quy định NH được phép thu giữ TSĐB khi người vay không trả được nợ.

Tại điều 5 Nghị định 163 nêu rõ: nếu bên giữ TSĐB có dấu hiệu chống đối cản trở, gây mất trật tự nơi công cộng… người xử lý TSĐB có quyền yêu cầu UBND  xã phường, thị trấn và cơ quan công an nơi đó tiến hành thu giữ tài sản trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh trật tự…

Nhưng thực tế rất ít NH thực hiện được như vậy. Bởi họ vấp phải sự phản ứng của dư luận, xã hội rồi cơ quan chức năng không ủng hộ. Như vậy vô hình trung xã hội đang tiếp tay bao che cho những người làm trái luật pháp, gây ra những rối loạn xã hội. Họ bất chấp luật pháp, bất chấp cam kết, coi thường mọi quy định để đạt mục đích của mình. Cuối cùng nợ xấu không xử lý được làm cho NH gặp khó, nền kinh tế bị trì trệ và tất cả mọi thành phần kinh tế khác cũng đều gánh chịu.

Nguyên nhân sâu xa cũng bởi tính tuân thủ pháp luật yếu. Tôi cho rằng, nếu những bất cập này mà được quy định trong Luật thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn và sức nặng những phán quyết sẽ mạnh hơn là Nghị định.

Vậy theo ông, làm sao để giải quyết được bài toán nan giải trên?

Nguyên nhân gốc rễ của những bất cập, ách tắc trong việc xử lý, thu hồi TSĐB vừa qua là do hệ thống pháp luật chồng chéo, còn nhiều kẽ hở, nên đã không thể hiện được vai trò là một công cụ quan trọng để các NH dựa vào đó thu hồi TSĐB và xử lý nợ xấu.

Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải đổi mới cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là, phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ. Hay nói cách khác, bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ.

Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ; thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý. Như ở Mỹ, khi con nợ không còn khả năng trả nợ, chủ nợ thậm chí có thể vứt hết đồ đạc của con nợ ra ngoài mà không cần phải quan tâm đến bảo quản tài sản ra sao.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, cần phải có một luật riêng để giải quyết những vấn đề liên quan đến nợ xấu, từ xử lý TSĐB, bán nợ cho nước ngoài cho đến sở hữu tài sản và góp vốn trong hệ thống NH...

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Vũ

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Techcombank được phát hành 6,500 tỷ đồng trái phiếu (16/06/2015)

>   “Hoa mắt với phí”: Ngân hàng không thể tận thu bằng mọi giá (16/06/2015)

>   Ngân hàng chi nhầm tiền, khách hàng ‘biến mất’ (16/06/2015)

>   GPBank sẽ trình phương án phát hành bổ sung vốn (16/06/2015)

>   BIDV tiếp tục xin mở ngân hàng tại Myanmar (16/06/2015)

>   Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VNĐ, vì sao? (16/06/2015)

>   Có tiền nhưng không dám xài! (16/06/2015)

>   Khốn đốn vì “tín dụng đen” (16/06/2015)

>   Nợ xấu - nỗi lo còn đó (14/06/2015)

>   Tiếp tục gỡ vướng cho gói 30.000 tỷ đồng (13/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật