Thứ Ba, 16/06/2015 17:19

“Hoa mắt với phí”: Ngân hàng không thể tận thu bằng mọi giá

Không chỉ khách hàng mà bản thân các ngân hàng (NH) cũng được hưởng lợi khi đầu tư cho hạ tầng giao dịch điện tử. 

Do đó, việc NH “sáng tạo” ra nhiều loại phí để tận thu của khách hàng nhằm nhanh chóng hoàn vốn đầu tư là không công bằng.

Ông Huỳnh Trung Minh - Ảnh : A.H.

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vụ “hoa mắt với phí”, ông Huỳnh Trung Minh - chuyên gia NH - nói: "Khi đầu tư vào hệ thống Internet banking, không chỉ khách hàng hưởng lợi mà NH cũng giảm tải được khách hàng phục vụ tại quầy, nhờ đó có nhiều cơ hội khai thác khách hàng hơn.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn nhằm mục đích hỗ trợ chính các NH. Bởi lẽ khi khách hàng giao dịch qua kênh NH điện tử, NH đỡ tốn nhân công phục vụ, đỡ tốn điện, máy lạnh, chi phí thuê mặt bằng... Tóm lại, hai bên cùng có lợi chứ không chỉ riêng khách hàng được lợi".

* Nhiều NH cho rằng không hưởng lợi từ các đối tượng nhận lương qua tài khoản, chẳng hạn như công nhân, giáo viên, hưu trí?

- Nhiều doanh nghiệp (DN) có vài ngàn lao động, không thể trả lương bằng tiền mặt mà buộc phải trả lương qua tài khoản, chưa kể giáo viên và cán bộ hưu trí hiện nay cũng phải nhận lương qua tài khoản. Đây là những đối tượng có thu nhập thấp, nên việc NH thu hàng loạt phí như vậy là quá sức. Nên chăng phải có chính sách miễn giảm riêng cho đối tượng này.

Một số NH cho rằng lương công nhân chỉ có vài triệu, chủ thẻ rút ra ngay nên NH không hưởng lợi gì. Trong khi đối tượng thu nhập cao hơn, để tiền trong tài khoản nhiều hơn, lâu lâu rút ra xài, NH mới có lợi hơn do chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn.

Tuy nhiên, thực tế là khi ký hợp đồng chi lương với DN, NH đã có lợi nhiều thứ. Công ty phải mở tài khoản tại NH, NH quản lý dòng tiền từ DN, cho DN vay, được hưởng tiền gửi từ DN, chiết khấu thanh toán, mở thư tín dụng...

Do vậy, NH được hưởng lợi rất nhiều từ phía DN. Khi mở thẻ, NH quy định rõ trong hợp đồng là NH có thể thay đổi phí mà không cần báo trước. Sau đó, NH lại giới hạn mức rút tiền với lý do phòng chống rủi ro. Như vậy, chủ thẻ chịu thiệt nhưng cũng không làm được gì.

* Khách hàng nên làm gì để hạn chế hiện tượng “bị gài” khi sử dụng dịch vụ NH như dư luận phản ảnh thời gian qua, thưa ông?

- Thu phí có hai loại, hiện phí và ẩn phí. Ẩn phí được ví như phần chìm của tảng băng. Ngoài biểu phí rõ ràng, NH vẫn có thể thu được thêm các loại phí từ phía khách hàng, nhưng khách hàng ít biết.

Việc NH bắt khách hàng duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản, hạn chế số lần rút tiền, hạn chế số tiền rút mỗi lần chính là ẩn phí. Hơn nữa, một số NH có biểu phí rất phức tạp và NH sử dụng nhiều thuật ngữ khó hiểu khiến người dùng khó nắm bắt.

Chẳng hạn, thay vì thông báo tăng phí, NH thông báo là điều chỉnh (không nói tăng hay giảm) hoặc thông báo qua email, tin nhắn có khi khách hàng không để ý đọc email hay tưởng là tin nhắn rác không đọc.

Có rất nhiều NH để lựa chọn. Khách hàng nên nghiên cứu kỹ nhu cầu của mình để từ đó có sự chọn lựa thích hợp, chịu khó tìm hiểu xem nhu cầu của mình là gì, chọn NH đáp ứng đúng nhu cầu của mình thì sẽ đỡ tốn phí.

Chẳng hạn, nếu chỉ đơn giản là rút tiền thì chọn NH nào miễn phí rút tiền tại ATM của chính NH và các NH liên minh. Còn nếu khách hàng thanh toán nhiều, điện, nước, chuyển khoản... thì lựa chọn NH miễn phí hoặc thu phí thấp với dịch vụ đó.

* Khách hàng chỉ mới làm quen với việc sử dụng dịch vụ NH, việc tận thu phí có quá vội vàng hay không?

- Trong chuyện thu phí, khách hàng và NH đều có cái lý của mình. Nhưng ở VN, hiện tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ NH rất thấp nên việc tận thu phí có thể ví như “bán lúa non”.

Hơn nữa, NH Nhà nước đang khuyến khích người dân từ bỏ thói quen dùng tiền mặt để sử dụng dịch vụ NH. Khi người dân quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đem đến lợi ích rất lớn về mặt quản lý vĩ mô.

Tuy nhiên, việc khao khát lấy lại vốn nhanh khiến NH đưa ra hàng loạt phí sẽ tác động đến người tiêu dùng. Nhiều người có xu hướng quay lại dùng tiền mặt để khỏi tốn phí, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Ngân hàng phải cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng, qua đó thu được nhiều phí, thay vì có ít khách hàng và phải tận thu như hiện nay - Ảnh: Thuận Thắng

Ông Trần Quang Thoại, chuyên gia thẻ:

Nên công khai phí ngay từ đầu

Thời gian qua NH đã đầu tư nhiều cho hệ thống và hiện NH đang thu phí để bù đắp, chưa kể một số loại phí chỉ phát sinh sau một năm, giai đoạn đầu miễn phí nên người tiêu dùng không biết, nhân viên NH cũng không nói.

Trong thực tế, khi triển khai dịch vụ NH cá nhân, do áp lực nên nhân viên NH sẽ nghĩ ra cách tư vấn sao cho “đỡ phiền” mà bán được hàng. Chẳng hạn, không tư vấn rõ ràng hoặc “làm lơ” khi nói đến một số loại phí.

Đến khi chuyện xảy ra, khách hàng cho rằng NH gài. Đó là không ổn. Đúng ra NH phải giải thích cho người tiêu dùng hiểu khi bắt đầu sử dụng thẻ phải chịu bao nhiêu loại phí, khi nào chịu, tại sao phải chịu, thậm chí có bảng hướng dẫn giải thích để người tiêu dùng hiểu trong giai đoạn nào sẽ bị những loại phí nào.

Khách cũng cần cẩn trọng trước khi ký hợp đồng, tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách đọc kỹ các điều khoản và điều kiện, đừng chỉ tin tưởng vào người tư vấn.

Trong nhiều trường hợp, khách hàng nên yêu cầu NH đưa một bản sao hợp đồng sử dụng dịch vụ để đọc và tìm hiểu cẩn thận hơn, thay vì chỉ được tìm hiểu trên website hoặc in điều khoản và điều kiện ở mặt sau tờ đăng ký, sau khi khách hàng ký tên thì nộp lại NH.

Giám đốc trung tâm thẻ chi nhánh TP.HCM CỦA một NH quốc doanh:

Có những khoản nên miễn phí

Với dịch vụ Internet banking, nhiều NH vẫn thu phí gia nhập, phí thường niên trong khi sử dụng thẻ khách hàng đã phải trả các khoản phí này.

Chưa hết, NH còn yêu cầu khách hàng đăng ký hình thức bảo mật, nếu bảo mật bằng token (mật khẩu động) thì phải mua thiết bị token, thay đổi hình thức bảo mật hay hủy dịch vụ cũng bị thu phí...

Theo tôi, có những khoản NH có thể miễn phí cho khách hàng, như phí chuyển đổi hình thức bảo mật, phí hủy dịch vụ, không nên tận thu bằng mọi giá như hiện nay.

Ánh Hồng

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Ngân hàng chi nhầm tiền, khách hàng ‘biến mất’ (16/06/2015)

>   GPBank sẽ trình phương án phát hành bổ sung vốn (16/06/2015)

>   BIDV tiếp tục xin mở ngân hàng tại Myanmar (16/06/2015)

>   Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VNĐ, vì sao? (16/06/2015)

>   Có tiền nhưng không dám xài! (16/06/2015)

>   Khốn đốn vì “tín dụng đen” (16/06/2015)

>   Nợ xấu - nỗi lo còn đó (14/06/2015)

>   Tiếp tục gỡ vướng cho gói 30.000 tỷ đồng (13/06/2015)

>   Nợ xấu ở Việt Nam và chuyện những con nợ "nhởn nhơ" đổi xe đẹp (13/06/2015)

>   9 ngân hàng Việt Nam nhận được xếp hạng tín nhiệm mới từ Moody's (12/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật