Thứ Ba, 02/06/2015 09:42

TPP qua lăng kính đa chiều

Trong giờ giải lao ngắn ngủi của Diễn đàn Kinh tế mùa xuân tổ chức hồi tháng 4 vừa rồi ở Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, tìm gặp chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ông hỏi như trách: “Làm gì mà chị phê phán hội nhập đến thế?”. Ông Khánh lo, dư luận xã hội nói chung có thể có cái nhìn tiêu cực về tiến trình đàm phán hội nhập qua góc nhìn của những chuyên gia như bà Lan. Đáp lại, bà Lan nói, bà không chống lại hội nhập, nhưng bà “không thể không lo lắng”...

Nhiều ý kiến cho rằng gia nhập TPP giúp Việt Nam phân định lại cơ cấu thị trường. Nhưng cũng có nhiều người lo lắng về sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: minh khuê

Với các nhà hoạch định chính sách, họ có lý do biện minh cho tiến trình hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Song, ở góc độ của các nhà kinh tế, dù ủng hộ, họ thật sự lo lắng về hiện trạng yếu ớt của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Tôi thực sự lạc quan

“Tôi hoàn toàn lạc quan và tự tin. Không có lợi thì chúng ta đàm phán hội nhập làm gì!”, ông Khánh khẳng định khi bị chất vấn bởi những câu hỏi lo lắng về TPP trong lần trả lời Cổng thông tin điện tử Chính phủ hồi tháng 3 - lần xuất hiện hiếm hoi trên báo chí. Ngay tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, ông Khánh được mời diễn thuyết tới hai lần trước các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia về TPP.

Không còn nghi ngờ gì nữa, gia nhập TPP giúp Việt Nam phân định lại cơ cấu thị trường, và ở mức rộng lớn hơn, là địa chính trị hiện tại. “Tham gia các FTA (hiệp định thương mại tự do), nhất là TPP, giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại xuất nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường”, ông Khánh nói tại buổi đối thoại do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

“Một thị trường”, như ông Khánh nêu một cách dè dặt dưới góc độ của một nhà ngoại giao, chẳng khó xác định là ai. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khẳng định, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc trong suốt 14 năm qua với tốc độ ngày càng tăng.

Trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam, ông Thiên cho biết, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới gần 29 tỉ đô la Mỹ năm 2014, cao hơn nhiều so với gần 24 tỉ đô la Mỹ năm 2013, hơn 16 tỉ đô la Mỹ năm 2012. Song, những con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Phần còn lại “kinh khủng hơn”, như lời ông cảnh báo.

Trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc, ông Thiên khẳng định với các đại biểu tại diễn đàn, năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu trị giá tới 63,8 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, cao hơn gần 20 tỉ đô la Mỹ so với con số 43,9 tỉ đô la Mỹ mà Việt Nam công bố nhập khẩu từ Trung Quốc. Chưa nói đến những lĩnh vực khác như hợp đồng EPC trong các dự án hạ tầng quy mô lớn, chỉ riêng trao đổi thương mại cán cân đã lệch hẳn về đối tác Trung Quốc cho thấy rủi ro đến chừng nào.

Không nêu tên đích danh, ông Khánh cho biết, 70% giá trị nhập khẩu của Việt Nam là từ khu vực Đông Á và 50% xuất khẩu vào các thị trường này. “Vì thế, nếu có biến động sẽ tác động lớn đến ta, nên ta cần cân bằng lại thị trường”, ông nói tại Cổng thông tin Chính phủ.

Tinh thần này là nhất quán. Trong lần xuất hiện hiếm hoi trước diễn đàn công khai, ông Khánh thuyết phục các vị đại biểu: “Có nhiều ý kiến lo lắng khi ta hội nhập sâu mà chưa chuẩn bị. Theo tôi, chúng ta không cần lo lắng quá, vì mọi kiến nghị, mong muốn của chúng ta đều trong TPP...”, ông nói.

Ông Khánh giải thích vắn tắt, tất cả những lo ngại hiện tại của Việt Nam như mua sắm chính phủ, chống tham nhũng, cải cách doanh nghiệp nhà nước,... đều được quy định rất rõ ràng trong TPP. Ngành nông nghiệp, nơi hai phần ba dân số đang sống dựa vào, cũng sẽ hưởng lợi khi thuế xuất khẩu về 0% ngay lập tức. “Tôi tin là đất nước ta có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, chúng ta sẽ không thua về nông nghiệp”.

Trưởng đoàn đàm phán hội nhập tỏ ra tự tin: “Vậy chúng ta có nên lo lắng về sức ép cạnh tranh hay không? Chúng tôi cho đó là lo lắng không hợp lý. Nếu không cạnh tranh nổi thì phải phá sản, đó là bản chất của nền kinh tế, và tôi không lo chuyện đó...”.

Lo sức khỏe quá yếu

Ngay sau phần ông Khánh phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “20 năm tham gia ASEAN, nhưng chúng ta vẫn nằm trong nhóm CVML (Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Lào) - các nước phát triển thấp nhất khu vực - vẫn thích xin thêm các ưu đãi, hỗ trợ riêng. Điều đó cực kỳ vô lý với một đất nước có tiềm năng phát triển như Việt Nam. Với các nước ASEAN, chúng ta còn không chơi bình đẳng được thì làm sao trong TPP, FTA với EU, chúng ta có thể sòng phẳng với các nước lớn như Mỹ, EU...”.

Xem chi tiết tại đây...

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sửa Luật Hàng hải, đưa kinh tế biển lên vị trí số một (02/06/2015)

>   Sân bay Long Thành phải trình Quốc hội một lần nữa (02/06/2015)

>   Giá ô tô có thể tăng 20%-30%? (02/06/2015)

>   Tổng cục Thuế: Đề nghị có cơ chế quản lý riêng với đơn vị như Metro (01/06/2015)

>   Vốn FDI cam kết vào TPHCM vẫn tăng cao (01/06/2015)

>   Tác động FTA với không gian chính sách hỗ trợ ngành kinh tế (01/06/2015)

>   Xúc tiến thương mại cần “trúng” mục tiêu (01/06/2015)

>   WB tài trợ 124 triệu USD cho giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh (01/06/2015)

>   EVN: Sau nhiều năm, lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc vượt miền Nam (01/06/2015)

>   Hàng VN vào năm nước liên minh, 90% dòng thuế được giảm (01/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật