Thứ Ba, 02/06/2015 07:59

Giá ô tô có thể tăng 20%-30%?

Áp dụng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới giúp tăng thu thuế nhưng sẽ đẩy giá bán xe ô tô lên cao, người tiêu dùng chịu thiệt.

Trước cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mà Bộ Tài chính đề xuất, nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) ô tô lo ngại điều này có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến thị trường trong nước, đẩy giá bán xe tăng cao.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Ông Trương Kim Phong, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Ford Việt Nam, cho biết đề xuất về cách tính thuế TTĐB mới của Bộ Tài chính dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016. Giá tính thuế ô tô sẽ là giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) thay vì giá CIF (giá của bên bán hàng đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phíbảo hiểm) nhập về đã có thuế nhập khẩu như trước đây. Với phương án mới này, giá thuế TTĐB phải cộng thêm một phần lợi nhuận, phí hải quan, đăng kiểm, phí lưu kho, lưu bãi và cước vận chuyển, rồi chi phí marketing quảng cáo… từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối.

“Nếu thay đổi giá tính thuế sẽ tạo ra sự phức tạp trong cách tính thuế, gây nhiều phiền hà cho DN trong việcbáocáo thuế cũng như xây dựng chính sách bán hàng của các DN. Việc tính thuế theo cách mới giúp tăng thu thuế nhưng sẽ đẩy giá bán xe ô tô lên cao. Người tiêu dùng không được lợi vì giá xe quá cao” - ông Phong lo ngại.

Các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng cho rằng cách tính thuế TTĐB chưa công bằng và cũng chưa chính xác. Lý do là các nhà nhập khẩu ô tô hiện nay cũng là nhà phân phối, họ buôn đứt bán đoạn đối với nhà sản xuất chính hãng. Điều này chứng minh giá CIF đã bao gồm đầy đủ các yếu tố giá vốn và chi phí marketing, bán hàng của nhà sản xuất chính hãng, nghĩa là có sự tương đồng với giá bán buôn của nhà sản xuất lắp ráp trong nước.

Đại diện một DN nhập khẩu tính toán, mức thuế TTĐB theo cách tính mới sẽ tăng và chắc chắn giá ô tô bán ra tăng, mức tăng có thể 20%-30% tùy loại xe. Ví dụ chiếc Toyota Camry 2.0 giá khoảng 1 tỉ đồng, với cách tính thuế mới giá xe có thể tăng lên mức 1,2 tỉ đồng. Không chỉ giá bán tăng mà phí trước bạ cũng sẽ tăng theo.

Các hãng xe giới thiệu sản phẩm tại triển lãm quốc tế ô tô diễn ra cuối năm 2014 tại TP.HCM. Ảnh: QH

Đề xuất giữ thuế cũ

Với cách tính thuế TTĐB mới, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước về cơ bản sẽ có lợi, có ưu thế trước các ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước đều nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về bán nên cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Một chuyên gia lĩnh vực ô tô cho hay ông ủng hộ chủ trương cần bảo hộ lĩnh vực sản xuất ô tô trong nước nhưng điều cần thiết là cần có chế tài buộc các nhà lắp ráp ô tô phải cam kết thực hiện bằng được tỉ lệ nội địa hóa theo lộ trình hơn là dùng biện pháp tăng thuế. Nếu cách tính thuế TTĐB mới đẩy giá xe nhập khẩu lên cao, xe lắp ráp trong nước sẽ không có động lực để giảm giá. Khi đó, người tiêu dùng là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất.

Theo vị chuyên gia này, ở Thái Lan vẫn đang có cách tính thuế TTĐB như Việt Nam hiện nay, đó là tính trên giá CIF cộng thuế nhập khẩu. Còn Malaysia tính thuế TTĐB trên giá bán buôn (tương đồng cách tính thuế mới được đề xuất của Việt Nam) nhưng trừ đi phần nội địa hóa. Thế nhưng tỉ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Ông Vũ Trường Giang, Trưởng bộ phận phát triển và kinh doanh hãng xe Infinity tại Việt Nam, đề nghị cách tính thuế TTĐB nên theo cách tính cũ. Bộ Tài chính vẫn khẳng định việc sửa đổi cách tính thuế TTĐB này không làm giá ô tô trong nước tăng.Bộ cho rằng cách tính mới sẽ đảm bảo sự công bằng giữa DN nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước chứ không nhằm mục đích tăng thu thuế. Ngoài ra sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong bối cảnh phát hiện nhiều DN nhập khẩu có dấu hiệu lách thuế, chuyển giá. Tuy nhiên, giá ô tô có tăng hay không thì chính bản thân DN, người bán sản phẩm biết rõ nhất. “Chưa kể, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ không có động lực để tăng tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm lắp ráp trong nước, tác động tiêu cực đến thị trường ô tô của Việt Nam. Nhà nước sẽ tăng nguồn thu từ việc tăng thuế TTĐB theo cách tính mới, DN sẽ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo được phần lợi nhuận của mình, còn người tiêu dùng chịu thiệt mua giá xe đắt hơn” - ông Giang chia sẻ.

Nhu cầu mua ô tô của người Việt tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước ước nhập về khoảng 10.000 ô tô nguyên chiếc trong tháng 5, tương đương so với tháng trước, kim ngạch 337 triệu USD. Việc ô tô nhập khẩu liên tiếp ở mức cao trong những tháng gần đây, đưa tổng lượng xe nhập về trong nước năm tháng đầu năm lên 45.000 chiếc, giá trị hơn 1,2 tỉ USD, tăng 125% về lượng và 185% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam nhập nhiều xe từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc…

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA), doanh số bán hàng trong bốn tháng đầu năm đạt 66.885 xe, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng tiêu thụ của xe nhập khẩu tăng áp đảo xe lắp ráp trong nước.

Quang Huy

pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Tổng cục Thuế: Đề nghị có cơ chế quản lý riêng với đơn vị như Metro (01/06/2015)

>   Vốn FDI cam kết vào TPHCM vẫn tăng cao (01/06/2015)

>   Tác động FTA với không gian chính sách hỗ trợ ngành kinh tế (01/06/2015)

>   Xúc tiến thương mại cần “trúng” mục tiêu (01/06/2015)

>   WB tài trợ 124 triệu USD cho giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh (01/06/2015)

>   EVN: Sau nhiều năm, lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc vượt miền Nam (01/06/2015)

>   Hàng VN vào năm nước liên minh, 90% dòng thuế được giảm (01/06/2015)

>   Đề nghị giảm thuế VAT còn 0% cho thức ăn chăn nuôi (01/06/2015)

>   Hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không (01/06/2015)

>   Thâm hụt thương mại của Việt Nam lên tới gần 3 tỷ USD sau 5 tháng (01/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật