Dệt may chật vật thoát bóng gia công
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang có nguy cơ mất dần vị thế là công xưởng gia công hàng dệt may giá rẻ vào tay các quốc gia như Myanmar, Campuchia, Bangladesh…
Nhiều DN dệt may trong nước đã nhận thức được sự dịch chuyển của thị trường gia công giá rẻ để có những thay đổi hợp lý. Ảnh: Trần Việt
|
Phát triển song song
Theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong toàn bộ đơn hàng dệt may ở nước ta, các DN làm theo phương thức gia công chiếm tới 70%, làm FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) chiếm 20%, còn hình thức ODM (tự thiết kế, sản xuất) chiếm 9% và OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) chỉ chiếm 1%.
Về vấn đề này, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas cho rằng, hiện đang là thời kỳ mà chuỗi cung ứng của ngành dệt may hình thành tương đối rõ nét. Nếu DN dệt may Việt Nam chỉ làm hàng gia công với mọi thứ có sẵn thì sẽ thụ động, không có tiếng nói trong chuỗi đó. Hơn nữa, ngay khi trong khu vực có thị trường nhân công giá rẻ hơn thì Việt Nam sẽ rơi vào tình thế bị cạnh tranh khốc liệt. Vì thế, các DN dệt may Việt Nam phải có xu hướng chuyển dịch, nâng cao vị thế của mình trong chuỗi liên kết với thế giới.
Trước tình hình trên, nhiều DN đã xây dựng chiến lược để có thể đón nhận bất cứ sự xoay chuyển nào của thị trường. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Công ty Cổ phần may Sông Hồng.
Theo ông Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng XNK, Công ty vẫn nhận các đơn hàng sản xuất theo hình thức gia công và FOB cho khách hàng quốc tế nhưng đã được đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực với tay nghề cao, cải tiến thiết bị, đầu tư về công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động. Nhưng hơn hết, Sông Hồng lại chọn bước đi chiến lược là tập trung vào mảng thị trường nội địa, đây chính là một bước đệm cho năm 2016, sản phẩm này sẽ được XK.
Giống như Sông Hồng, nhiều DN dệt may như May 10, TNG, Đông Xuân, Việt Tiến… cũng đã lựa chọn hình thức này, tạo thành hai mảng cùng phát triển song song Theo đại diện của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG, bên cạnh việc sản xuất hàng XK cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng, TNG còn hướng đến mục tiêu lâu dài là bán hàng trực tiếp cho các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới nhằm gia tăng lợi nhuận. Cùng với đó, TNG tiến hành dịch chuyển sang phương thức sản xuất ODM vì đây là dư địa để ngành dệt may tăng trưởng trong những năm tới. Đặc biệt, TNG cũng từng bước nâng cao thị phần nội địa của thương hiệu thời trang “TNG Fashion”.
Về phía các DN vừa và nhỏ, họ cũng biết được xu hướng này nhưng những thay đổi có phần khó khăn hơn. Ông Nguyễn Ngọc Bách, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần may XK Việt Thái cho biết, với những khó khăn về nguồn vốn và năng lực sản xuất, Công ty vẫn đang dừng ở sản xuất theo FOB nhưng đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị, mở rộng thị trường, nâng cao tay nghề để làm được những mặt hàng cao cấp hơn, tạo hệ thống khách hàng đa dạng, hướng tới mở rộng lên hình thức ODM.
Khó vẫn khó
Tuy rằng nhiều DN đã nhìn nhận ra vấn đề trên nhưng không phải DN nào cũng đủ lực để thay đổi. Thậm chí, nhiều DN còn cho rằng, xu hướng dịch chuyển vẫn chưa thấy, hàng hóa và lượng khách hàng vẫn ổn định nên cứ giữ nguyên hình thức gia công như hiện có.
Theo ông Lê Hữu Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần may Sơn Hà, mặc dù rất muốn phát triển sản xuất lên hình thức tiên tiến hơn gia công nhưng năng lực về vốn, về đội ngũ nhân viên vẫn chưa đủ, đặc biệt, khi làm theo ODM hay OBM và tiêu thụ trong nội địa còn liên quan đến thương hiệu. Đây là những vấn đề mà những DN nhỏ và vừa khó có thể tự lực giải quyết.
Lý giải nguyên nhân các DN dệt may Việt Nam đã có cơ sở để làm nhưng lại chưa sẵn sàng cho việc này, bà Đặng Phương Dung cho rằng, thuận lợi là các DN có thể tận dụng được kinh nghiệm và nguồn nhân lực khi làm hàng gia công nhưng để tạo được bước phát triển đúng thì DN cần phải có năng lực và nguồn tài chính lớn để xây dựng chiến lược, mua trang thiết bị, mở rộng cơ sở vật chất.
Vì thế, theo bà Dung, bộ máy lãnh đạo của DN cần phải có nhận thức, quyết tâm rõ ràng và xây dựng được mục tiêu chiến lược để có những bước đi phù hợp. DN nên bước từng bước, tránh tâm lý nóng vội, nếu chưa đủ lực thì DN cũng không nên “ép” mình thoát khỏi cảnh gia công.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhận thấy khả năng không thể trụ vững khi đứng một mình thì các DN có thể tìm một hướng đi khác theo hình thức liên kết. Hình thức này sẽ giúp các DN bổ sung, hỗ trợ nhau ở những khâu còn yếu, tạo sức mạnh tổng thể để tăng khả năng cạnh tranh khi đi theo con đường mới, thoát khỏi cảnh đi lên bằng năng suất lao động. Nhưng thực tế mối liên kết của các DN dệt may hiện nay còn rất lỏng lẻo. Ông Nguyễn Ngọc Bách cho rằng, các DN trong nước chỉ thích hợp tác với các DN nước ngoài, hoặc các DN mới chỉ dừng lại ở mức độ các DN thân quen thì hợp tác làm ăn với nhau, chứ để hình thành nên một chuỗi liên kết thì phải rất lâu nữa mới thực hiện được.
Có thể thấy, các DN Việt Nam đã bước đầu có những nhận thức nhanh nhạy để bắt kịp xu hướng chuyển dịch của thị trường. Không chỉ vì xu hướng này mà với việc Việt Nam ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước và khu vực trên thế giới, các DN càng phải tìm được những phương án phát triển đúng đắn và phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh, tồn tại và phát triển tại thị trường đang hội nhập sôi động.
Hương Dịu
hải quan
|