Khi doanh nghiệp nhỏ phải thỏa hiệp
“Chúng tôi muốn nhà bán lẻ đó phải thực hiện đúng thỏa thuận với nhà cung cấp, không thể mỗi năm mỗi ép, bắt đóng đủ thứ tiền mới cho bán hàng tiếp”, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ đang cung cấp hàng vào siêu thị M nói với báo giới tại cuộc gặp gỡ do một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.
Số tiền mà doanh nghiệp nói trên được nhà bán lẻ thông báo (bằng e-mail) phải đóng cho năm 2015 là khoảng 70 triệu đồng, dành cho các khoản như tham gia tổ chức chương trình Big Bang (kỷ niệm 50 năm thành lập), hỗ trợ khuyến mãi, hỗ trợ tham gia chương trình hàng Việt Nam... Theo một số doanh nghiệp, nhà bán lẻ này đưa ra tối hậu thư là nếu doanh nghiệp không tham gia thì họ sẽ không tái ký hợp đồng năm 2015. Hậu quả trước mắt là phải thanh lý hợp đồng ngay vào đầu tháng 6 trong khi doanh nghiệp vẫn còn tồn rất nhiều hàng được đóng gói theo mẫu mã của nhà bán lẻ.
Cũng theo các doanh nghiệp, điều khiến họ không muốn đóng tiền là số tiền này nằm ngoài thỏa thuận thương mại (một văn bản khác hợp đồng nguyên tắc), tăng khá nhiều so với năm 2014. Mặt khác, nhà bán lẻ đã không hề thực hiện những thỏa thuận hỗ trợ như đã hứa (bằng miệng) mà khi thuyết phục doanh nghiệp tham gia.
Chưa kể có nhiều điểm đáng ngờ khác như người đứng ra đàm phán năm trước đã “nghỉ ngang”, nhà bán lẻ đang trong giai đoạn chờ chuyển giao cho nhà đầu tư mới... Bên cạnh đó, nhà bán lẻ cũng không đồng ý gặp doanh nghiệp để đàm phán thêm (trường hợp doanh nghiệp đồng ý tham gia thì tiền sẽ lập tức bị trừ vào công nợ và hợp đồng được tái ký).
Các doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị đã chủ động gặp báo chí để nhờ lên tiếng về thực trạng này trên các phương tiện truyền thông, nhưng cũng chính họ nhất định không nêu tên tuổi, càng không cho chụp hình đăng báo. Họ muốn mọi thứ phải ở dạng nặc danh, đơn giản vì không muốn bị nhà bán lẻ cắt hợp đồng hoặc “xử” họ bằng những hình thức o ép khác. Trớ trêu là họ cho biết trong trường hợp báo chí đã lên tiếng mà nhà bán lẻ vẫn không nao núng, họ vẫn chấp nhận đóng tiền (oan) để được tiếp tục cung ứng hàng, dù doanh số lẫn biên lợi nhuận ba năm nay giảm đều. Theo lý của doanh nghiệp, họ muốn dùng tên tuổi của siêu thị này để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, không muốn mất thị phần ở khu vực mà họ đã mất hàng chục năm dày công gầy dựng. Họ kỳ vọng thị phần có thể sẽ tăng lên khi nhà bán lẻ hoàn thành việc chuyển giao cho đối tác mới. Quan trọng nhất là luôn có một hàng dài các nhà cung cấp khác đang ở “trạng thái chờ”, chấp nhận đóng tiền để thế chân bất kỳ lúc nào.
Cách nghĩ, cách hành xử như vậy của các doanh nghiệp không có gì lạ, bởi lẽ, họ hoàn toàn yếu thế trong cuộc đối đầu với nhà bán lẻ nước ngoài đã có kinh nghiệm nửa thế kỷ chinh chiến toàn cầu. Bên cạnh đó còn là cuộc chiến với các nhà sản xuất cùng ngành nghề, bao gồm những doanh nghiệp lớn, sừng sỏ, để có được một chỗ trên quầy kệ.
Đã lao tâm khổ tứ nhiều năm nên họ muốn giữ những gì đã đạt được. Họ cam chịu, thỏa hiệp với nhà bán lẻ làm những việc không đúng với nguyên tắc (ở đây là hợp đồng hai bên đã ký kết). Có thể thấy sự thỏa hiệp qua nhiều chuyện, từ chuyện tăng chiết khấu hàng năm, chuyện chi những khoản tiền không tên, đến chuyện chung chi riêng cho nhân viên thu mua, nhân viên ngành hàng... Rất nhiều lần, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là chủ các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở làng nghề, vừa thỏa hiệp vừa kêu than. Cơ quan quản lý cũng biết mười mươi.
Thực tế này cũng đang diễn ra ở các lĩnh vực khác, từ xuất nhập khẩu nông sản đến sản xuất gia công. Phó chủ tịch hiệp hội xuất nhập khẩu tại một tỉnh miền Đông Nam bộ cho biết có những doanh nghiệp hội viên xuất khẩu đi Hàn Quốc bị đối tác “xù” nợ một lần nhưng sau khi được đại sứ hỗ trợ lấy lại vẫn giao dịch tiếp. Đơn giản là vì hàng sản xuất ra mà không xuất cho đối tác này thì không biết bán cho ai!
Hay những câu chuyện về thanh long, dưa hấu bị tắc ở cửa khẩu Tân Thanh năm này, nhưng đến năm sau, nông dân vẫn gạt nước mắt trồng tiếp vì biết mình ở thế phụ thuộc, và nếu không trồng loại trái cây này thì cũng không biết phải trồng cây gì hay nuôi con gì sau đó.
Câu hỏi được đặt ra cho các trường hợp này là vì sao các doanh nghiệp nhỏ không liên kết lại với nhau để có sức mạnh tập thể? Câu trả lời lại là một thực tế phũ phàng: doanh nghiệp nhỏ không thể liên kết vì trăm ngàn lý do, trong đó đáng kể là tâm lý tiểu nông, cát cứ, nghi ngại nhau. Chẳng hạn với các nhà cung ứng của hệ thống siêu thị nói trên, họ cũng đã tính toán liên kết với nhau nhưng rồi không thể vì không ai muốn làm người chịu thiệt thòi đầu tiên - có thể bị nhà bán lẻ cắt hợp đồng.
Còn nếu đặt câu hỏi vì sao cơ quan nhà nước không giúp người yếu thế thì cơ quan nhà nước cũng sẽ có trăm ngàn lý lẽ biện minh cho việc không thể can thiệp, không thể giúp sức.
Vấn đề đặt ra là nếu doanh nghiệp cứ mãi thỏa hiệp như vậy thì sẽ không bao giờ mạnh lên để trở thành tập đoàn nọ, công ty kia, có thể chủ động ngưng cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị nói trên vì không chấp nhận các khoản tiền vô lý. Không phải các doanh nghiệp này không có 70 hay 100 triệu đồng để đóng cho nhà bán lẻ mà vì họ biết mình cần gì, muốn gì và giá trị doanh nghiệp ở đâu! Khi đã thỏa hiệp một lần thì chắc chắn sẽ có lần kế tiếp với số tiền nhiều hơn. Một nền kinh tế mà nhiều người chấp nhận thỏa hiệp thì sẽ không còn sức mà cạnh tranh hay “tiến lên hiện đại”, nhất là trong bối cảnh thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn, các hiệp định thương mại đã ký kết và có hiệu lực.
Nguy hại hơn, người tiêu dùng sẽ là người cuối cùng gánh chịu những khoản tiền vô lý này, bởi lẽ khi các hệ thống siêu thị không ngừng đòi hỏi, yêu sách, ai dám chắc nhà cung ứng sản phẩm sẽ không làm cách này cách kia mà cách dễ nhất là giảm chất lượng, giảm trọng lượng sản phẩm để vẫn đảm bảo mức lợi nhuận cho mình.
Minh Tâm
TBKTSG
|