Doanh nghiệp dệt may lo bị phá sản
Năm doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nguy cơ phá sản vì bị đòi lại mặt bằng làm nhà xưởng sản xuất tại số 2 Trường Chinh, quận Tân Phú, TP HCM.
Năm doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may (Công ty CP Sợi quốc tế Thắng Lợi, Công ty CP Dệt quốc tế Thắng Lợi, Công ty CP Đầu tư Phát triển Thắng Lợi, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nam Phú và Công ty CP May quốc tế Thắng Lợi) đang đứng trước nguy cơ phá sản vì bị đòi lại mặt bằng làm nhà xưởng sản xuất tại số 2 Trường Chinh, quận Tân Phú, TP HCM.
Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May quốc tế Thắng Lợi, cho biết khu đất 5 DN đang dùng làm mặt bằng sản xuất vốn là đất Công ty CP Dệt may Thắng Lợi thuê của nhà nước từ nhiều năm nay. Giai đoạn 2005- 2007, Công ty CP Dệt may Thắng Lợi cổ phần hóa nhưng sau đó làm ăn không hiệu quả, bị thua lỗ nên bán toàn bộ máy móc thiết bị cho 5 DN, chỉ giữ lại 10%-20% cổ phần.
Ảnh tư liệu
|
Sau đó, Công ty CP Dệt may Thắng Lợi hợp tác với quỹ đầu tư Vina Capital lập dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm các dự án thương mại tại khu đất này. Đầu năm 2015, Công ty CP Dệt may Thắng Lợi có công văn yêu cầu 5 DN đến cuối tháng 6-2015 phải di dời toàn bộ máy móc thiết bị.
Sau đó, “chủ đất” tiếp tục gửi thông báo ngừng cung cấp điện nước, không cho các phương tiện vận tải cung cấp nguyên nhiên vật liệu ra vào nhà máy. Để gây sức ép, Công ty CP Dệt may Thắng Lợi (mà người đại diện ký các công văn yêu cầu di dời là Vina Capital) đã dán hàng loạt thông báo đòi lại mặt bằng ở nhà ăn, nhà xưởng sản xuất, gây hoang mang cho người lao động.
“Khoảng 2.000 cán bộ, công nhân có nguy cơ mất việc làm, các DN cũng đứng trước nguy cơ phá sản vì hàng loạt hợp đồng làm gia công, hàng xuất khẩu đã ký với đối tác nước ngoài, nay không giao đúng hẹn sẽ bị đền hợp đồng” - ông Trần Nam Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi quốc tế Thắng Lợi, lo lắng.
Về phía đơn vị cho thuê đất, đại diện Công ty CP Dệt may Thắng Lợi giải thích không phải bây giờ mà từ năm 2008-2009, công ty đã đề nghị 5 DN này di dời. Và đến tháng 9-2013 thì các thỏa thuận, hợp đồng thuê mặt bằng, nhà xưởng giữa 5 DN trên với Công ty CP Dệt may Thắng Lợi không được ký tiếp hoặc gia hạn.
“Nhưng thời điểm đó, bản thân Công ty CP Dệt may Thắng Lợi cũng chưa tìm được đối tác đầu tư nên nhùng nhằng muốn giữ 5 DN ở lại tiếp tục hoạt động để không bị thanh tra việc thuê đất. Đến khi tìm được đối tác làm dự án, “chủ đất” liền đẩy mạnh việc đòi lại mặt bằng khiến 5 DN chúng tôi trở tay không kịp” - ông Ngô Đức Hòa nói.
Do đó, các công ty xin được hoạt động đến cuối năm 2016 tại địa chỉ trên để có thời gian xây dựng nhà xưởng ở cụm công nghiệp Đức Thuận (tỉnh Long An). Việc di dời các công ty đã chuẩn bị và đang tiến hành xây dựng nhà xưởng nhưng phải đầu tư xong nhà máy xử lý nước thải, mất khoảng 1 năm xây dựng.
Đề nghị thanh tra
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, 5 DN dệt may kiến nghị thanh tra toàn bộ diện tích đất 158.000 m2 của Công ty CP Dệt may Thắng Lợi thuê của nhà nước để làm văn phòng và nhà xưởng sản xuất. “Bởi thông tin chúng tôi nhận được thì công ty này nhượng quyền cho một đơn vị khác làm dự án bất động sản” - ông Hòa nói.
|
Thái Phương
người lao động
|