“Cú hích” cho doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực ngày 1-7 được kỳ vọng góp phần tháo gỡ khó khăn, mở ra môi trường tự do kinh doanh và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp
Chỉ còn vài ngày nữa là Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 có hiệu lực nhưng vẫn còn rất nhiều thắc mắc của các DN liên quan. Trong khi đó, chưa có nghị định hay hướng dẫn nào cho DN.
Được đầu tư ngành nghề luật không cấm
Luật DN và Luật Đầu tư 2014 được giới chuyên môn, cộng đồng DN nhìn nhận là có bước tiến dài với nhiều thay đổi theo hướng tích cực, thông thoáng hơn cho DN, chuyển từ chế độ chọn - cho sang chế độ chọn - bỏ. Trong đó, nội dung thay đổi lớn nhất của Luật Đầu tư là quy định về cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trước đây, DN chỉ được đầu tư kinh doanh những gì nhà nước cho phép thì nay, ngoài 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, DN được tự do đầu tư kinh doanh những ngành nghề khác mà luật không cấm. Quy trình thủ tục đầu tư cũng thay đổi theo hướng thuận lợi, đơn giản hơn. Kế đến là quy định không ghi vốn pháp định trong giấy đăng ký kinh doanh; cho DN quyền không sử dụng con dấu hoặc sử dụng nhiều hơn 1 con dấu; có thể có nhiều người đại diện cho pháp luật… Ngoài ra, quy định về quản trị DN cũng khác, thoáng hơn, đem lại quyền tự chủ cao cho DN, giúp hoạt động dễ dàng hơn. Có thể nói DN hưởng lợi rất nhiều từ luật mới, như: Được tạo điều kiện cho hoạt động năng động hơn và nâng tính sáng tạo, cạnh tranh trong môi trường kinh tế mới và là tiền đề cho các DN hội nhập quốc tế.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Sợi Thế Kỷ (TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh
|
Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cũng có DN cho rằng các quy định mới này sẽ làm khó mình. Ví dụ, DN có nhiều con dấu thì quy định rõ trong trường hợp nào sử dụng con dấu thứ nhất, trường hợp nào sử dụng con dấu thứ hai, trường hợp nào sử dụng con dấu thứ ba. DN cần quy định rõ trong điều lệ và có thông báo đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc quy định người đại diện pháp luật cũng tương tự. “Khi luật đã quy định thì cơ quan pháp lý không được bắt bí DN. Cần có sự điều chỉnh các quy định, các luật liên quan để đồng bộ với Luật DN và Luật Đầu tư 2014. Rất nhiều luật liên quan đến 2 luật này cần điều chỉnh” - ông Hưng cho biết.
Lo vướng vì thiếu hướng dẫn
Tại hội nghị triển khai những điểm mới trong Luật Đầu tư và Luật DN 2014 vừa tổ chức tại TP HCM mới đây, nhiều DN thắc mắc luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 nhưng đến nay chưa có nghị định hay văn bản hướng dẫn nào khác về việc thi hành luật. Trả lời DN, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong Luật Đầu tư sửa đổi, các nội dung quy định khá chi tiết và cụ thể. Do đó, chỉ cần biểu mẫu là DN có thể thực hiện được ngay mà không cần thêm các hướng dẫn; vì vậy, hướng dẫn sắp ban hành chỉ mang tính chất làm rõ hơn một số nội dung của luật. Theo ông Tuấn, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai để bảo đảm ngày 1-7, tất cả quy định về 6 ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được công bố. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đăng tải dự thảo biểu mẫu và tích cực hoàn thiện để có thể có biểu mẫu ngay thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Về Luật DN, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứ Kinh tế trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết nghị định hướng dẫn có thể chậm vài ngày sau khi luật có hiệu lực và sẽ không có thông tư hướng dẫn.
Mặc dù đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định luật đã rất rõ ràng, thông thoáng, văn bản hướng dẫn chỉ với mục đích làm rõ thêm nhưng cộng đồng DN vẫn lo ngại sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thời gian đầu, đặc biệt Luật DN và Luật Đầu tư có liên quan đến nhiều ngành, nhiều bộ.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP XNK N.P.T, cho biết bản thân đã từng gặp rắc rối liên quan đến con dấu. Cụ thể, công ty ông xây dựng các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP (là những tiêu chuẩn do nước ngoài chứng nhận nên không có đóng dấu trên giấy chứng nhận - PV), khi mang các giấy chứng nhận này đi công chứng thì phòng công chứng không nhận mà hướng dẫn đi lòng vòng qua phòng tư pháp, lãnh sự quán của nước cấp chứng nhận làm một số thủ tục xác nhận…, sau đó mới công chứng được. “Chúng tôi mất cả tuần lễ mà vẫn chưa công chứng xong, trong khi hứa với khách hàng là chỉ từ 2-3 ngày sẽ cung cấp cho họ” - ông Vũ bức xúc.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, chưa thể hình dung được nếu luật có hiệu lực mà chưa có nghị định hướng dẫn thì sẽ thực hiện thế nào. “Thời gian đầu sẽ có sự chậm trễ trong việc thực hiện theo luật mới. Ít nhất phải từ 6 tháng tới 1 năm thì luật mới đi vào đời sống được. Luật mới rất thoáng, chính sách nhà nước cũng thoáng nhưng quan trọng là người thực hiện chính sách mới như thế nào. Tôi đang lo các ngành sẽ ban hành nhiều giấy phép con, điều kiện, giới hạn…, gây khó cho DN” - ông Quốc Anh nói.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Ghi nhận và trả lời trực tiếp nhiều câu hỏi của DN liên quan đến Luật Đầu tư 2014, ông Quách Ngọc Tuấn cho rằng rất nhiều DN mong muốn hiểu rõ hơn các quy định của luật. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến luật cần tăng cường hơn nữa để bảo đảm nội dung, tinh thần luật được truyền tải đúng và đầy đủ đến những người áp dụng, bao gồm cả cơ quan nhà nước, người dân, DN.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:
Cần giải quyết theo luật
Đến hôm nay, chưa có nghị định nào hướng dẫn Luật DN và Luật Đầu tư cho thấy Chính phủ và các bộ, ngành làm khá chậm. DN đang lo lắng vì không biết chuẩn bị gì, làm thế nào cho đúng. Theo tôi, các cơ quan nhà nước cần bỏ thói quen chờ hướng dẫn mới giải quyết cho DN. Luật quy định thế nào thì giải quyết cho DN thế đó, khi nào có hướng dẫn cụ thể sẽ cập nhật sau, như thế mới đúng và mới là chính quyền phục vụ nhân dân. Luật đã thoáng rồi, nghị định cần hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước vận hành luật cho trơn tru. Luật cao hơn nghị định, nghị định cao hơn thông tư nên điều quan trọng là nghị định, thông tư không nên trái với tinh thần luật, không nên đẻ thêm quy định mới làm khó DN.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến:
Phải tận dụng được sự “cởi trói”
Luật mới ban hành “cởi trói” cho nhiều DN, vấn đề là làm sao DN tận dụng được sự “cởi trói” này để sáng tạo, nâng cao tinh thần chủ động và chọn cho mình mô hình hoạt động hiệu quả. Bất kỳ luật nào ra đời cũng phải có giai đoạn chạy thử nghiệm. Trong giai đoạn này, không chỉ các cơ quan nhà nước mà các DN cũng phải tìm hiểu kỹ 2 luật mới. Hiện các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, còn lúng túng, chưa cập nhật hết những thay đổi trong luật mới; thói quen xin - cho giữa DN và cán bộ quản lý nhà nước đã duy trì một thời gian dài nên thời gian đầu có thể lúng túng, chưa quen. Để chủ động hơn, DN nên cố gắng tiếp cận luật càng sớm càng tốt; cơ quan quản lý tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhiều hơn cho DN.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP XNK N.P.T:
Hy vọng sẽ đỡ khổ hơn
Những cải cách trong Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi thật sự mang tính đột phá và rất cần thiết cho DN. Bứt phá của Luật DN mới là bỏ quy định ghi ngành nghề trong giấy đăng ký kinh doanh. Bản thân chúng tôi đã từng bị Luật DN 2005 “hành” khi công ty xin giấy phép thành lập trước năm 2005, được tư vấn đăng ký rất nhiều ngành nghề để dự phòng. Sau đó, chúng tôi phải bổ sung một số ngành nghề; phải họp đại hội đồng cổ đông, HĐQT; làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngay cả việc đăng ký dự phòng cũng khiến DN gặp phiền phức vì bị kiểm tra... ngành nghề có đăng ký nhưng không thực sự hoạt động...
Đ.Nghi ghi
|
Thanh Nhân
Người lao động
|