Thứ Bảy, 27/06/2015 09:48

Gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng cao cấp

Kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu và nhập siêu luôn là mục tiêu hàng đầu của các cấp, từ điều hành vĩ mô đến địa phương, cũng như với mỗi doanh nghiệp (DN). Vấn đề này càng quan trọng hơn đối với một nền kinh tế mở, nhưng vẫn đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là kiểm soát nhập khẩu có hiệu quả, để hoạt động này theo hướng tích cực, có lợi cho nền kinh tế.

Kiểm soát nhập khẩu có hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) trong 5 tháng đầu năm đạt 66,17 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, KNNK của nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 58,38 tỷ USD và chiếm hơn 88% tổng KNNK cả nước, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Nhìn vào số liệu thuần túy có thể thấy một diễn biến nhập khẩu tương đối bình thường, không có đột biến và dễ nhận ra thực tế là giá trị nhập khẩu của nhóm hàng này, gồm nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất hoặc chế biến xuất khẩu đã tăng trở lại. Điều đó thể hiện rõ sự hồi phục của nền kinh tế, dẫn đến thực trạng "đói" nguyên liệu, vật tư đầu vào của khối DN thuộc các ngành sau giai đoạn suy thoái vừa qua. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu của nhiều mặt hàng thuộc nhóm này đã giảm so với cùng kỳ, như giá khí đốt (giảm 41%), xăng dầu (giảm gần 40%), sắt thép, bông... đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự gia tăng nhập khẩu từ phía DN cũng như tạo ra lợi ích đối với nền kinh tế. Sự tăng trưởng khá cao về KNNK nhóm hàng này trùng khớp với sự xuất hiện của một số yếu tố thuận lợi khác như nhiều DN dệt may, da giày đang có thêm đơn hàng, với giá trị cao hơn cùng kỳ năm ngoái; khả năng xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản, điện thoại nhìn chung cũng bảo đảm hoặc duy trì sự ổn định. Như vậy, KNNK của nhóm hàng cần nhập khẩu tăng là dấu hiệu tích cực, đáng mừng đồng nghĩa với việc bảo đảm nhu cầu đầu vào cho các DN, cơ sở sản xuất ở thời điểm hiện tại cũng như có tính đến tình huống dự trữ đến cuối năm.

Tuy nhiên, phân tích sâu sẽ thấy một vấn đề nổi lên, cần quan tâm để khắc phục, đó là KNNK của nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong tháng 5 đạt khoảng 500 triệu USD, tăng 13,4% so với tháng trước và tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, riêng giá trị nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi nguyên chiếc của 5 tháng qua tăng 62,8% về số lượng và tăng 60% về giá trị so với cùng kỳ. Điều này cho thấy một lượng ngoại tệ rất lớn đã "chảy" vào mục đích tiêu dùng, phục vụ đời sống thường nhật một cách thuần túy mà không phát sinh lợi ích kinh tế. Ngoài ra, một khi người dân nhập khẩu nhiều xe ô tô sẽ gây ra những hệ lụy, thay đổi đột biến theo hướng bất lợi cho xã hội như quá tải hạ tầng đường bộ, nhất là ở khu vực đô thị, gia tăng tai nạn giao thông, tăng tốc độ hư hại đường sá và ô nhiễm môi trường, tăng chi phí liên quan đến quá trình sử dụng xe. Tiếp theo, KNNK điện thoại di động 5 tháng qua cũng tăng 15,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là điện thoại thông minh và cho thấy "cơn khát" loại điện thoại này vẫn đang "nóng" trên thị trường. Như vậy, hai mặt hàng sang trọng, chỉ để phục vụ và nâng cấp chất lượng đời sống thuần túy cần được kiểm soát đã được nhập khẩu với giá trị và tốc độ cao. Thực tế này trái ngược với mong muốn chung của cơ quan quản lý.

Sở dĩ có thực trạng gia tăng nhập khẩu ô tô và điện thoại "xịn" nói trên là thói quen tiêu dùng vốn đã hình thành, ăn sâu như một tập quán không thể thay đổi một sớm một chiều. Mặt khác, đến nay các kênh đầu tư tài chính đối với các hộ gia đình vẫn bế tắc, với sự trầm lắng của thị trường chứng khoán hoặc nhà đất nên hầu như không còn sự lựa chọn khả dĩ hơn - cũng là một nguyên nhân thúc đẩy tâm lý tiêu dùng này. Bên cạnh đó, hiện không có cơ chế hay quy định nào hạn chế hoặc cấm việc nhập khẩu hàng tiêu dùng trong khi nội dung các cam kết hội nhập của Việt Nam với các đối tác đều tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hoạt động xuất - nhập khẩu của các DN và người dân. Vì vậy, vấn đề còn lại phụ thuộc vào nhận thức cũng như sự lựa chọn của một bộ phận người tiêu dùng có khả năng tài chính cao trong xã hội.

Theo nhận định của giới chuyên gia, giá trị nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát tăng khá mạnh, nhưng chưa đến mức đáng báo động. Tuy vậy, vẫn cần có sự tuyên truyền, hỗ trợ tiêu dùng từ phía cơ quan hữu quan để có sự chuyển biến tích cực, hài hòa về lợi ích giữa yếu tố tiêu dùng và của nền kinh tế. Từ những thực tế xã hội, muốn bảo đảm sự cân bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu luôn cần điều kiện tiên quyết là nỗ lực gia tăng xuất khẩu kết hợp với quản lý, giảm thiểu nhập khẩu những nhóm hàng cần kiểm soát.

Anh Minh

hà nội mới

Các tin tức khác

>   TS Phạm Duy Nghĩa: “Nếu chúng ta nói rõ cái gì của ai thì đất nước đã khác” (27/06/2015)

>   450 triệu USD xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc (26/06/2015)

>   Hậu FTA: Doanh nghiệp nếu bị kiện cũng không nên sợ hãi! (26/06/2015)

>   FDI giải ngân tăng mạnh, ngành bất động sản thu hút nhiều vốn ngoại (26/06/2015)

>   1,3 triệu cửa hàng bán lẻ VN giữ "quyền lực" thị trường (26/06/2015)

>   Hiệp định TPP: Nước nào có lợi? (26/06/2015)

>   Kiến nghị bỏ thủ tục đăng ký xuất khẩu cá tra (26/06/2015)

>   Có thể đề xuất chấm dứt hình thức tập đoàn với Petrolimex (26/06/2015)

>   Nhiều thay đổi trong đề án tái cơ cấu Petro Vietnam (26/06/2015)

>   Việt Nam - Điểm đến của chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may toàn cầu (26/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật