Việt Nam - Điểm đến của chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may toàn cầu
Ngày 25/6, Hội nghị quốc tế “Diễn đàn Dệt May Việt Nam 2015” do Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Dệt may Trung Quốc (CCCT) tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.
Sản xuất may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương. (Ảnh: Hải Âu/TTXVN)
|
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của một số Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may lớn trên thế giới như Puma, Levi Strauss, Li & Fung, Tal Group, đại diện Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ…và các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã có sự phát triển mạnh về năng lực sản xuất, trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới. Hiện Việt Nam cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh là những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số, đạt 12,18 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ 2014.
Ngành công nghiệp dệt may hiện là một trong những ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam với hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động, đã và đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 4,5 triệu lao động; trong đó 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp, thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển.
Trong thời gian tới, dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi từ một số Hiệp định thương mại tự do (FTA), như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU, FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA)… do thuế giảm mạnh và thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đến thời điểm này, Dệt may Việt Nam đang là đối tượng cạnh tranh của tất cả các quốc gia sản xuất dệt may trên thế giới. Các doanh nghiệp dệt may trong nước đã tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường, thu hút dòng vốn từ nước ngoài vào làm tăng quy mô của ngành.
Sau 9 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ không ngừng tăng lên, từ mức 3% hiện đã là 10% (chỉ sau Trung Quốc).
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường lớn trong năm 2014 với mức tăng trưởng 17% ở châu Âu, 12,5% ở Mỹ và 9% ở Nhật Bản, 27% ở Hàn Quốc. Năm 2015, ngành dệt may của Việt Nam đã đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 28,5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bông vải sợi Việt Nam (VCOSA) cho hay, đến năm 2030, dự kiến quy mô sản xuất hàng dệt may của toàn thế giới sẽ mở rộng lên gấp đôi, sản lượng của châu Á sẽ chiếm hơn 60% sản lượng dệt may thế giới; quy mô sản xuất tại châu Á sẽ tăng gấp 2,4%; TTP và FTA sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến cho chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may toàn thế giới. Đó chính là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam tận dụng đón đầu cơ hội này.
Bà Julia K. Hughes Chủ tịch Hiệp hội thời trang Mỹ cho rằng, nhiều công ty ở Mỹ có mong muốn sẽ tìm nguồn cung ứng từ nhiều quốc gia tham gia Hiệp định TTP khi Hiệp định này có hiệu lực và Việt Nam đang được xếp hạng cao nhất về khả năng thu hút các doanh nghiệp mới. Vì vậy, phía Việt Nam cần tận dụng cơ hội này.
Trong diễn đàn này, các Tập đoàn dệt may và các chuyên gia kinh tế hàng đầu cùng nhau chia sẻ về thị trường dệt may quốc tế, thị trường và quy mô ngành dệt may Việt Nam, xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà sản xuất dệt may thế giới, phương thức liên kết các chuỗi cung ứng quốc tế của các thương hiệu toàn cầu.
Dự kiến, Hội nghị quốc tế “Diễn đàn Dệt May Việt Nam 2015” sẽ kết thúc vào ngày 27/6.
Thảo Nguyên
Vietnam+
|