Hiệp định TPP: Nước nào có lợi?
Sau nhiều cuộc giằng co, cuối cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng giành được quyền đàm phán nhanh (hay còn gọi là quyền xúc tiến thương mại - TPA) để đẩy nhanh cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo nhiều nhà phân tích, chính phủ Mỹ sẽ tận dụng TPA mới đạt được để giải quyết những trở ngại cuối cùng trong đàm phán với Nhật Bản, từ đó kết thúc quá trình đàm phán TPP trước cuối năm nay.
Khi hình thành, TPP sẽ bao gồm 12 nền kinh tế có trình độ phát triển không đồng đều, lợi ích mà hiệp định thương mại tự do này mang lại cho từng thành viên cũng không giống nhau.
Tạp chí Forbes dẫn lời chuyên gia Frederic Neumann của Ngân hàng HSBC cho rằng các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam và Malaysia sẽ được hưởng lợi lớn nhất nhờ được tự do tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản. Theo ông Neumann, TPP có thể thúc đẩy tổng sản lượng kinh tế (GDP) của Việt Nam tăng thêm 13% vào năm 2025, và con số này của Malaysia là 6%.
TPP cũng tốt cho Nhật Bản vì nó thúc đẩy mở cửa khu vực dịch vụ hiện được bảo hộ chặt chẽ, từ đó góp phần đưa nền kinh tế Nhật ra khỏi trạng thái trì trệ, bổ sung “mũi tên thứ ba” vào hai “mũi tên” nới lỏng tiền tệ và tài khóa trong chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics), theo ông Neumann.
Đối với khu vực Đông Nam Á, chuyên gia Joshua Kurlantzick của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), cũng nhận định rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Đông Nam Á có 4 quốc gia tham gia TPP là Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam; tuy nhiên mỗi quốc gia này lại có những đặc thù riêng và những lợi ích/thiệt hại mà TPP mang lại cũng sẽ không giống nhau.
Ông Kurlantzick phân tích, Singapore và Brunei có thị trường nội địa quá nhỏ bé, sản xuất nông nghiệp không đáng kể và từ lâu đã là những nền kinh tế có độ mở lớn, phát triển chủ yếu dựa vào thương mại quốc tế. Do đặc điểm này, đa số người dân Singapore và Brunei không phản đối TPP và các hiệp định tự do thương mại. Tuy nhiên, là nền kinh tế đi đầu trong hội nhập khu vực và quốc tế, Singapore sẽ không có lợi nhiều khi tham gia TPP so với một nền kinh tế còn tương đối đóng kín như Việt Nam.
Bảng: Tỷ lệ ủng hộ/phản đối TPP trong dư luận các nước đàm phán theo khảo sát của Pew. Màu xanh là ủng hộ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như gạo, thủy sản, dệt may và hàng công nghệ đơn giản sẽ không phải chịu thuế khi xuất vào thị trường của 11 thành viên còn lại, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản.
Hơn thế nữa, nhiều quan chức và học giả Việt Nam hy vọng, việc tham gia TPP sẽ giúp đẩy mạnh cải cách kinh tế trong nước, thu hẹp vai trò của bộ phận doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn thua lỗ và cản trở cải cách, mở cửa rộng hơn nữa cho nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài.
Chính vì thế, dư luận dân chúng đối với TPP ở Việt Nam tỏ ra thuận lợi hơn so với các nước khác, đặc biệt là Malaysia. Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm thăm dò dư luận Pew, tỷ lệ người dân ủng hộ TPP ở Việt Nam là cao nhất trong 12 quốc gia đàm phán TPP, chính phủ Việt Nam sẽ không gặp nhiều khó khăn trong đàm phán cũng như trong việc giải thích với người dân về quyết định tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Cuộc khảo sát của Pew tiến hành trong hai tháng 4 và 5 năm nay, ghi nhận 89% người Việt Nam cho rằng TPP là tốt. Con số này ở Peru là 70%, Chile là 67%, Mexico là 61%, Nhật Bản là 53%, Úc và Canada đều 52%, Mỹ là 49% trong khi Malaysia chỉ có 38%. Đáng chú ý là ở Malaysia có tới 31% số người được phỏng vấn trả lời rằng họ chưa bao giờ nghe nói tới TPP (xem bảng).
Theo nhận định của ông Kurlantzick, khác với Việt Nam, chính phủ Malaysia đang phải đương đầu với sự phản đối của phe đối lập và báo chí. Những lực lượng này cho rằng chính phủ chưa phân tích toàn diện về lợi và hại (cost-benefit) của TPP trước khi tham gia đàm phán và họ lo ngại TPP sẽ gây nguy hiểm cho các chính sách kinh tế ưu tiên cho người gốc Malay đã được thực thi từ trước đến nay. Chính vì thế, chính phủ của Thủ tướng Najib tun Razak đang cố gắng trấn an dư luận rằng các nhà thương thuyết của chính phủ Malaysia chỉ chấp nhận một hiệp định “theo các điều kiện của chúng ta”.
Thái Bình
tbktsg
|