Thứ Bảy, 27/06/2015 15:59

“Cần rà lại xem cổ phần hóa còn vướng ở chỗ nào”

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong những tháng cuối năm 2015, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (ảnh) cho rằng, Chính phủ cần có cuộc họp sớm trong 6 tháng cuối năm để có một báo cáo rà lại về tiến độ CPH DNNN.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2015 phải CPH 260 DN, trong khi đó, quý I mới CPH được 29 DN. Quan điểm của ông như thế nào về tiến độ CPH DNNN hiện nay?

Chính phủ đã rất quyết tâm CPH DNNN nhưng quá trình triển khai không như mong đợi, số lượng CPH đạt được vẫn ít so với tiến độ.

Theo tôi tiến độ này còn tùy thuộc vào tình hình vĩ mô, thị trường chứng khoán, tiền tệ, lãi suất…, tuy nhiên, tôi vẫn muốn Chính phủ quyết liệt hơn nữa, phải rà soát lại xem bộ, ngành, địa phương nào chậm CPH, xem xét hình thức kỷ luật, khiển trách, phê bình để làm thế nào thực hiện đúng những gì mà đã cam kết.

Thực tế cho thấy rằng khối DN tư nhân thực hiện quá trình minh bạch hóa, niêm yết, lên sàn rất nhanh, vậy tại sao CPH trong DNNN lại chậm, thưa ông?

Theo tôi, Chính phủ cần có báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới đánh giá lại tại sao CPH chậm như vậy, còn vướng ở đâu. Chính phủ cần có họp sớm trong 6 tháng cuối năm để rà lại tiến độ CPH, trả lời câu hỏi tại sao cũng là tái cơ cấu nhưng tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã có kết quả nhất định nhưng tái cơ cấu các DNNN thì kết quả còn khiêm tốn.

Nhân cơ hội đánh giá 6 tháng cuối năm cần nhìn lại xem còn vướng ở chỗ nào để tháo gỡ ngay. Chúng ta còn nhiều cơ hội để chuẩn bị hội nhập cho năm 2016, nhưng nếu không làm nhanh, không nâng cao được năng lực cạnh tranh của DN thì hội nhập sẽ rất khó khăn. Những chính sách gì trước khi hội nhập giúp cho những “đứa con” của chúng ta ra biển lớn là phải làm ngay, làm cho nhanh.

Nghĩa là quá trình CPH sẽ giúp DN “khởi động” tốt hơn trong hội nhập?

Quá trình CPH làm tốt thì không chỉ là CPH bao nhiêu phần trăm vốn mà vấn đề ở đây là thay đổi mô hình quản lý, quản trị DN. Rõ ràng chúng ta thấy những DN đã CPH đem lại lợi nhuận cho Nhà nước rất nhiều thông qua cổ tức nộp về ngân sách.

Khi thay đổi mô hình quản trị, DN làm ăn hiệu quả hơn và khi gắn CPH với việc bắt buộc DN niêm yết trên sàn thì tự động DN phải minh bạch. Tính minh bạch đó làm DN hoạt động tốt hơn và phải làm ăn hiệu quả hơn. Giá cổ phiếu phản ánh quá trình ngược lại của CPH DN. Mô hình CPH là mô hình công ty cổ phần sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Nếu đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu này còn đẩy mạnh hiệu quả của DN, DN có lợi nhuận sẽ giúp tăng thu ngân sách.

Vậy cần phải làm gì nữa để đẩy nhanh quá trình này, thưa ông?

Trong thời gian qua, quá trình CPH vướng chỗ nào Chính phủ đã tháo chỗ đó, nhưng vấn đề là nhiều yếu tố vĩ mô hiện nay như thị trường vốn, nhập siêu ảnh hưởng đến tỷ giá… tác động đến tiến độ của quá trình. Tôi nghĩ rằng tiến độ CPH chậm là do yếu tố bên ngoài nhiều hơn là yếu tố chủ quan bởi Chính phủ đã làm rất quyết liệt rồi.

Xin cảm ơn ông!

Về tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu của 108 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước: Tính đến hết quý I, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương phê duyệt đề án tái cơ cấu của tổng công ty Nhà nước trực thuộc.

Về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN: Tính đến hết quý I cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 DN, trong đó cổ phần hóa 4.237 DN. Giai đoạn 2014-2015, theo kế hoạch sắp xếp đã được duyệt thì cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN. Trong năm 2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 DN, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó, cổ phần hóa 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013. Trong quý I, cả nước đã cổ phần hóa 29 DN (trong đó có 3 tổng công ty Nhà nước và 26 DN).

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các DN thực hiện.

Trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa; một số tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đã xây dựng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

(Trích Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII)

Hồ Huệ

hải quan

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Hà Lan muốn mua 70% cổ phần của Đóng tàu Sông Cấm (27/06/2015)

>   Thị trường dầu ăn đang 'sôi' (27/06/2015)

>   Gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng cao cấp (27/06/2015)

>   TS Phạm Duy Nghĩa: “Nếu chúng ta nói rõ cái gì của ai thì đất nước đã khác” (27/06/2015)

>   450 triệu USD xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc (26/06/2015)

>   Hậu FTA: Doanh nghiệp nếu bị kiện cũng không nên sợ hãi! (26/06/2015)

>   FDI giải ngân tăng mạnh, ngành bất động sản thu hút nhiều vốn ngoại (26/06/2015)

>   1,3 triệu cửa hàng bán lẻ VN giữ "quyền lực" thị trường (26/06/2015)

>   Hiệp định TPP: Nước nào có lợi? (26/06/2015)

>   Kiến nghị bỏ thủ tục đăng ký xuất khẩu cá tra (26/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật