Mất vốn, K+ nguy cơ bị DN Pháp thâu tóm
Trong liên doanh K +, Canal Plus vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà cung cấp bản quyền phát sóng giải bóng đá, vừa là chủ nợ và cũng là nhà bảo lãnh các khoản vay của K +. Với 4 vai trò đó, khi lỗ đến âm vốn, toàn bộ tài sản VTV/VCTV có vốn Nhà nước ở K + có nguy cơ lọt vào tay DN Pháp.
* K +: Độc quyền vẫn lỗ ngàn tỷ
Chơi trội: Độc quyền với "gà nhà"
Với fan hâm mộ thể thao và theo sát đường đi nước bước của thương hiệu K +, những khoản lỗ khủng, nợ nần, âm cả vốn chủ sở hữu không phải là điều lạ.
Dường như, đó là một sự cố tình đầy ẩn ý của ông chủ đầu tư.
Tháng 6/2013, giám sát tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tại các đơn vị thuộc Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Bộ KHĐT đã có công văn nhắc nhở "VTV cần chỉ đạo VSTV (tức K +) có giải pháp để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới". Ngay tại thời điểm đó, Bộ KHĐT đã nắm được thông tin, số lỗ luỹ kế tính đến hết năm 2012 của K+ vào khoảng 1.300 tỷ đồng, tương ứng 65 triệu USD. Tới lúc này, vốn chủ sở hữu của K+ cũng đã âm 955 tỷ đồng.
Thế nhưng, thay vì tìm cách cắt lỗ, tái cơ cấu để hoạt động lành mạnh hơn, K+ lại chi ngay 40 triệu USD để mua độc quyền ba năm bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh ngày thứ 7 và Chủ nhật. Khoản đầu tư khủng đó chiếm 74% tổng vốn đầu tư (54 triệu USD ), gấp đôi vốn điều lệ (20,1 triệu USD) và đặc biệt, nó lớn bằng 61% khoản lỗ luỹ kế trên.
Trong liên doanh K +, Canal Plus vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà cung cấp bản quyền phát sóng giải bóng đá, vừa là chủ nợ và cũng là nhà bảo lãnh các khoản vay của K +.
|
Vì vậy, K+ chỉ có một kết quả duy nhất là lỗ ngày càng sâu và cán mốc âm 1.900 tỷ vào năm 2014. Điều này giống như một chiến lược dài hạn, thay vì đơn thuần là kết quả kinh doanh không mong muốn của liên doanh K +.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là, vì sao đã lỗ nặng như vậy, K+ vẫn tiếp tục chơi trội một cách hoành tráng? Nhà đầu tư lấy đâu ra nguồn lực để nuôi báo cô con cưng K +, hay đây là chiêu "nuôi quân 3 năm dùng 1 giờ"của Canal Plus?
Đây cũng là năm mà VTV cùng với hàng loạt đơn vị con của mình gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Thông tin truyền thông phản đối việc các nhà mạng như Vietel, FPT, VNPT tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền.
Trao đổi với VietnamNet, luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng văn phòng luật sư Công lý Hà Nội nhận định: Trong phi vụ hợp tác với với Canal + ở đây, VTV như đã cõng rắn cắn gà nhà (thay từ này đi, nặng quá). Bởi như ở vụ mua bản quyền giải bóng đá, VTV với cái danh là đài quốc gia trung ương, khi được Chính phủ giao đàm phán mua bản quyền phát sóng, đã loại ngay VTC và FPT khỏi cuộc chơi. Đến khi mua được bản quyền, VTV giao lại luôn cho đứa con lai Pháp K + độc quyền. Toàn bộ các đài truyền hình còn lại nếu muốn phát giải đấu hay này, chỉ còn cách buộc phải mua sóng qua K +, kể cả chính VTV. Giới hâm mộ bóng đá ở Việt Nam cũng bắt buộc phải mua thiết bị, gói cước giá cao nếu muốn xem trận đấu hay, vì VTV không phát.
Nguy cơ bị thâu tóm
Chưa rõ, VTV được lợi ra sao khi trợ giúp đắc lực cho K+ có lợi thế độc quyền như vậy, nhưng nhìn vào bức tranh tài chính hiện nay, nguy cơ nhà đài quốc gia mất trắng tài sản vào tay Tập đoàn Pháp là có thể xảy ra.
Các chuyên gia phân tích tài chính chia sẻ với VietNamNet, 51% mà VTV/VCTV sở hữu ở K + với giá trị 173 tỷ đồnglà được tính bằng giá trị chuyển giao toàn bộ thiết bị truyền dẫn qua vệ tinh DTH, đồng thời là toàn bộ quyền lợi ở hợp đồng với vệ tinh Vinasat của VTV. Ngoài ra, VCTV còn chuyển giao toàn bộ 100.000 thuê bao tại thời điểm thành lập K + để đủ số vốn góp trên.
Để có tiền chơi trội, K + cũng phải vay tới 34 triệu USD các ngân hàng và đối tác và dẫn tới tình trạng vốn mỏng như hiện nay.
Song, đáng chú ý nhất là ngoài việc vay ANZ, HSBC, chủ nợ của K + cũng chính là Tập đoàn Canal plus.
Theo nguồn tin của VietNamNet, Công ty mẹ tại Pháp đã bảo lãnh cho khoản vay này và số dư nợ của K + còn lại đến hết 31/12/2014 và phải trả trong năm 2015 đối với chủ nợ Canal International Development là hơn 203 tỷ đồng, chiếm gần 18% trong tổng nợ ngắn hạn của K+.
Cũng trong năm 2014, K + đã phải trả 23 tỷ đồng cho chính ông chủ sở hữu của mình, chiếm 30% toàn bộ chi phí trả lãi vay.
Chưa hết, Canal cũng là đối tác lớn trong các giao dịch liên kết của K +. Cụ thể, chính Công ty Canal Overseas, đơn vị con của Tập đoàn Canal Plus lại là đối tác cung cấp bản quyền giải bóng đã và phí kỹ thuật trong mua giải với tổng giá trị tới 841 tỷ đồng, cung cấp phần mềm CGA 2013-2014 với giá trị 16 tỷ đồng. Toàn bộ khoản tiền trên lên tới 861 tỷ đồng là một nguyên nhân lớn đẩy chi phí sản xuất hoạt động của K + lên cao, khi chiếm tới 63%.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về giá chuyển nhượng khẳng định, Canal đóng nhiều vai trò như vậy, vừa là chủ sở hữu, vừa là chủ nợ cho vay, người bảo lãnh vay và lại là kẻ đứng ra cung cấp dịch vụ bản quyền bóng đá cho K + thì thực hiện chuyển giá rất dễ có cơ hội xảy ra.
Nếu chuyển giá, ngân sách Việt Nam bị thất thu thuế đã đành, nghiêm trọng hơn, K + rất dễ bị thâu tóm vào tay người Pháp.
Hiện nay, đây là chiêu thâu tóm phổ biến của nhiều đại gia ngoại vào Việt Nam. Các ông lớn này vào liên doanh với đối tác Việt Nam, có được quyền sử dụng đất và ban đầu là kê khai lỗ. Đến lúc lỗ quá thì xin tăng vốn điều lệ, nếu không tăng vốn, công ty phải phá sản và theo luật hiện nay, toàn bộ tài sản của công ty sẽ phải được ưu tiên cho các chủ nợ. Các khoản nợ cũng có thể sẽ được chuyển thành vốn góp.
Vị chuyên gia này tính toán, nếu chỉ tính khoản nợ ngắn hạn 203 tỷ, sở hữu của Tập đoàn Canal Plus ở K + đã lên tới 374 tỷ đồng, bằng 110% so với vốn điều lệ.
Điều đáng lo ngại nhất vốn góp của VTV/VCTV lại bằng tài sản truyền dẫn vệ tinh..., là vốn Nhà nước nên nguy cơ vốn Nhà nước bị mất cả vào tay đại gia truyền thông Pháp hoàn toàn có thể xảy ra. Đến lúc đó, trách nhiệm gây mất vốn của VTV là không nhỏ.
Thông thường, theo nguyên tắc quản lý, khi xảy ra tình trạng lỗ triền miên, nguy cơ mất vốn như vậy thì chủ đầu tư như VTV/VCTV sẽ phải có ý kiến với K + và lên kế hoạch cứu vãn. Bởi câu chuyện này gắn bó mật thiết với trách nhiệm sử dụng hiệu quả phần vốn Nhà nước của VTV.
Phạm Huyền
vietnamnet
|