Thứ Sáu, 22/05/2015 09:23

Có cần thiết xây dựng giá sàn cho truyền hình trả tiền?

Như đã thông tin, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPAY TV) đã trình cơ quan quản lý nhà nước đề án xây dựng đơn giá truyền hình trả tiền (THTT) để làm cơ sở ban hành quy định về đơn giá thuê bao với dịch vụ này. Sau khi VNPAY TV trình đề án này, dư luận cho rằng, Hiệp hội THTT đang tìm cách tăng giá...

Truyền hình trả tiền: Sau hơn 20 năm, vẫn loay hoay ở giai đoạn quá độ

Trong đề án, Hiệp hội THTT chia đơn giá THTT ở các lĩnh vực giá cước với từng phương thức truyền dẫn. Cụ thể, truyền hình analog có 2 mức giá gồm: Kênh cơ bản (40-45 kênh gồm 20 kênh thiết yếu, một số kênh thể thao, phim truyện nước ngoài) giá cước 60.000-65.000 đồng/tháng/thuê bao; kênh cơ bản gồm 65 đến 72 kênh giá cước 90.000 đồng/tháng/thuê bao. Kênh HD với 110-120 kênh có giá từ 180.000 đến 220.000 đồng/tháng. Với kênh số mặt đất và số vệ tinh, giá đề xuất các mức 65.000 đồng/ tháng, 90.000 đồng/tháng, 250.000 đồng/tháng. Các gói kênh với dịch vụ truyền hình IPTV được đưa ra mức 85.000-90.000 đồng/tháng/ thuê bao.

Quy định giá sàn là cách giúp các nhà đài đủ nguồn lực để đầu tư, sản xuất các chương trình có chất lượng

Như vậy, theo đơn giá mới đề xuất này, mức cước thấp nhất là 60.000 đồng/tháng/thuê bao với thuê bao analog. Song, trên thực tế hiện nay, ở gói cước analog này trên thị trường được các "nhà đài" đưa ra với mức giá cao hơn. Cụ thể với SCTV mức thấp nhất là 80.000 đồng/tháng (kênh SD), cao nhất là 158.000 đồng/tháng với kênh HD. VTVcab đang áp dụng mức cước 110.000 đồng/tháng ở Hà Nội và 88.000 đồng/tháng ở nhiều tỉnh, thành khác; kênh HD có giá 160.000 đồng/tháng. Truyền hình Cáp Hà Nội (HCaTV) và Truyền hình Cáp TP Hồ Chí Minh (HCTV) đang áp dụng mức giá 110.000 đồng/tháng và 160.000 đồng/tháng cho dịch vụ truyền hình số HD. Và nếu căn cứ với đơn giá mà đề án đưa ra, thì mức cước cơ bản của dịch vụ truyền hình analog mà các nhà cung cấp truyền hình đang áp dụng đều cao hơn mức giá sàn 15.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đơn giá đề xuất với truyền hình HD lại cao hơn 20.000-60.000 đồng/tháng.

Hiện, việc cung cấp gói HD đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà đài SCTV, VTVCab, nên các nhà đài này thực hiện khuyến mãi tặng thêm tháng sử dụng, do vậy mức giá thường thấp hơn nhiều so với công bố. Đó là còn chưa kể đến các giá trị của các đợt khuyến mãi như tặng, giảm giá đầu thu HD, tặng kèm bia, sữa…, do vậy ước tính thực tế khách hàng chỉ phải trả mức thuê bao thấp nhất chỉ 40.000-100.000 đồng/tháng. Với dịch vụ truyền hình IPTV được đưa ra mức 85.000-90.000 đồng/tháng. Hiện, cả 3 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV là VNPT, Viettel và FPT đều có mức cước tương đương hoặc cao hơn mức giá sàn (5.000-10.000 đồng) nên về cơ bản khách hàng của các nhà cung cấp này sẽ không bị ảnh hưởng.

Riêng với khách hàng đang xem gói kênh của Truyền hình An Viên (AVG) sẽ bị ảnh hưởng, nếu đơn giá này được áp dụng. Vì, hiện AVG cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất thu phí với mức cước rất thấp chỉ 20.000 đồng/tháng, trong khi giá sàn được đề xuất là 65.000 đồng/tháng. Được biết, Truyền hình An Viên có khoảng 50.000 thuê bao truyền hình số mặt đất và theo như đề xuất, thì những thuê bao này trong tương lai phải chịu mức phí cao hơn.

Tuy nhiên, sau khi trình cơ quan quản lý nhà nước, có thông tin cho rằng khó quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền, bởi dịch vụ này không nằm trong danh mục các dịch vụ thiết yếu cần phải bình ổn giá và định giá theo quy định của pháp lệnh về giá. Bởi, nếu vận dụng cách quản lý giá dịch vụ theo mô hình của thị trường viễn thông sẽ vướng về mặt pháp lý. Do vậy, nếu muốn áp dụng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong nhiều lần trao đổi với báo chí, lãnh đạo Hiệp hội THTT Việt Nam đều cho biết, hiện tại giá cung cấp dịch vụ THTT là ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN, cụ thể đơn giá thuê bao THTT ở Việt Nam đang ở mức 4-5USD/ thuê bao/tháng trong khi các nước khu vực ở mức từ 10 USD đến trên 30USD/thuê bao/tháng. Do vậy, VNPAY TV cho rằng cần phải xây dựng đơn giá THTT trên cơ sở bảo đảm không thấp hơn giá thành để tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, với lĩnh vực THTT lại có đặc điểm là chi phí cho đầu tư, sản xuất chương trình, cho chi phí mua bản quyền (tạm gọi là đầu tư cho chất xám) chỉ có tăng mà không giảm - đó cũng là khác biệt với viễn thông. Ngoài ra, việc quy định giá sàn cũng là cách để giúp các nhà đài đủ nguồn lực để đầu tư, sản xuất các chương trình có chất lượng.

Việt Nga

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp mong lãi suất dài hạn về 9% (22/05/2015)

>   VASEP muốn nâng hàm ẩm trong cá tra lên tối đa 84,1% (22/05/2015)

>   Việt Nam đổi tỏi, ớt lấy ô tô Hàn Quốc (22/05/2015)

>   Jetstar lần đầu kinh doanh có lãi, tăng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (21/05/2015)

>   Khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động tài chính vi mô (21/05/2015)

>   Doanh nghiệp lại kêu thuế nhà thầu (21/05/2015)

>   Chè xuất khẩu bị từ chối: Hệ lụy từ những bất cập (21/05/2015)

>   Phát triển công nghiệp ôtô: “Nút thắt” từ chính sách thuế? (21/05/2015)

>   Taxi tại Hà Nội chính thức tăng giá cước (21/05/2015)

>   Xuất khẩu dăm gỗ: Khi nào áp thuế xuất khẩu? (21/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật