Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Đi trước, về đích trước
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, TP. Hồ Chí Minh hiện nay là trung tâm kinh tế lớn nhất nước và quy mô mang tầm khu vực. Sự đổi thay của thành phố mang tên Bác không sinh ra từ phép màu mà đến từ những cách làm mang tính đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Những ai từng sống ở Sài Gòn ngay sau giải phóng mới cảm nhận được hết những gian khổ của người dân thời ấy, để từ đó chia sẻ hết ngọt bùi với những thành quả mà cuộc sống hôm nay đã đạt được.
TP. Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế lớn của cả nước
|
Sau ngày 30/4/1975, Sài Gòn không còn tiếng bom, tiếng súng nhưng vẫn còn là một bãi chiến trường với dày đặc hố bom mìn, đất đai hoang hóa đan kín dây kẽm gai. Năm 1975, vùng ngoại thành có 45.000 ha đất trồng trọt, sản lượng lúa chỉ đạt 95.000 tấn. Đất chật người đông, năng suất thấp, vụ mùa thất bát nối đuôi nhau, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám người dân. Để “phục hóa” diện tích 70.000 ha đất đưa vào sản xuất lương thực nhằm cứu đói cho dân, trong suốt 5 năm (1975 - 1980), bộ đội công binh, dân quân đã vất vả tháo gỡ 128.000 quả bom mìn, gần 2.000 tấn đạn dược nằm sâu trong lòng đất.
Điện thiếu, nước sinh hoạt cũng thiếu, các hoạt động công thương nghiệp của TP. Hồ Chí Minh cũng bị đình đốn, hàng hóa nhu yếu phẩm sản xuất không đủ để phục vụ người dân. Vào thời điểm ấy, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, mắm muối, quần áo, chất đốt người dân phải xếp hàng mua bằng tem phiếu nhưng cái ăn cái mặc và sự túng thiếu luôn âm ỉ trong từng giấc ngủ của nhiều người.
Sau 40 năm giải phóng, nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng TP. Hồ Chí Minh ngày nay hiện đại, khang trang đã từng trải qua một thời “gạo châu củi quế” và đói kém bao phủ.
Ông Lê Hoàng Quân- Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh- khẳng định, TP. Hồ Chí Minh hiện nay có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội.
Mặc dù chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước, nhưng năm 2014 TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp 21,7% GDP; 30,3% tổng thu ngân sách nhà nước; 29,8% khu vực dịch vụ; 29,8% khu vực công nghiệp - xây dựng; 21,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu; 20,7% giá trị kim ngạch nhập khẩu, 22,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; mức thu nhập bình quân của người dân đạt 5.131 USD, bằng 2,5 lần của cả nước.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, đúng hướng, kinh tế của TP. Hồ Chí Minh phát triển với tốc độ cao và không ngừng lớn mạnh. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2014 đạt hơn 40 tỷ USD, gấp 7,5 lần so với năm 2000; bình quân cứ sau 5 năm GDP của thành phố tăng lên gấp đôi. Hiện TP. Hồ Chí Minh có trên 140.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể; có 5.331 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 36,65 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Thành phố còn có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp chiếm 3.748 ha.
Thời mới giải phóng người dân dùng gạch xếp hàng mua gạo, muối, nước tương, than củi thì hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại với 37 trung tâm mua sắm, 175 siêu thị, 240 chợ truyền thống và 723 cửa hàng tiện lợi.
Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, hàng hóa dịch vụ ở TP. Hồ Chí Minh đã phát triển khá hơn song tình trạng găm hàng, sốt giá, đầu cơ vẫn tồn tại. Ngày nay tình trạng thao túng thị trường hàng hóa của tư thương hầu như đã chấm dứt nhờ công tác kiểm soát thị trường được thực thi quyết liệt và chương trình hàng bình ổn giá được phát huy sâu rộng trong dân chúng.
Với tinh thần “Vì cả nước cùng cả nước” và phương châm “Đi trước, về đích trước”, TP. Hồ Chí Minh nỗ lực phấn đấu để kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp lớn hơn vào tổng thu ngân sách và quy mô kinh tế chung của cả nước.
Ông Lê Văn Khoa- Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết, chương trình hàng bình ổn là một kênh hoạt động thương mại quan trọng của thành phố, đóng góp tích cực vào việc kiểm soát và điều tiết về giá. Hiện tại lượng hàng bình ổn rất dồi dào, chi phối 20 - 45% thị trường với 9.000 điểm bán trên toàn thành phố. Hàng bình ổn không chỉ là kênh mua sắm hàng chất lượng, giá cả phù hợp của người dân mà sắp tới sẽ còn được xuất khẩu để làm tăng thêm giá trị của hàng Việt.
Những năm gần đây, kinh tế của thành phố phát triển theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng. Năm 2014, GDP của dịch vụ chiếm tỷ trọng 59,6%, tăng 7% so với năm 2000; khu vực nông nghiệp chiếm 1%, giảm 0,9% so với năm 2000 cho thấy, thành phố từng bước khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế về dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hoạt động kinh tế của TP. Hồ Chí Minh luôn đổi mới, sáng tạo và mang tính đột phá. “TP. Hồ Chí Minh hiện đang đóng vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, khoa học và công nghệ, đầu mối xuất nhập khẩu, đồng thời là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất nước. Nhưng để đạt được mục tiêu này, rõ ràng chính quyền và nhân dân thành phố phải có những quyết sách mới, hiệu quả trong giao thương, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng chính quyền minh bạch, được vận hành bằng tư duy đổi mới, hiện đại”- bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Trần Thế
công thương
|