Lao động trong hội nhập: Thừa số lượng, thiếu chất lượng
Mặc dù được xem là nước có "dân số vàng,” song không ít chuyên gia thẳng thắn cho rằng, lao động Việt Nam sẽ bị thua trên sân nhà khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời.
Tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp, kỹ năng nghề nghiệp yếu, tác phong thiếu chuyên nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và trình độ hiểu biết về pháp luật quốc tế còn hạn chế… là những điểm yếu của lực lượng lao động Việt Nam được các chuyên gia đề cập đến.
(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)
Dân số vàng liệu có là cơ hội vàng?
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia lại đưa ra cảnh báo trên, bởi theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 48 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng số lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 30%. Nhìn một cách tổng thể, số ít lao động Việt Nam hiện đủ khả năng làm chủ các công nghệ mới.
Bên cạnh đó, chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam chủ yếu vẫn là nông nghiệp, nên tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%.
Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho biết, hiện có khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Các lĩnh vực khác được đào tạo thì trình độ chưa cao, khả năng ngoại ngữ rất kém. Chất lượng nguồn nhân lực không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp đang thực sự là một cảnh báo.
Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 so với Malaysia và 2/5 Thái Lan và 1/15 lao động Singapore.
Trong một nghiên cứu mới đây của ILO/ADB với tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung,” các chuyên gia của ILO và ADB cho rằng, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại…
Đây là một trong những lý do khiến năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất châu Á.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, lao động Việt Nam có lợi thế trẻ, nằm trong cơ cấu “dân số vàng” (tỷ lệ lao động 18-45 tuổi chiếm số lượng lớn) - đây là cơ cấu dân số mà nhiều nền kinh tế đang mơ ước.
Tuy nhiên, lao động Việt Nam thường bị chê rất nhiều về ngoại ngữ cùng các kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Cùng với đó, nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn.
Việt Nam đang rất thiếu những nhà quản lý doanh nghiệp Việt tài giỏi đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khu vực. Đội ngũ lao động được đào tạo nghề trong những năm qua phần lớn chỉ được chú trọng vào đào tạo chuyên môn cứng, khả năng làm việc độc lập trong khi hội nhập đang cần các kỹ năng toàn diện hơn.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập.
Bên cạnh đó, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế. Ngoài ra, tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp chưa tốt cũng là điểm yếu khó cạnh tranh khi thị trường lao động được mở cửa.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, nếu lao động Việt Nam không sớm khắc phục tình trạng năng suất kém, việc dạy và đào tạo các trường dạy nghề chưa theo sát trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực, lao động Việt Nam rất khó để cạnh tranh trong sân chơi khu vực hóa lao động, gia tăng lợi thế của mình và nguy hiểm hơn đánh mất thị trường và cơ hội làm việc ngay tại quê nhà.
Cấp thiết nâng cao chất lượng lao động
Theo các chuyên gia của ILO và ADB, Việt Nam cần gấp rút cải thiện chất lượng của nền giáo dục và đào tạo ở các trường trung học phổ thông và dạy nghề.
Điều này nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh chóng cho nhóm lao động kỹ năng trung bình khi AEC chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và năng suất lao động trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần kết nối các chính sách phát triển ngành và các chính sách việc làm nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.
Các giải pháp này sẽ có hiệu quả hơn nếu gắn liền với các sáng kiến nhằm tăng cường dịch vụ và tư vấn việc làm, các chương trình việc làm công nhằm vào các nhóm yếu thế, và sự hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Sơn cho rằng, để tiến bước vào AEC, Việt Nam cần phải đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Có nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật công nghệ hiện đại, trình độ quản lý chuyên nghiệp và hiểu biết thị trường lao động các nước, chắc chắn Việt Nam sẽ chủ động và thành công trong quá trình hội nhập.
Theo đó, giải pháp đột phá là đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh và nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong ASEAN.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, muốn giữ chân người lao động cần phải có chế độ chính sách phù hợp trong thu nhập, sử dụng và đãi ngộ trong đào tạo bồi dưỡng, tạo cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo để nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
VIETNAM+
|