Xuất khẩu mất dần lợi thế (*): Lợi nhuận teo tóp
Dù xuất khẩu với kim ngạch tỉ đô nhưng khi hỏi về lợi nhuận, doanh nghiệp ngành nào cũng lắc đầu nói: “Teo tóp!”
Theo các doanh nghiệp (DN), đơn hàng vẫn có, thậm chí nhiều hơn vài năm trước nhưng đơn giá không tăng bao nhiêu, trong khi hàng loạt chi phí đầu vào cứ đều đặn tăng.
Gia công “nắm dao đằng lưỡi”
Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, cho biết giá xuất khẩu gần như không tăng nhưng hàng loạt chi phí đầu vào như lương cơ bản, chi phí nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển đều tăng khiến lợi nhuận DN ngày càng teo tóp, nhất là những DN làm gia công. Muốn có thêm giá trị gia tăng, DN phải chuyển sang làm FOB nhưng không đơn giản, bởi khách hàng ngành da giày mang tính chất toàn cầu và họ liên kết từ khâu thiết kế, nguyên phụ liệu đến xuất khẩu.
Xuất khẩu đồ gỗ là thế mạnh của Việt Nam nhưng hơn 50% kim ngạch hiện thuộc về doanh nghiệp FDI Ảnh: TẤN THẠNH
“Đa phần khách hàng nhập khẩu cũng là cổ đông lớn của các DN sản xuất những khâu này. Mình làm gia công, muốn xen vào không dễ bởi họ thường chỉ định nơi mua nguyên phụ liệu, thậm chí giá cao cũng phải mua. Lợi nhuận rất èo uột. Ngay một số DN làm theo giá FOB, vật tư cũng do khách hàng chỉ định” - bà Liên dẫn chứng.
Giám đốc một công ty may xuất khẩu tại TP HCM bi quan cho biết trong lúc ai cũng nhận định dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết thì một số DN dệt may trong nước lại “đi giật lùi” vì bị cạnh tranh quá gay gắt. Ngay chuyện hàng loạt DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam mở nhà máy may xuất khẩu rồi cạnh tranh về đơn hàng, lao động khiến DN trong nước cũng bắt đầu mệt. “Một số DN nhỏ từng có khoảng 1.100 lao động nay còn 1.000 người, chưa đến mức co cụm nhưng xu hướng đầu tư chững lại” - vị giám đốc này nói.
Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn (GMC), ngay trong nội bộ ngành may cũng cạnh tranh rất gay gắt mà phần thiệt có thể thuộc về các DN nội. Trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu dệt may hiện nay, khoảng 70% thuộc về DN FDI, khối DN trong nước chỉ chiếm 30% và đến 85% số lượng DN dệt may nội địa làm gia công nên “tiền tươi thóc thật” được hưởng là không bao nhiêu.
Trong khi đó, nhiều chính sách của nhà nước lại ủng hộ DN FDI và thiệt thòi cho DN trong nước. Chẳng hạn, chính sách thuế áp dụng cho hàng xuất khẩu của FDI là 0%, các giá trị gia tăng đầu vào đều được khấu trừ, còn DN nội địa bán hàng trong nước phải chịu thuế cao nên khó cạnh tranh.
“Gia công thì DN không chết được nhưng một nền kinh tế mà đa phần DN chỉ gia công thì làm sao phát triển, làm sao công nghiệp hóa và hiện đại hóa? Nguy hiểm hơn, gia công cả trong lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam: từ con giống, thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi hiện đều phải nhập khẩu. Nông dân và DN tự làm thuê trên đất nước mình, chỉ lấy công chăm sóc” - chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh lo ngại.
Muốn tự thân cũng khó
Biết gia công lợi nhuận thấp, bị “vặt đầu chặt đuôi” nhưng các DN làm gia công hàng xuất khẩu trong ngành dệt may, da giày hoặc đồ gỗ chưa có hướng ra. Chẳng hạn, lợi nhuận của ngành da giày khâu sản xuất (nhất là các DN làm gia công) chiếm chưa tới 10%, trong khi khâu phân phối chiếm tới 30%-35%.
Bà Trương Thúy Liên phân tích: Muốn đạt nhiều giá trị gia tăng, DN phải có thương hiệu riêng, đảm nhận từ khâu thiết kế đến nguyên phụ liệu và bán thành phẩm nhưng thương hiệu của Việt Nam lại rất khó bán. Ngay việc xây dựng vùng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày đến nay vẫn là dự án nằm trên giấy.
“Hiệp hội nhiều lần đề xuất nhưng qua bao nhiêu cuộc họp rồi... lại thôi, DN tiếp tục cầm cự qua ngày. Nay với các FTA, đầu tư nước ngoài vào cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là nguồn lao động. Hiện chỉ còn trông chờ vào khối DN FDI mở rộng vùng nguyên phụ liệu ở Việt Nam thì DN trong nước mới mạnh dạn thay đổi cơ cấu từ gia công chuyển sang FOB” - bà Liên kỳ vọng.
Tại sao vừa vào Việt Nam xây nhà máy, DN FDI đã có đơn hàng, có khách “sộp” để kích nền kinh tế? Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Gỗ xuất khẩu Mifaco, đặt vấn đề và tự trả lời: “Túi tiền” của họ nằm ở công ty mẹ nên họ dùng đủ mọi cách cắt bớt lợi nhuận để chuyển về công ty mẹ và nộp thuế ít hơn. Ngược lại, không mạnh dạn đầu tư vào máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ là nguyên nhân khiến DN trong nước hụt hơi ngay trên sân nhà. DN FDI hằng năm đều trích một khoản từ lợi nhuận để đầu tư máy móc, nâng cao năng suất nên việc chênh lệch khoảng cách giữa DN trong nước và FDI ngày càng lớn.
Cần chiến lược hỗ trợ dài hơi
Nhiều DN xuất khẩu thừa nhận để đuổi kịp khối DN FDI rất khó bởi thực tế, không nhiều DN dám mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra đột phá. DN FDI đã ở rất xa so với DN trong nước, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, như lãi suất ưu đãi thì sẽ rất khó tạo đòn bẩy cho DN.
Theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, nếu không có chiến lược hỗ trợ các DN trong nước nâng cao kiến thức về công nghệ của mình thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút nguồn vốn FDI kỹ thuật cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Phạm Xuân Hồng cho rằng các DN phải ngồi lại với nhau tìm phương án liên kết, hợp tác để nâng sức cạnh tranh. Chẳng hạn, liên kết giữa nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước với các nhà sản xuất may mặc, liên kết trong việc triển khai những đơn hàng để nhận đơn hàng lớn hơn.
|
Ngoại tệ chảy đi đâu?
Theo chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, khối DN FDI chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP. Hàm lượng giá trị gia tăng của khối này đem lại cho nền kinh tế không cao và chúng ta chủ yếu xuất khẩu hộ. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại, máy tính, hàng điện tử, dệt may, da giày thì đều xuất khẩu giùm hoặc Việt Nam chỉ tham gia sản xuất ốc vít, bao bì, vỏ nhựa.
|
Thái Phương
người lao động
|