Chủ Nhật, 03/05/2015 22:12

Các giải pháp tăng tốc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

 

Trong báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, theo kế hoạch năm 2015, cả nước phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước.

 

Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Nhưng hết quý I mới có 27 doanh nghiệp nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và thoái vốn.

 

Như vậy, trong 9 tháng còn lại của năm 2015 sẽ phải cổ phần hóa 262 doanh nghiệp nữa. Đây là một áp lực rất lớn khi trung bình mỗi ngày phải cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp.

Vấn đề được đặt ra là để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có thể về đích thành công năm 2015 thì cần phải có những giải pháp như thế nào?

Để giải đáp vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính.

- Thưa ông, xin ông cho biết một số kết quả cơ bản trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong thời gian qua?

Ông Đặng Quyết Tiến: Từ tháng 2/2014, bắt đầu từ buổi gặp gỡ với các tập đoàn tổng công ty và các bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa mục tiêu trong hai năm 2014-2015, chúng ta sẽ cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.

Đến nay, hết quý I năm 2015, chúng ta đã cổ phần hóa được 172 doanh nghiệp, tức đã đạt 1/3 chỉ tiêu. Trong đó, năm 2014 đã cổ phần hóa 143 doanh nghiệp và 29 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa trong quý I/2015 và 27 doanh nghiệp được IPO.

Với kết quả như vậy, chúng ta thấy có những tiến triển tốt trong 2 năm 2014, 2015 so với các năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra. Tất nhiên, quá trình cổ phần hóa có những bước đã khởi sắc hơn là chúng ta tập trung vào tập đoàn, tổng công ty lớn; người dân và các nhà đầu tư quan tâm hơn đến quá trình cổ phần hóa.

- Thưa ông, còn có những ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả khả quan, một lĩnh vực thực hiện cổ phần hóa vẫn chậm trễ. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu?

Ông Đặng Quyết Tiến: Có 3 nhóm nguyên nhân gây chậm. Thứ nhất, quý I năm 2015 chậm là do cuối năm 2014, đầu 2015 là giai đoạn các doanh nghiệp phải tập trung hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo đời sống cũng như xử lý các vấn đề khác sau một năm hoạt động.

Thứ hai, các doanh nghiệp đang cổ phần hóa là các tổng công ty, tập đoàn lớn quan trọng nên vấn đề xử lý tài chính tương đối phức tạp. Quá trình xử lý còn nhiều vướng mắc, dù chậm nhưng xử lý một cách quyết liệt. Thứ ba, theo các nhà đầu tư, một năm vừa qua chúng ta làm quyết liệt song tỉ lệ bán có vẻ hơi e dè nên các nhà đầu tư muốn tham gia mạnh hơn thì lại chưa được đáp ứng.

- Có ý kiến cho rằng, cổ phần hóa chậm do định giá quá cao, nhưng cũng có ý kiến lo ngại vì muốn đẩy nhanh cổ phần hóa mà định giá thấp hơn giá trị thực. Vậy chúng ta cần làm gì để đảm bảo quá trình định giá phù hợp với từng doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Vấn đề định giá là rất quan trọng, bởi định giá đúng, chính xác thì chúng ta mới đưa ra được các sản phẩm hàng hóa đảm bảo đúng theo yêu cầu và đúng theo chất lượng. Có chất lượng thì nhà đầu tư mới quan tâm. Định giá gồm mấy khâu, đầu tiên là công tác chuẩn bị, phải rà soát lại, kiểm kê, xác định, phân loại các khoản tài sản, công nợ để xử lý cho thấu đáo.

Thứ hai là các tư vấn định giá phải đảm bảo theo đúng thị trường, giá trị doanh nghiệp thế nào thì phải định giá như thế chứ không phải là vì một ý định này, hay một ý kiến chủ quan khác mà chúng ta tính giá nhiều lên để bán thu được nhiều tiền.

Thứ ba, khi chuẩn bị bán cổ phần, các sở giao dịch chứng khoán và các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để tìm các nhà đầu tư, quảng bá, giới thiệu để tìm được các nhà đầu tư chân chính, các nhà đầu tư cổ đông chiến lược. Vấn đề nữa, tỷ lệ bán cũng phải hợp lý thì các nhà đầu tư mới dám đầu tư vào.

- Liên quan đến việc thoái vốn, bán cổ phần tại các doanh nghiệp đến thời điểm này đã được thực hiện thế nào và những vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được giải quyết ra sao thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Thoái vốn là một việc tương đối khó khăn, bởi chúng ta biết trước đây giai đoạn trước 2011-2015 thì các tập đoàn, tổng công ty chúng ta đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành. Năm lĩnh vực đang được Đảng và Nhà nước yêu cầu phải thoái vốn đó là ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và các quỹ rủi ro.

Chính vì thế, lúc quyết định đầu tư, thị trường đang nóng nên đầu tư dễ. Đến nay, khi kinh tế đi xuống thì những đầu tư đó đã rủi ro rồi và dẫn đến nguy cơ bị mất vốn, thua lỗ nên các nhà đầu tư cũng phải cân nhắc khi mua, chuyển nhượng những khoản này.

Thời gian qua, các doanh nghiệp rất lúng túng bởi giữa nguyên tắc bảo toàn vốn, với nguyên tắc bán theo giá thị trường. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong năm 2014 ban hành các quy định để xử lý vấn đề này, quan trọng hiện nay là tổ chức thực hiện.

Thực ra, năm 2014, chúng ta đã thoái vốn được 6000 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với những năm trước. Tuy nhiên, có nguyên nhân do các doanh nghiệp, bộ ngành vẫn chưa làm quyết liệt nên việc thoái vốn vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

- Năm 2015 là thời hạn cuối thực hiện thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Thời gian không còn nhiều, trong khi nhiệm vụ còn hết sức nặng nề. Vậy theo ông cần phải làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Ông Đặng Quyết Tiến: Như chúng ta đã biết, quý I năm 2015 mới có 27/289 doanh nghiệp được cổ phần hóa, như vậy trong 9 tháng cuối năm phải hoàn thành cổ phần hóa 260 doanh nghiệp, tức 90% công việc. Để làm được công việc này, cơ chế chính sách, quyết tâm đã có rồi, chỉ còn việc tổ chức thực hiện.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, các bộ ngành phải tiếp tục quán triệt tư tưởng phải quyết liệt trong vấn đề cổ phần hóa. Chúng ta phải quán triệt như vậy để người dân đồng thuận rồi doanh nghiệp cũng hiểu và các bộ quyết liệt đưa ra kế hoạch cụ thể đối với từng doanh nghiệp thuộc bộ ngành quản lý.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với 260 doanh nghiệp còn lại, chúng ta phải chia ra các cấp, doanh nghiệp nào đã xác định giá trị doanh nghiệp xong rồi phải cổ phần hóa ngay, còn doanh nghiệp nào đang xác định thì phải dứt điểm sớm để trong quý III, doanh nghiệp nào mới thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa thì phải tiến hành gấp rút để làm sao quý IV chuyển doanh nghiệp sang cổ phần hóa và công khai minh bạch tiến độ thực hiện.

Vấn đề thứ hai là các bộ quản lý như Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo Đổi mới Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải sớm nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế, chính sách mà theo 3 luật vừa ban hành là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước, cũng như phối hợp với các bộ ngành khác phát hiện ra các vấn đề, tình huống phát sinh nằm ngoài các quy định hiện hành để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, các bộ ngành kịp thời xử lý.

Vấn đề thứ ba là công tác giám sát, giám sát phải chặt chẽ. Ban chỉ đạo Đổi mới Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải làm tốt công tác minh bạch, công khai để báo chí và người dân, cộng đồng xã hội giám sát thì mới đẩy mạnh được quá trình này, hoàn thành kế hoạch, như Thủ Tướng đã nói đó là sự nghiệp của toàn dân, phải để người dân làm thì mới thành công được.

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, bên cạnh sự tham gia của nhiều tập đoàn tư nhân trong nước vào quá trình này, thì cần phải tạo cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy chúng ta cần phải làm gì để có thể thực hiện được điều này trong thời gian tới thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Như chúng ta biết, nguồn lực trong dân có hạn, nguồn lực trong xã hội vô hạn, chúng ta cần có nguồn vốn của đầu tư nước ngoài. Để làm được điều đó, thứ nhất về thị trường phải cởi mở hơn.

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định về hướng dẫn Luật Chứng khoán, mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn. Thứ hai là đổi mới thủ tục hành chính trong vấn đề niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán. Đặc biệt là tạo cơ chế giám sát để hàng hóa cổ phần bán trên thị trường có chất lượng cao.

Vấn đề nữa là công tác tổ chức cổ phần hóa sẽ phải thay đổi, cách thức mời chào nhà đầu tư đến mua cổ phần ở phiên IPO sẽ phải mang tính cầu thị. Tức là không phải là treo hàng lên như cửa hàng để người ta đến mua, mà ta phải mang hàng hóa của mình đến giới thiệu với trực tiếp các nhà đầu tư thì mới tìm được các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư đủ tầm cỡ để tham gia thị trường. Đó là những giải pháp mà chúng ta phải làm.

- Xin cảm ơn ông./.

 

Đức Minh

vietnam+

Các tin tức khác

>   Thanh tra Chính phủ: Đề nghị giám sát dư nợ 1.699 tỷ đồng của Bitexco (03/05/2015)

>   Tháng 5, TP HCM cần 20.000 lao động (03/05/2015)

>   Làng “xuất ngoại” và những “trái đắng” chưa kể (02/05/2015)

>   Năm 2020 sẽ vượt kế hoạch 200km đường cao tốc (02/05/2015)

>   Thương hiệu toàn cầu có cần “quốc tịch”? (02/05/2015)

>   Xuất khẩu mất dần lợi thế (*): Lợi nhuận teo tóp (01/05/2015)

>   Đông Nam Á: Cuộc ganh đua khốc liệt trong bối cảnh hội nhập (01/05/2015)

>   Lao động trong hội nhập: Thừa số lượng, thiếu chất lượng (01/05/2015)

>   Đến 2019: EVN vẫn muốn giữ thế độc quyền? (01/05/2015)

>   Tổ máy 2 của Nhà máy điện Duyên Hải 1 hòa vào lưới điện quốc gia (01/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật