Thứ Ba, 19/05/2015 09:16

Khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long: Đang tầm thường hóa di sản thế giới

Hơn 20 năm kể từ ngày vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994), nhưng tư duy làm dịch vụ du lịch ở đây vẫn chưa thay đổi nhiều, và vẫn theo kiểu ăn đong. Thật ngạc nhiên giữa “thiên đường hạ giới” vẫn tồn tại những kiểu kinh doanh như ở chợ.

Bán từng xô nước ngọt

Trưa một ngày chủ nhật đầu tháng 5, một nhóm phóng viên các báo và du khách ghé qua bãi tắm Ti-tốp giữa vịnh để giải cơn nóng. 50.000 đồng/vé lên đảo có thể chấp nhận được, nhưng cách “moi” tiền của du khách một cách thô kệch khiến ai cũng phải lắc đầu.

Bãi tắm Ti-tốp. Ảnh: T.N.D

Đầu tiên là 20.000 đồng/lượt thuê một ngăn tủ chứa đồ trên đảo để tắm. “Đây là lần đầu tiên tôi thấy người ta cho khách thuê tủ chứa đồ như vậy” - một đồng nghiệp bức xúc. Nhiều người khóc dở mếu dở vì chỉ mang đủ tiền mua vé lên đảo, còn lại gửi hết trên tàu. Chưa hết, sau khi vùng vẫy sảng khoái trong làn nước biển trong xanh, du khách - cả nội và ngoại - xếp hàng dài đợi mua từng xô nước ngọt nhỏ để tắm. Giá mỗi xô là 15.000 đồng. Hình ảnh một nhân viên ngồi bên cạnh vòi nước, một tay cầm nắm tiền, tay kia vặn van xả nước vào những dãy xô xếp hàng dài khiến không ai hình dung đây là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. “Nếu không thể hào phóng miễn phí cho mỗi du khách một xô nước ngọt thì cũng nên nghĩ ra cách khác để thu tiền của du khách khéo hơn, chứ với cách làm thô như vậy, người ta đang góp phần “tầm thường hóa” di sản thế giới” - du khách Trần Đức Long (Hà Nội) ngán ngẩm - “Những việc làm như thế thật không xứng tầm với danh tiếng toàn cầu của vịnh Hạ Long.

Trở lại vịnh Hạ Long sau nhiều năm, một số phóng viên cho rằng, dịch vụ và cung cách phục vụ tại các điểm tham quan du lịch trên vịnh dường như không có sự thay đổi tích cực nhiều so với trước. Dọc cầu dẫn từ hang Sửng Sốt ra khu cầu neo đậu tàu du lịch, những lan can có chỗ mục nát, nhem nhúa, mất mỹ quan. Các hàng quán bán đồ mỹ nghệ và sản phẩm lưu niệm bố trí lộn xộn, chẳng khác mấy chợ tạm.

Cần sự chuyên nghiệp

Cách đây gần 1 năm, Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Tuần Châu có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc nhượng quyền khai thác vịnh Hạ Long. Hiện, Ban Quản lý vịnh Hạ Long vừa quản lý vừa kinh doanh dịch vụ trên vịnh. Thông tin này đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ các chuyên gia, trong đó có nhiều ý kiến không đồng tình, bởi lễ cần bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới nguyên trạng. Nhưng cũng nhiều ý kiến tán thành, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp cao và tăng doanh thu cho ngân sách.

Ông chủ một đội tàu nghỉ đêm trên vịnh (xin giấu tên) cho rằng, việc các DN bên ngoài có tiềm lực, hệ thống quản trị tốt và chuyên nghiệp tham gia khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ về hình ảnh di sản trong con mắt của du khách sau mỗi chuyến tham quan trở về. “Trước đây, du khách thường đến để tắm biển, thăm thú phong cảnh... Ngày nay, họ còn muốn đến đây nghỉ ngơi, tiêu tiền, vui chơi ở những dịch vụ giải trí đẳng cấp cao. Chúng ta có những dịch vụ gì cung cấp cho du khách, ngoài những chuyến tàu thăm vịnh rồi sau đó lên xe về?” - ông này đặt câu hỏi.

Doanh thu từ việc bán vé thăm vịnh Hạ Long tăng khá cao so với trước, từ gần 100 tỉ đồng năm 2010 lên khoảng 350 tỉ năm 2014, trong đó một phần được trích lại để chi trả lương cho đội ngũ hùng hậu khoảng 350 người của Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, việc tăng này chủ yếu là do tăng giá vé thăm vịnh, chứ không phải do tạo ra được những sản phẩm du lịch gì hấp dẫn du khách.

Du lịch vịnh Hạ Long khó có thể vươn lên ngang tầm với chiếc vương miện do UNESCO trao tặng, nếu công tác quản lý và làm dịch vụ yếu kém, nửa vời như hiện nay.

Trần Ngọc Duy

lao động

Các tin tức khác

>   Điểm danh 14 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD (19/05/2015)

>   Tập đoàn công nghệ Ace Technologies đầu tư 60 triệu USD vào Hà Nam (18/05/2015)

>   DN thiệt hại lớn vì thủ tục kiểm dịch phiền hà (18/05/2015)

>   Lượng ôtô nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng gần 3 lần (18/05/2015)

>   Vì sao Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị kiện? (18/05/2015)

>   ACV, sân bay Phú Quốc trong bài toán sân bay Long Thành (18/05/2015)

>   Xuất khẩu phần mềm trên 200.000 USD/năm được hưởng nhiều ưu đãi (17/05/2015)

>   Tập đoàn Than-Khoáng sản đặt mục tiêu tăng doanh thu từ 6,5-7% (17/05/2015)

>   Thức ăn chăn nuôi: Nội - ngoại so găng (17/05/2015)

>   Đừng tưởng TPP toàn “màu hồng”! (17/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật