Thứ Hai, 18/05/2015 08:56

ACV, sân bay Phú Quốc trong bài toán sân bay Long Thành

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong đó có mục tiêu để lấy tiền xây sân bay Long Thành tại thời điểm mà Bộ Tài chính cho rằng nếu có bán sân bay Phú Quốc - một trong số 22 sân bay thuộc quyền sở hữu của ACV - thì Nhà nước cũng không trưng dụng được khoản tiền này.

Nhà ga T1 (Nội Bài) và các cảng hàng không trên cả nước thuộc quyền quản lý của ACV, công ty lớn sẽ IPO trong năm nay Ảnh:TL

Nút thắt về quyền dùng vốn

Cổ phần hóa ACV trong năm 2015 được xem là một việc quan trọng của Bộ GTVT bởi đây là doanh nghiệp có quy mô rất lớn của ngành, hiện độc quyền quản lý 22 cảng hàng không quốc tế và quốc nội trong cả nước. Tại thời điểm 30-6-2014, ACV được định giá xấp xỉ 38.000 tỉ đồng. Do kinh doanh có lãi liên tục cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành hàng không, ngay từ khi chuẩn bị cổ phần hóa, ACV đã được tập đoàn ADB của Pháp săn đón mua cổ phần. Thậm chí đối tác còn sẵn sàng ứng tiền trước.

Nói như vậy để thấy rằng, ACV có vai trò quan trọng trong việc sản sinh dòng tiền cho ngành giao thông. Ngay từ khi chuẩn bị đề án tiền khả thi xây sân bay Long Thành, Chính phủ và Bộ GTVT đã xác định bán bớt vốn nhà nước tại ACV để lấy tiền xây sân bay mới.

“Chính phủ có chấp thuận cho chuyển nhượng thí điểm sân bay không? Chuyển nhượng vào thời điểm nào? Chính phủ có cho phép để lại phần bán vốn nhà nước sau cổ phần hóa tại ACV để tạo vốn đối ứng cho sân bay Long Thành không?”.

Việc cổ phần hóa ACV đang diễn ra theo đúng lộ trình. Cuối tuần trước, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề nghị phê duyệt phương án bán cổ phần lần đầu (IPO) tại đây. Theo đó, ACV đề xuất phương án bán 25% vốn điều lệ tại ACV bằng hình thức vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Trong tổng giá trị 38.000 tỉ đồng  của ACV, có 20.769 tỉ là thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. ACV sẽ tăng vốn điều lệ lên 22.430 tỉ đồng để tiến hành IPO. Theo tính toán, trong cơ cấu phát hành lần đầu, nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, tính ra khoảng 16.823 tỉ đồng. Chỉ cần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần) thì Nhà nước thu về từ bán cổ phần khoảng 3.946 tỉ.

Ngoài ra, ACV còn dự kiến thu thêm được 1.661 tỉ từ việc phát hành tăng vốn (22.430 tỉ đồng so với 20.769 tỉ vốn điều lệ hiện hành). Tổng hai nguồn thu từ thoái và tăng vốn bán ra nói trên thấp nhất cũng khoảng 5.607 tỉ đồng (tương đương 257 triệu đô la Mỹ). Giá cổ phiếu khởi điểm của ACV khoảng 11.100 đồng/cổ phiếu (theo phương án tư vấn) nên số tiền thu được dự kiến sẽ cao hơn. Con số thu được vẫn sẽ không thấm vào đâu so với tổng mức đầu tư 15,8 tỉ đô la, trong đó có 5,2 tỉ đô la cho giai đoạn 1 mà sân bay Long Thành cần đến. Tuy nhiên, đây là khoản vốn đối ứng quan trọng theo lộ trình xây dựng ban đầu.

Vấn đề ở chỗ không phải các nguồn tiền thu từ việc IPO đều được để lại doanh nghiệp. Theo quy định, ngân sách sẽ thu về khoản tiền lớn nhất gần 4.000 tỉ đồng từ việc thoái 25% vốn nhà nước tại ACV. ACV chỉ được giữ lại khoản phát hành thêm 1.661 tỉ bổ sung vốn điều lệ. Để có thể tạo ra vốn đối ứng khi xây sân bay Long Thành, tránh tạo áp lực nợ công do ngân sách phải cấp phát thêm cho các dự án đầu tư mới, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép ghi nhận toàn bộ số tiền thu được từ quá trình cổ phần hóa, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp từ sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chuyển đổi thành công ty cổ phần (hơn một năm), cổ tức cổ đông nhà nước được chia hàng năm (sau cổ phần hóa)...

Nếu các đề nghị trên được chấp thuận, tức là Chính phủ xác định nguồn hình thành từ cổ phần hóa ACV như nguồn dự trữ để đầu tư cho sân bay Long Thành.

Bộ Tài chính hiện chưa bàn đến vấn đề ai được quyền dùng vốn sau cổ phần hóa: thu về cho ngân sách hay để lại doanh nghiệp để đầu tư. Trong văn bản góp ý về vấn đề thí điểm nhượng quyền sân bay Phú Quốc, bộ viết: ACV đang cổ phần hóa nên sân bay Phú Quốc tính vào tài sản của ACV như 21 sân bay khác. Tại thời điểm đã xác định xong giá trị doanh nghiệp, chuẩn bị chuyển đổi mô hình hoạt động thì việc bán sân bay Phú Quốc (và một vài sân bay khác nữa) có thể làm thay đổi giá trị doanh nghiệp của ACV. Còn sau cổ phần hóa thì Nhà nước không thể can thiệp vào hoạt động đầu tư của công ty cổ phần nên sân bay Phú Quốc không thuộc diện bán theo các quy định về bán, chuyển giao doanh nghiệp nhà nước hay bán theo hình thức kinh doanh-quản lý (0&M) mà Bộ GTVT đang dự kiến.

Tìm lối ra cho đồng vốn

Góp ý của Bộ Tài chính là hoàn toàn có cơ sở. Bộ muốn tách bạch về thời điểm mà Nhà nước có thể can thiệp hoặc không thể can thiệp vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện sao cho đúng quy định. Như khi ACV đã xác định giá trị doanh nghiệp xong rồi, nếu bán cảng hàng không Phú Quốc hay một vài cảng hàng không lớn khác trước cổ phần hóa thì chắc chắn ACV sẽ thay đổi một số hình thái tài sản từ tài sản cố định sang tài sản lưu động, như vậy giá trị ACV có thể sẽ thay đổi, không ở mức 38.000 tỉ đồng nữa. Và nếu Chính phủ chấp thuận cho ACV bán thí điểm sân bay Phú Quốc sau khi đã IPO xong thì lúc đấy đại hội đồng cổ đông ACV sẽ quyết định mọi việc.

Tất nhiên, với tỷ lệ vốn nhà nước chi phối tới 75% tại đây và Bộ GTVT vẫn là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì khả năng dùng tiền cổ phần hóa ACV làm vốn đối ứng xây sân bay Long Thành và bán sân bay Phú Quốc như kế hoạch vẫn hoàn toàn có thể thực hiện.

Một lãnh đạo Bộ GTVT nói với TBKTSG: “Bộ GTVT mới đề nghị Chính phủ chấp thuận về mặt chủ trương thí điểm bán quyền khai thác các sân bay này. Nếu Chính phủ đồng ý và phụ thuộc vào thời điểm Chính phủ chấp thuận chủ trương, Bộ GTVT sẽ làm đúng theo quy định bằng đề án cụ thể. Nếu Chính phủ chấp thuận cho bán thí điểm vào thời điểm chuẩn bị chuyển giao, chuyển đổi mô hình ACV từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần thì một số nội dung trong phương án CPH sẽ được điều chỉnh cho phù hợp”.

Vị này phân tích rằng, giá trị doanh nghiệp không phải điều chỉnh, cho dù sân bay Phú Quốc hay sân bay khác có thể được chuyển nhượng, mà chỉ chuyển hình thức tài sản nhà nước từ tài sản cố định sang tài sản lưu động (tiền). Cách này không làm thay đổi hoặc làm giảm giá trị tài sản nhà nước (là ACV). Còn nếu chuyển nhượng sân bay sau thời điểm cổ phần hóa thì tất nhiên sẽ đi theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và công ty cổ phần.

Cổ phần hóa ACV đặt trong mối quan hệ để tạo luồng tiền đầu tư sân bay Long Thành và bán thí điểm một số sân bay tại thời điểm chuyển giao mô hình hoạt động của ACV chắc chắn phức tạp do nhiều quy định đan xen và thậm chí chưa có tiền lệ. Vấn đề là Chính phủ có chấp thuận cho chuyển nhượng thí điểm sân bay không? Chuyển nhượng vào thời điểm nào? Chính phủ có cho phép để lại phần bán vốn nhà nước sau cổ phần hóa tại ACV để tạo vốn đối ứng cho sân bay Long Thành không?... Từng nút thắt phải lần lượt được gỡ thì “vòng xoay” tìm tiền cho sân bay Long Thành và các dự án hạ tầng hàng không khác mới có lời giải.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   VIC: Lãi hợp nhất quý 1 đạt 357 tỷ đồng (18/05/2015)

>   Petrolimex: Doanh thu quý 1/2015 giảm, lãi ròng tăng 77% đạt 388 tỷ đồng (17/05/2015)

>   ĐHĐCĐ SFI: Mất nguồn thu từ Yusen, kế hoạch lãi 2015 giảm 39% (16/05/2015)

>   NTP: Báo cáo tài chính HN quý 1/2015 (16/05/2015)

>   PVI: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (công ty mẹ) (16/05/2015)

>   VE9: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (công ty mẹ) (16/05/2015)

>   KTT: Báo cáo tài chính Quý 1/2015 Hợp nhất (16/05/2015)

>   TTB: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (16/05/2015)

>   PVL: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (công ty mẹ) (16/05/2015)

>   KSD: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (16/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật