Xã hội hóa ngành đường sắt: Các doanh nghiệp đã sẵn sàng
Trong lúc ngành đường sắt đang gặp không ít khó khăn để vận hành toàn bộ cơ sở vật chất nhằm cùng các ngành kinh tế tạo sự đột phá các điểm nghẽn về hạ tầng và giải phóng năng lực phát triển, các nhà đầu tư lại nhìn thấy lĩnh vực này rất nhiều tiềm năng. Trên lĩnh vực vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và khai thác nhà ga, các DN đều nhìn thấy cơ hội kinh doanh.
* Công khai hạng mục đường sắt kêu gọi xã hội hóa
* Ngành đường sắt ọp ẹp, các DN đang "hóng" đầu tư
* Bao giờ container lên được đường sắt?
Bốc xếp hàng hóa tại ga Giáp Bát - Hà Nội.
|
Có thể triển khai từ tháng 6.2015
Khai thác lĩnh vực vận tải hàng hóa của ngành đường sắt, đại diện Cty CP giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL) - ông Trần Tuấn Anh - cho biết: Dự án ga hàng hóa Yên Viên đã được Cty nghiên cứu hơn 1 năm. Hiện xong báo cáo khả thi và Cty vừa ký được 2 bản ghi nhớ với 2 hãng tàu lớn để đưa hàng bằng container từ Hải Phòng về Hà Nội, dự kiến Cty sẽ ký được tiếp với các hãng tàu tại Quảng Ninh.
Ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận, mục đích ITL đầu tư vào ga Yên Viên để khai thông tuyến vận tải container từ Hải Phòng về HN. Do năng lực tại ga này chỉ có một đường xếp dỡ, nếu được đầu tư theo hướng ITL quan tâm sẽ tăng gấp 3 lần công suất và sản lượng container thông qua sẽ tăng khoảng 5 lần. Do vậy, nhà đầu tư rất mong muốn Cục Đường sắt cho triển khai thực hiện theo dự án mà ITL hướng đến. Vị này cho rằng, logictics là chuỗi cung ứng giữa đường sắt, đường biển và đường bộ. Hiện cơ cấu vận tải thuộc lĩnh vực đường sắt của Cty mới chỉ chiếm 5%, ITL mong muốn nâng công suất hoạt động theo dự án đầu tư đã trình cơ quan chức năng, thông qua đó nâng cao hơn năng lực chuỗi cung ứng của Cty. “Nhà đầu tư luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong mức cho phép của pháp luật, do vậy rất mong muốn có cơ chế rõ ràng. Hiện dự án không còn vướng chỉ đợi ký thuê có điều kiện, nếu ký xong là có thể triển khai ngay trong tháng 6.2015” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định sẵn sàng tham gia đầu tư vào đầu máy đường sắt
|
Đại diện Cty CP vận tải Đường sắt Vataxco - ông Trần Đức Hùng - cho biết: Hiện Cty đã đầu tư vào các toa xe chất lượng cao để vận chuyển container và ôtô cho các Cty trong nước. Mỗi ngày Cty có 1 đôi tàu chạy HN - TPHCM và ngược lại. Quá trình chạy, Cty chỉ đầu tư toa xe và vẫn thuê sức kéo của TCty ĐSVN để chạy tàu. Từ đầu 2015 đến nay, Cty phải thuê sức kéo của 2 Cty vận tải và giá thuê sức kéo vận tải tăng lên 30% so với trước đây. Nếu với chủ trương xã hội hoá để các nhà đầu tư tham gia vào các phương tiện vận tải để thu hút nguồn lực, việc các DN bỏ tiền ra mua đầu máy không phải là khó, nhưng khó nhất là cơ sở vật chất để bảo trì, bảo dưỡng. Các đơn vị sở hữu đầu máy của đường sắt cũng đang sở hữu mặt bằng lớn, nếu các DN bên ngoài đầu tư thì không có địa điểm, kể cả các trạm quay đầu máy tại các ga. Nếu DN làm vận tải mà phải phụ thuộc vào sức kéo thì chắc chắn hiệu quả đầu tư không cao, mong Bộ GTVT xem xét, các dịch vụ chung nhất để nhiều DN cung cấp sẽ tạo cơ chế cạnh tranh.
Ông Huỳnh Sơn - đại diện Tân cảng Sài Gòn - cho biết, trong chiến lược phát triển, TCty chú trọng đến việc phát triển logictics đường sắt, nhưng còn nhiều rào cản. “Chúng tôi sẵn sàng đầu tư đầu kéo do đường sắt đang có lợi thế về tải trọng và vì hiện chúng tôi có khoảng 10.000 container” - ông Huỳnh Sơn nói.
Tàu khách ngang tiêu chuẩn Singapore
Đại diện Tập đoàn Sun Group - ông Trần Thanh Sơn - cho biết, Sun Group quan tâm tới việc đầu tư những đoàn tàu khách chạy tuyến ngắn Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai và Sài Gòn - Đà Nẵng. Đặc biệt tuyến Hà Nội - Lào Cai sau khi có đường cao tốc, lượng khách đến với Sa Pa rất đông. Thông qua các đơn vị lữ hành và các Cty du lịch VN, Sun Group xác định lượng khách trong nước và quốc tế có nhu cầu đi bằng tàu hoả rất lớn, nhưng phải là những đoàn tàu tiêu chuẩn của Châu Âu. Để hướng tới mục tiêu đầu tư khai thác vận tải hành khách, Sun Group đã nghiên cứu thấy đôi tàu chạy từ Singapore sang Thái Lan rất hiệu quả. Nếu được cho phép đầu tư, Sun Group sẽ đặt hàng để trong khoảng từ 10-15 tháng, Việt Nam sẽ có đoàn tàu tiêu chuẩn Châu Âu.
Để thực hiện được điều này, Sun Group mong muốn được ưu tiên thời gian chạy tàu, lộ trình và thời gian dừng đỗ ở các ga ít nhất cùng một số điều kiện khác nhằm có được thời gian và lộ trình tốt để thời gian quay vòng đoàn tàu của Sun Grup nhanh hơn. Sun Group khẳng định chất lượng đoàn sẽ ngang với Singapore và chạy Hà Nội - Lào Cai sẽ chỉ trong 5 giờ.
Công Thắng - Đặng Tiến
lao động
|