Bị ăn quỵt tiền bôi trơn: Đau lắm nhưng không dám kêu
Cả hội trường cười rầm rầm khi ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI, bình luận, văn hóa “bôi trơn” và tỷ lệ "ăn quỵt" năm qua đã giảm bớt. Bởi, doanh nghiệp chi tiền bôi trơn nhưng không phải lúc nào cũng được việc. Nếu không trả hoa hồng, 89% doanh nghiệp FDI cho biết là sẽ có chuyện bất lợi xảy ra.
Bôi trơn có lúc cũng không được việc
Tuần trước, gánh nặng bôi trơn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã được ông Đậu Anh Tuấn đề cập tại Lễ công bố kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tuần này, vị trưởng Ban pháp chế VCCI tiếp tục được mời đến Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân để báo cáo rõ thêm về căn bệnh trầm kha đó trước toàn thể chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Cái chữ "ăn quỵt" nghe vừa hài hước, lại vừa xót xa!
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân
(ảnh Phạm Huyền)
|
Rất bình tĩnh, ông Tuấn cắt nghĩa, năm 2010, chỉ có hơn 47% doanh nghiệp FDI cho biết công việc đã được giải quyết đúng sau khi họ trả các khoản chi phí không chính thức, nhưng năm 2014, tỷ lệ này là hơn 58%. Điều đó cũng có nghĩa rằng, một số lớn các doanh nghiệp FDI trước đây đã bị "mất trắng" với công chức Việt Nam (53%) một khoản tiền lớn mà không được việc gì, và giờ thì con số này giảm xuống (42%).
Nỗi thống khổ của doanh nghiệp FDI càng đậm nét hơn, khi nghiên cứu này chỉ ra rằng: 17,2% doanh nghiệp đã phải bôi trơn khi xin giấy phép đầu tư, 31,4% phải chi tiền hoa hồng khi đấu thấu, 66,2% đều phải đưa phong bì lúc thông quan và 22,3% doanh nghiệp FDI đã không muốn đưa ra toà án khi có tranh chấp, bởi chạy án là phổ biến.
Nếu không trả hoa hồng, 89% doanh nghiệp FDI cho biết là sẽ có chuyện bất lợi xảy ra.
Tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, đã khiến dư luận một phen nôi sóng khi nói tham nhũng ở Việt Nam giai đoạn 2012-2014 có tính chất ổn định.
Ý ông muốn nhấn mạnh rằng, chỉ số cảm nhận tham nhũng ở Việt Nam do Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá đã không tụt, không tăng trong 3 năm qua.
Gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp ngày càng lớn (theo NLĐ)
|
Nhưng ở tình huống này, ý nghĩa tốt đẹp của hai chữ "ổn định" đã trở nên khôi hài. Cũng giống như câu chuyện ăn quỵt giảm xuống, mừng cho doanh nghiệp thôi thì mất tiền nhưng được việc, nhưng buồn cho văn hoá hoa hồng - bôi trơn - tham nhũng ở Việt Nam không xoay chuyển gì.
Làm sai thì hướng dẫn, không nên phạt
Bôi trơn và tham nhũng sẽ khiến cho những doanh nghiệp chân chính không tồn tại được, còn những doanh nghiệp yếu kém, không có năng lực lại phất lên. Điều này sẽ càng làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chỉ ra hệ luỵ đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, Nghị quyết 19 của Chính phủ đáng ra phải đưa việc chống tham nhũng, giảm chi phí bôi trơn cho doanh nghiệp là nội trung trọng tâm.
Việt Nam tiến tới một môi trường kinh doanh ngang ASEAN-6, năm sau phải là ASEAN-4 thì song hành với hàng chục giải pháp cải cách thủ tục thuế, bảo hiểm, khởi nghiệp, phá sản,... phải là mục tiêu về chỉ số chống tham nhũng.
Giao dịch tiền mặt phổ biến tạo cơ hội cho tham nhũng
|
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT, nói: "Doanh nghiệp lâu nay làm ăn dựa vào quan hệ với Nhà nước. Căn bệnh thâm căn, cố đế này đã ăn vào máu người Việt cả nửa thế kỷ nay, tức 50 năm, còn chúng ta mới chỉ nhận thức được vấn đề 20 năm thôi. Cho nên, phải đổi mới tư duy. Các văn bản pháp quy của Nhà nước, nhất là Luật phải càng cụ thể, càng tốt. Nếu doanh nghiệp làm sai thì phải hướng dẫn lại chứ không phạt doanh nghiệp".
Còn với TS. Trần Du Lịch, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chúng ta tập trung tốn tiền để cải cách thủ tục hành chính, là chỉ làm được phần ngọn. Phần gốc phải giải quyết là nền hành chính công quốc gia cần phải đổi mới.
Bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, có câu chuyện rằng, một hãng sữa lớn của Việt Nam tổ chức sự kiện và có mời một anh phóng viên nước ngoài tham dự. Kết thúc sự kiện, hãng này tặng cho các đại biểu một túi quà nhỏ có vài hộp sữa. Nghĩ không giá trị nhiều, anh phóng viên nọ mang về trụ sở, mở túi ra và tá hoả phát hiện một phong bì có 200.000 đồng. Rất sợ hãi, anh này vội vã quay trở lại nơi tổ chức sự kiện thì đã chẳng còn ai. Sau đó, anh phải tìm đến tận trụ sở công ty sữa đó để trả bằng được cái phong bì ấy.
Với người Mỹ, việc nhận quà bằng tiền mặt là tối kỵ và nếu có quà, tổng giá trị quá 20 USD sẽ phải trả lại.
Ở Việt Nam, bao giờ mới có văn hoá như vậy?
Phạm Huyền
diễn đàn kinh tế việt nam
|