Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 12
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12, thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và dự án Luật Thống kê (sửa đổi).
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Tân Thuận 2 (cảng Sài Gòn). Ảnh minh họa.(Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2014, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao đều đạt và vượt mức kế hoạch, chỉ có chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo là không đạt kế hoạch.
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98%, cao nhất trong 3 năm qua và vượt mục tiêu đã đề ra. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu.
Trong quý 1/2015, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực như tín dụng với nền kinh tế ước tăng 1,25%, trong khi cùng kỳ năm 2014 giảm 0,57%; tăng trưởng GDP ước đạt 6,03% là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,8% về số lượng và tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Dựa trên tình hình kinh tế-xã hội quý 1/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định 11 giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới gồm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh...
Cho ý kiến về Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tình hình quý 1/2015, các đại biểu đều đánh giá cao việc hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về tăng trưởng, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước, lạm phát, giải quyết việc làm...
Song, các đại biểu cũng lưu ý, những chuyển biến tích cực của kinh tế trong thời gian qua không chỉ là kết quả của việc đẩy mạnh cải cách thể chế, hay sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, mà còn do một số yếu tố bên ngoài tác động vào các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đồng ý với 11 giải pháp cần tập trung trong thời gian tới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, nhiều đại biểu cho rằng, Hiến pháp năm 2013 và các Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công... đã luật hóa tối đa chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn; xây dựng điều kiện đầu tư, kinh doanh cụ thể với 287 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định.
Các cơ quan của Quốc hội cũng cần đẩy mạnh giám sát về việc ban hành các điều kiện đầu tư, kinh doanh. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Quốc hội cần nghiên cứu ban hành luật hoặc nghị quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao trách nhiệm, minh bạch chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này; ban hành nghị quyết về việc bán cảng hàng không, cảng biển...
Phúc Hằng
Vietnam+
|