Khách quốc tế liên tiếp sụt giảm: Cần tư duy mới
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam -VITM Hà Nội 2015 được tổ chức từ ngày 2-5/4, lần đầu tiên sẽ có một cuộc hội thảo bàn về công tác xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài, lĩnh vực hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Khám phá vịnh Hạ Long bằng tàu nhỏ được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
|
Xúc tiến kém hiệu quả khiến du lịch Việt không hút khách
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm trong 9 tháng liên tiếp kể từ tháng 6/2014, trong đó có nhiều tháng giảm ở mức hai con số.
Lần lượt những thị trường trọng điểm của Việt Nam như châu Âu, đặc biệt là Nga và một số nước trong khu vực Đông Nam Á đều sụt giảm so với cùng kỳ, trong khi đó, thị trường khách nước ngoài (inbound) lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và thị trường tiếng Hoa vẫn chưa thể phục hồi.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng đây là hệ quả của cả một quá trình. Nguyên nhân khách quan là do nền kinh tế thế giới suy thoái, ngấm sâu vào thị trường Việt Nam nên du lịch cũng bị ảnh hưởng, nhưng nguyên nhân chủ quan là nhiều hơn. Thực tế, du lịch Việt Nam chưa đủ điều kiện để nâng lượng khách lên.
Thứ nhất, sản phẩm du lịch của Việt Nam từ lâu vẫn chưa được đầu tư để nâng cấp. Chúng ta vẫn khai thác những sản phẩm cũ và như vậy làm sao thu hút được những du khách mới đến Việt Nam.
Thứ hai là công tác xúc tiến, quảng bá còn lạc hậu, chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm để tổ chức những sự kiện xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài đủ tầm để gây được sự chú ý của các nước đối với du lịch Việt Nam.
“Cả hai yếu tố đó, sản phẩm và công tác xúc tiến trong những năm qua thể hiện sự yếu kém, góp phần làm giảm lượng khách. Nếu như trong những lúc khó khăn, sản phẩm du lịch và xúc tiến, quảng bá làm tốt hơn thì sự suy giảm chững lại ngay”, ông Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành đều có chung nhận định là thời gian qua công tác chuyên môn và hiệu quả đầu tư trong xúc tiến của ngành Du lịch đều chưa tốt. Đặc biệt, việc xúc tiến, quảng bá yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Ông Phạm Thế Phong, Giám đốc Trung tâm Vietnam Explore Holidays Vietrantour cho biết, cho đến nay nhiều người nước ngoài nghĩ Việt Nam vẫn là đất nước lạc hậu như vừa bước qua chiến tranh, “rừng thiêng nước độc”.
Phải thay đổi cách làm xúc tiến, quảng bá
Nhiều người lý giải rằng, việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam yếu kém là do chúng ta ít tiền: Kinh phí xúc tiến du lịch của Việt Nam chỉ từ 30-40 tỷ đồng/năm, trong khi đó kinh phí xúc tiến của Thái Lan là 86 triệu USD, Singapore là 100 triệu USD, Malaysia là 130 triệu USD/năm.
Song, vấn đề của xúc tiến, quảng bá Việt Nam không nằm ở chỗ tiền nhiều hay ít, mà là ngành Du lịch đã sử dụng không hiệu quả số tiền ít ỏi ấy.
Tiền đã ít, nhưng nguồn tiền này cũng không được sử dụng tập trung để hình thành các chương trình xúc tiến ra tấm ra món mà bị chia nhỏ, xé lẻ rải đều cho các chương trình của các cơ quan chủ quản. Nguồn lực bị phân tán, hiệu quả kém là đương nhiên.
Hiện Việt Nam có 3 loại xúc tiến: Xúc tiến điểm đến của Chính phủ, xúc tiến điểm đến của địa phương và xúc tiến sản phẩm của DN.
Tuy nhiên, theo ông Bình, thì “thì cứ người nọ đổ cho người kia, cuối cùng là không ai làm. DN thì cho rằng Nhà nước không hỗ trợ. Vì vậy rất nhiều DN không tham gia công tác xúc tiến. Cơ quan quản lý thì cho rằng việc kinh doanh là của DN thì DN phải tự đi quảng bá… Chúng ta cứ luẩn quẩn trong chuyện đó khiến cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch không hiệu quả”.
PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển du lịch cũng nhận định, ngành Du lịch đang sử dụng kinh phí quảng bá theo kiểu quân bình. Năm nay người này làm, năm khác lại giao cho người khác.
“Một sự kiện mà năm nay người này làm, sang năm người khác làm, thậm chí đơn vị này làm, sang năm đơn vị khác làm… thì chúng ta bao giờ mới có một đơn vị chuyên trách để làm công tác đó? Cho nên chúng ta còn có nhiều việc cần phải bàn”.
Trong khuôn khổ hội chợ VITM Hà Nội 2015 được tổ chức từ ngày 2-5/4, lần đầu tiên sẽ có một cuộc hội thảo bàn về công tác xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài, vì theo ông Bình, đã đến lúc các bên liên quan cần ngồi lại với nhau, giữa DN, học giả, nhà quản lý, để bàn giải pháp nên làm như nào để đạt hiệu quả tốt nhất.
Việc lựa chọn thị trường để tổ chức xúc tiến, quảng bá, đầu tư sự kiện như thế nào, giao cho ai phụ trách… đều là những vấn đề cần được nêu ra bàn để có được sự thống nhất giữa các bên.
Đồng thời, việc tổ chức thành công VITM sẽ dần dần sẽ thay đổi quan điểm của mọi người về phân chia công việc xúc tiến thành nhiều nhóm việc, của ai người nấy làm.
“Ví dụ xúc tiến cho người nước ngoài vào Việt Nam do Nhà nước, do Tổng cục Du lịch làm. Quản lý và thúc đẩy người Việt Nam ra nước ngoài, nâng cao vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch. Tổ chức các hoạt động trong nước, chủ yếu thúc đẩy du lịch nội địa thì Nhà nước, Hiệp hội và địa phương phải tham gia. Tất cả công việc phân công rõ ràng thì mọi thứ đâu sẽ vào đấy”, ông Bình chia sẻ.
Hiệp hội Du lịch cũng hy vọng hội thảo về xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM sẽ hướng đến sự thay đổi của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, vì với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của nhiều DN du lịch, VITM chính là một hình thức xúc tiến du lịch tại chỗ rất hiệu quả.
Thay vì phải “mang chuông đi đánh xứ người” thì chúng ta mời bạn bè, đối tác tới đây để cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác. Và riêng Việt Nam thì có cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh mà không phải tiêu tốn một đồng nào từ ngân sách Nhà nước.
Nguyệt Hà
chính phủ
|