Thứ Bảy, 04/04/2015 11:53

Thực hiện mục tiêu quốc gia: Sẽ siết chặt chi tiêu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định, áp lực từ chương trình mục tiêu quốc gia lên ngân sách nhà nước hiện lớn không kém các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng, trong khi hiệu quả thì khó đo lường.

Nguồn vốn TPCP sẽ bớt dàn trải để tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm hơn. (Ảnh minh họa)

Giảm mục tiêu quốc gia kém hiệu quả

Lấy Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua làm ví dụ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, chương trình này đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và dự kiến giai đoạn tới áp lực sẽ còn tăng lên. Để hoàn thành được mục tiêu đặt ra là tới năm 2020, 50% số xã toàn quốc phải hoàn thành được 19 tiêu chí về nông thôn mới, chương trình này sẽ đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư khổng lồ.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính Trịnh Nam Tuấn, tổng số vốn giai đoạn 2011-2015 bố trí cho các địa phương là 622.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia đã chiếm tới 70%, khiến cho nguồn lực chi đầu tư cho các dự án hạ tầng từ ngân sách trung ương vì thế giảm đáng kể.

"Chúng tôi kiến nghị cần tăng tỷ lệ đầu tư và giảm bớt các chương trình mục tiêu quốc gia kém hiệu quả tại địa phương. Đơn cử như chương trình hỗ trợ các trường đại học. Chúng ta có hỗ trợ tương đối nhiều trường của địa phương nhưng vẫn không có học sinh", ông Tuấn đề xuất.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, để làm giảm áp lực lên nguồn vốn TPCP, Chính phủ đang tính tới việc bán bớt cổ phần ở một số tập đoàn nhà nước để lấy tiền hoàn thành chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Như vậy, cùng với việc thu hẹp các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn từ TPCP sẽ được giảm bớt gánh nặng để tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm hơn.

Cùng với việc "chặt tay" trong chi tiêu, ưu tiên trả nợ cũng khiến lãnh đạo Bộ Tài chính băn khoăn nhiều hơn cả. Trong năm 2015, sẽ có khoảng 127.000 tỷ đồng TPCP đến kỳ đáo hạn. Ông Trịnh Nam Tuấn khuyến nghị nên dành vốn để chi trả nợ trong bối cảnh nợ công hiện nay đang rất lớn. "Cần lưu ý nợ công đang tăng nhanh, các khoản TPCP đến kỳ đáo hạn sẽ dồn dập hơn trong các năm tới vì chúng ta đã phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn suốt thời gian dài", ông Tuấn cảnh báo.

Có thể tăng trần nợ công

Kết luận tại cuộc họp về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ triển khai thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia là Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Từ 16 chương trình của giai đoạn trước, hai chương trình này được thu lại để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả hơn. Đây là một trong rất nhiều biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là cho nguồn vốn từ phát hành TPCP.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, việc sử dụng vốn TPCP vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư của nguồn vốn quan trọng này. "Trong cuộc chơi PPP, đối tác tư nhân ngoài vốn tự có rất cần huy động một nguồn vốn khác từ vay ngân hàng. Việc trở thành đối tác với chủ đầu tư là Nhà nước sẽ là tấm giấy thông hành để ngân hàng có lòng tin vào doanh nghiệp và sẵn sàng rót vốn cho vay", ông Thành nhận định.

Đồng tình với việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án PPP, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, PPP là "cuộc chơi" để huy động vốn của các thành phần kinh tế khác nên bên cạnh vốn TPCP cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng.

"Các doanh nghiệp làm BOT Quốc lộ 1 hầu như không phát hành được trái phiếu của doanh nghiệp mà đều quay trở lại vay ngân hàng. Như vậy hiệu quả thu được sẽ không phải là cao nhất", ông Kiên lưu ý.

Trong khi nguồn vốn ngân sách eo hẹp mà nhiệm vụ chi lại rất nhiều, sức ép phát hành TPCP lớn, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đều thống nhất, nếu cần thiết có thể kiến nghị Quốc hội nâng trần nợ công để tiếp tục phát hành TPCP phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

"Đến 2016, nợ công tại Việt Nam đạt ngưỡng trần 64,9%. Nhưng thực tế có thể lên đến 67% rồi. Như vậy, từ nay đến 2016 không thể phát hành TPCP vì đã hết trần. Chúng tôi thấy, quy mô GDP tăng lên, tăng trưởng trở lại và quan trọng không phải trần là bao nhiêu mà là khả năng trả nợ đến đâu. Vay nhiều mà trả nợ được thì không vấn đề gì. Để sử dụng hiệu quả vẫn phải tăng trần nợ công lên để phát hành trái phiếu", ông Vinh quả quyết.

Nguyễn Việt

thế giới và việt nam

Các tin tức khác

>   Brazil dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra Việt Nam (04/04/2015)

>   Sửa sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không giảm chuyến bay (04/04/2015)

>   Những dấu hỏi cho cả ven sông Đồng Nai (04/04/2015)

>   Vận hạn 30 năm: Đại gia thụt két ngàn tỷ (04/04/2015)

>   Quan ngoại tỉnh sắm nhà thủ đô và 'kinh tế tư túi' (04/04/2015)

>   Cần Thơ xin Chính phủ xóa nợ của Nông trường sông Hậu (03/04/2015)

>   Nhà thầu Hàn Quốc bị cáo buộc 'thổi' giá xây dựng cao tốc Việt Nam (03/04/2015)

>   Thanh tra diện rộng các mặt hàng sữa, bánh kẹo, bia rượu.... (03/04/2015)

>   Nguyên phụ liệu dệt may: 48% nhập từ Trung Quốc (03/04/2015)

>   Việt Nam ứng phó với xu thế nhập siêu trở lại trong năm 2015 (03/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật