Thứ Bảy, 04/04/2015 09:07

Những dấu hỏi cho cả ven sông Đồng Nai

Những lùm xùm vô tận về những vụ như lấp sông Đồng Nai hiện tại hay vụ kênh Ba Bò gây ô nhiễm nặng suốt ba tỉnh, thành, hoặc chuyện chỉ còn một xẻo đất bằng nắm tay trên lãnh thổ tỉnh Bình Dương song vẫn chưa bàn giao được mặt bằng để cho thi công tuyến metro dang dở... là những trục trặc do:

1) mạnh tỉnh, thành nào trấn nhậm, tỉnh thành ấy quản, các tỉnh thành kia xin miễn bàn; 2) dự án của tỉnh nào lợi hại ra sao cho các tỉnh, thành lân cận cũng xin miễn bàn luôn; 3) và cứ thế mà các vấn đề cứ tiếp tục kéo dài, sinh sôi thêm, hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn, cho dù trong thâm tâm ai cũng thừa “biết ra sao ngày mai”.

Công trường lấp sông Đồng Nai làm dự án. Ảnh: Trung Kiên/báo Dân Trí.

Lớn thì là các khu công nghiệp dọc sông Đồng Nai xả nước thải. Lẽ ra vào đầu những năm 1960 do quan niệm môi trường thời đó chưa như sau này, nên vấn đề xử lý nước thải chưa được đặt ra. Song rõ ràng ngày nay hậu sinh khả úy thừa biết tác hại môi trường, thậm chí rõ tường tận, nhưng sao vẫn cứ xả ra sông Đồng Nai từ các khu công nghiệp mới? Hậu quả nhỏ hơn là cả “bầy” vựa cát cũng dọc theo con sông đó mà sở tài nguyên và môi trường các tỉnh ven sông có nhắm mất cũng thừa hiểu tác hại đến dòng chảy, gây xói lở... như thế nào, song sao lại cứ nhắm mắt, bịt tai? Mới nhất là chuyện lấp sông Đồng Nai làm dự án!

Ai cũng rõ rằng “con cá nó sống vì nước”. Thế nhưng, con người cũng sống vì nước, mười mấy triệu dân 11 tỉnh thành ven sông Đồng Nai cũng sống vì nước, và nhất là ở hạ lưu càng “trong nhờ đục chịu”. Thử cúp nước ba ngày sẽ thấy “sống vì nước” là làm sao! Ấy thế mà vẫn chẳng “ai bảo ai” với nhau được giữa chừng đó tỉnh thành, cũng chẳng thấy “ai bảo ai” trên - dưới! Tuần rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chẳng cho biết rằng bộ đã chẳng hề nhận bất cứ báo cáo nào về dự án lấp sông. Trong cái sự “không ai bảo ai” và “không ai báo cáo” này nổi lên hai vấn đề: 1) Tính liên thông, liên kết giữa các tỉnh thành; 2) Cách vận hành hệ thống hàng ngang/hàng dọc của Việt Nam.

Đầu tiên, chẳng qua do tất cả các tỉnh, thành đều “bình đẳng” cả, đều độc lập cả, chẳng “dây mơ, rễ má” gì cả! Xin thêm vào số ký ức về ông Lý Quang Diệu một chi tiết về cuộc nói chuyện của ông một buổi chiều hạ tuần tháng 11-1993 tại UBND TPHCM. Giữa buổi nói chuyện, ông hỏi: “Các ông cho xin tấm bản đồ Sài Gòn và cả tỉnh chung quanh, từ đây ra tới biển”. Và rồi ông Lý, tay trỏ bản đồ huơ tới vị trí Vũng Tàu trên bản đồ, miệng thao thao nói đại ý: các ông nên kết nối tất cả các tỉnh thành này với nhau, đừng để tách riêng rẽ, từ đó sẽ hình thành một chuỗi các động lực hỗ tương như thế nào và rồi các tỉnh thành ấy cộng lực như thế nào trong một kế hoạch phát triển chung, từ đây, đây, đây... ra tới biển. Cứ thế ông nói không ngừng, từ bình diện của một (cựu) lãnh đạo quốc gia, trong cái nhìn và tầm nhìn của cả quốc gia. Cử tọa nghe ông hôm đó là các lãnh đạo, viên chức các tỉnh, thành cũng chỉ nghe như là những người của từng tỉnh, thành một. 22 năm sau, xin phép gọi đó là “bản giao hưởng chưa hoàn tất” của ông Lý! Các nhạc công vẫn cứ thi nhau cùng độc diễn thay vì hòa tấu, bản phổ giao hưởng vẫn chưa bắt đầu được soạn, nhạc trưởng vẫn chưa được đào tạo! Và chừng đó tỉnh thành cứ thế mà “cất cánh tại chỗ” không tạo thành một hợp lực!

Kế đến, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường than không hề được nghe báo cáo dự án lấp sông. Ngoài vấn đề về quyền tự quyết bất khả xâm phạm trong thực tế của các địa phương, cho dù trong luật pháp cũng đã có những “lan can phòng hộ” rằng dự án cỡ nào thì địa phương quyết, cỡ nào thì trung ương quyết, còn phải đặt câu hỏi về cách vận hành của các sở tài nguyên và môi trường: có phải hệ thống hàng ngang mạnh hơn hệ thống hàng dọc, thậm chí mạnh một cách lấn áp, để rồi sở tài nguyên và môi trường (cũng như các sở khác) chỉ “cúc cung, cung bái” chính quyền địa phương mà không độc lập hoạt động với tư cách đại diện cho bộ trong việc thực thi chính sách nhà nước trong khi vẫn đảm nhiệm chức trách với địa phương?

Thiên Di

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vận hạn 30 năm: Đại gia thụt két ngàn tỷ (04/04/2015)

>   Quan ngoại tỉnh sắm nhà thủ đô và 'kinh tế tư túi' (04/04/2015)

>   Cần Thơ xin Chính phủ xóa nợ của Nông trường sông Hậu (03/04/2015)

>   Nhà thầu Hàn Quốc bị cáo buộc 'thổi' giá xây dựng cao tốc Việt Nam (03/04/2015)

>   Thanh tra diện rộng các mặt hàng sữa, bánh kẹo, bia rượu.... (03/04/2015)

>   Nguyên phụ liệu dệt may: 48% nhập từ Trung Quốc (03/04/2015)

>   Việt Nam ứng phó với xu thế nhập siêu trở lại trong năm 2015 (03/04/2015)

>   Việt Nam là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (03/04/2015)

>   Bộ GTVT: Chỉ thí điểm bán sân bay cho nhà đầu tư trong nước (03/04/2015)

>   Sau đường bộ, sẽ nhượng quyền khai thác đường sắt (02/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật