Thứ Sáu, 17/04/2015 06:44

‘Thương hiệu’ kém năng động: Hà Nội 10 năm chậm tiến

Thủ đô lọt TOP 10 tỉnh có các lĩnh vực bị chấm điểm tệ nhất nước. Mặc dù đứng thứ 26, tăng 7 bậc, thuộc hạng khá trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhưng Hà Nội vẫn bị chê là kém năng động nhất cả nước.

Kém năng động, gia tăng tham nhũng

Chia sẻ sáng 16/4, tại Lễ công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, nếu được lựa chọn lại địa phương để đầu tư, 1 trong 10 tỉnh, thành mà các doang nghiệp thường nhắc tới luôn có thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, nhìn vào các chỉ số PCI hiện nay, Hà Nội chưa bao giờ là điểm sáng trong bảng xếp hạng này.

Năm 2014, mặc dù đã tăng hạng đáng kể so với năm 2013, nhưng thủ đô Hà Nội đã bị chấm điểm đứng đội sổ trong 63 tỉnh, thành về tính năng động. Đây là một trong 10 lĩnh vực thể hiện chất lượng điều hành kinh tế mà PCI điều tra, khảo sát.

Tính thang điểm 10 thì Hà Nội chỉ được đúng 3,08 điểm về lĩnh vực này, nghĩa là sự sáng tạo của chính quyền thành phố trong thực thi các quy định còn kém, các sở ban ngành, huyện xã thực hiện quy định còn chưa đúng, bị đánh giá thấp.

Trong khi đó nhìn vào vị trí dẫn đầu về tính năng động là Đồng Tháp ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà thua xa Hà Nội về hạ tầng, nhân lực hay cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, kết quả điều tra từ hơn 900 doanh nghiệp FDI đã cho thấy, ở Hà Nội năm 2014 đã gia tăng cao đáng kể tần suất tham nhũng trong quá trình đấu thầu các hợp đồng với các cơ quan Nhà nước.

Chưa kể, Hà Nội cũng nhận điểm kém về lĩnh vực gia nhập thị trường năm 2014, khi chưa đến 30% doanh nghiệp FDI có thể đi vào hoạt động trong vòng 1 tháng sau khi nhận được giấy phép kinh doanh.

Với vấn đề cấp giấy phép lao động, các doanh nghiệp FDI cũng phàn nàn về Hà Nội là kém. Ở Thủ đô, một lao động người nước ngoài sẽ phải mất tới 30 ngày để được cấp phép, thua xa Bắc Giang, Tây Ninh, trong khi theo quy định, chỉ phải chờ 15 ngày để có giấy tờ này.

Có tới 43% nhà đầu tư FDI cho rằng thủ tục này thực hiện khó ở Hà Nội, 15% DN FDI nói rằng rất khó và 2,2% nói rằng, khá khó để xin phép lao động ở Hà Nội.

Điệp khúc chậm tiến

Xâu chuỗi lại 10 năm qua, kể từ khi bảng xếp hạng này ra đời PCI, Hà Nội chưa bao giờ lọt vào TOP 10 - được coi là nhóm "tốt", và đương nhiên, cách xa TOP 5 các tỉnh thành có chất lượng điều hành "rất tốt".

Tuy nhiên, loại trừ 2 năm đầu tiên vì chưa có đủ các tỉnh thành tham gia, chỉ nhìn lại 8 năm vừa qua, thứ hạng của Hà Nội đều chỉ ở nhóm khá và trồi sụt rất thất thường.

Thủ đô lọt TOP 10 tỉnh có các lĩnh vực bị chấm điểm tệ nhất nước
Hà Nội bị chê là kém năng động nhất cả nước

Cụ thể, thứ hạng 26 năm 2014 được coi là khá nhất trong 8 năm qua, nhưng thực chất, cũng chỉ là nhỉnh hơn đúng 1 bậc so với năm 2007.

Năm tệ nhất của Hà Nội là năm 2012, khi đang từ thứ hạng 36, Hà Nội rớt thê thảm 15 bậc xuống thứ 51. Trước nữa, năm 2010, Hà Nội cũng tụt một lúc 10 bậc, từ 33 của năm 2009 xuống thứ 43.

Đáng chú ý, nhìn lại trong 4 năm gần đây, từ 2011-2014, Hà Nội có 4 lĩnh vực bị giảm sút lớn, trong đó, giảm mạnh nhất là lĩnh vực gia nhập thị trường, kế đến là vấn đề tiếp cận đất đai, chi phí bôi trơn, cạnh tranh bình đẳng. Cùng đó, không chuyển biến nhiều ở thủ đô là tính minh bạch của chính quyền, chi phí thời gian của doanh nghiệp và thiết chế pháp lý.

Rõ ràng, với một quá trình chậm tiến như vậy nên các đánh giá thấp của doanh nghiệp đối với Hà Nội như tần suất tham nhũng, thủ tục giấy phép lao động, sự năng động như trên là có cơ sở.

Thủ đô chỉ có đúng 2 lĩnh vực được chấm điểm là chuyển biến khá trong 4 năm qua, là dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động.

Lý giải về những sự yếu kém của Hà Nội, GS. TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết, Hà Nội là thủ đô nên có những khó khăn riêng, khó độc lập hoàn toàn, vì họ không chỉ giải quyết vấn đề riêng của địa phương mình, mà còn giải quyết cho các các cơ quan hành chính trung ương.

Cùng đó, phải kể đến việc sáp nhập các tỉnh lân cận vào Hà Nội như Hà Tây cũ, một phần của Hoà Bình, Vĩnh Phúc, nên việc thực hiện các đường lối, chính sách ở cấp huyện sẽ có những khó khăn mà Hà Nội phải đối mặt.

Riêng về chi phí không chính thức ở Hà Nội, ông Edmund cho rằng, vấn đề này không phải chỉ riêng ở Hà Nội mà cả Việt Nam đều gặp phải và cần giải quyết đồng bộ, một cách hệ thống.

"Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể giải quyết được các vấn đề đặc thù của mình", GS Edmund bày tỏ.

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận: "Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Trách nhiệm đối với sự phát triển, thịnh vượng của Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của bộ máy chính quyền Thủ đô mà còn là trách nhiệm của tất cả người dân Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng"

"Hà Nội có thể tận dụng những lợi thế sẵn có như vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực có chất lượng cao, thị trường có lớn..., cùng với việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng hơn nữa sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hà Nội trong tương lai", ông Lộc nhấn mạnh.

Ông cho rằng, kết quả điều tra PCI của Hà Nội những năm qua chưa cao cũng chính là thể hiện kỳ vọng, mong muốn của của các doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền của thành phố rất lớn. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều địa phương, lãnh đạo cấp cao của tỉnh, thành phố có thể rất quyết tâm nhưng cản trở chủ yếu lại nằm ở hệ thống bộ máy vận hành bên dưới.

Phạm Huyền

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Cơ trưởng và tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt vì buôn lậu vàng (16/04/2015)

>   Thêm 2 thẩm quyền mới cho Thủ tướng (15/04/2015)

>   Hà Nội có thể đấu thầu hoạt động taxi, cổ phần hóa 100% các bến xe (15/04/2015)

>   Sắp giảm giá 50 sản phẩm sữa bột cho trẻ dưới 2 tuổi (15/04/2015)

>   Nguyên lý Anna Karenina (15/04/2015)

>   Công ty đa cấp VietNet "ép" sinh viên vay lãi, trốn thuế (15/04/2015)

>   Ukraine lại vang rền tiếng súng (14/04/2015)

>   90% công ty không chống nổi các cuộc tấn công mạng (14/04/2015)

>   Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Phí cao nhất là 180.000 đồng/xe (13/04/2015)

>   Vụ sếp ngân hàng rút súng thị uy: Xem xét khả năng xử lý hình sự (12/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật