Nguyên lý Anna Karenina
Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Anna Karenina, Leo Tolstoy đã mở đầu bằng câu “Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, mọi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo cách riêng của họ”. Có lẽ Tolstoy muốn nói rằng những yếu tố cần có cho một gia đình hạnh phúc phải luôn thỏa mãn nhiều khía cạnh như vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan giỏi, tài chính và sức khỏe ổn thỏa, nề nếp đạo đức và sinh sống trong một cộng đồng hòa bình trù phú. Chỉ thiếu một trong các yếu tố trên là hạnh phúc gia đình có nguy cơ trục trặc rồi.
Thật thú vị là nguyên lý này sau đó được dùng để giải thích cho việc vì sao con người có thể thuần hóa được một số loài động vật và một số loài khác thì không bao giờ làm được. Những loài động vật như ngựa vằn hay linh dương đều không thể thuần hóa được như nhiều loài khác cùng họ với chúng, vì một trong những yếu tố hội tụ đầy đủ ở các loài thuần hóa thì lại thiếu vắng ở ngựa vằn và linh dương.
Có lẽ những nguyên lý tương tự như vậy cũng đã được lập luận với một cái tên nào đó trong các lĩnh vực quản trị công hay kinh tế. Nhưng cơ bản thì để một quốc gia giàu có và nhân bản luôn là sự gắn kết giữa các cá nhân trong cộng đồng, giữa các thiết chế xã hội, kết hợp với tính tự cường của cả dân tộc đó trong một môi trường quốc tế thuận lợi xung quanh. Quan trọng hơn cả là quốc gia đó có một thể chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành viên có ý chí vươn lên. Thế nên trong cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại, hai tác giả James Robinson và Daron Acemoglu đã kết luận rằng chính môi trường thể chế là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến việc một quốc gia thành công hay thất bại. Nơi nào có thể chế tạo điều kiện cho người dân làm ăn sinh sống được tốt nhất sẽ thành công.
Chúng ta vẫn hay ví quốc gia như là một đại gia đình vậy. Và cái đại gia đình này cũng cần cái nguyên lý Anna Karenina, giống như những yếu tố thiết yếu mà các quốc gia giàu có về vật chất và văn hóa tinh thần đã trải qua để trở thành một đại gia đình hạnh phúc. Gia đình này chắc chắn cần giáo dục và tạo điều kiện cho những thành viên lớn bé của nó tập trung xây dựng cuộc sống có chất lượng tương đối đồng đều với nhau.
Dĩ nhiên, ngay cả những đại gia đình hạnh phúc thì cũng có những đứa con có cuộc sống khác nhau, nhưng ít ra thì khoảng cách giữa chúng là không quá xa và đều ở một mức khá ổn trở lên. Tuy nhiên, khi nhìn lại đại gia đình của chúng ta thì về cơ bản, những đứa con có điều kiện và chất lượng cuộc sống quá xa cách nhau. Đứa thì quá no, đứa thì quá đói, đứa đi xe hơi tiền tỉ, đứa thì đu dây qua sông. Một số đứa ăn uống no đủ rồi thì lại hư hỏng, quay sang đánh đấm lẫn nhau bất kể ngoài đường hay trong trường học. Chưa kể còn một đám trẻ chẳng biết giáo dục thế nào mà chỉ chực gào thét điên cuồng đến chết ngất đi khi chiêm ngưỡng một vài ca sĩ, người mẫu thời trang xứ người qua Việt Nam du hý.
Trong khi đó, những người lớn - bậc cha mẹ chúng - thì chỉ nhăm nhe dựng lên những công trình hoành tráng kỷ lục đệ nhất thiên hạ mà quên đi rằng hàng năm gia đình vẫn tất tả chạy vạy, vay mượn vốn liếng thiên hạ để bắc một cây cầu hay làm vài con đường đi. Rồi họ tranh cãi nhau vòng vo cái chuyện nếu muốn giàu thì phải xây to nhất hoặc nếu xây to nhất thì chắc chắn sẽ giàu. Cứ như thể họ đã tìm ra một nguyên lý Anna Karenina khác nữa vậy.
Dẫu cả đại gia đình này vừa mới bước chân qua được ranh giới của ngưỡng thu nhập trung bình thì cũng vẫn chỉ là ở những bước khởi đầu mà thôi. Con đường đi tới hạnh phúc phía trước còn rất dài. Và bên cạnh con đường hạnh phúc là con đường bất hạnh, sơ sẩy là nhầm đường ngay.
Nếu người lớn cứ còn tự huyễn hoặc và lũ trẻ như mất phương hướng thì gia đình sẽ đi con đường nào?
Huế Dương
tbktsg
|