Thứ Tư, 15/04/2015 06:37

Công ty đa cấp VietNet "ép" sinh viên vay lãi, trốn thuế

Không chỉ dụ dỗ và cưỡng ép sinh viên gia nhập hệ thống "chân rết" của mình, công ty VietNet còn có dấu hiệu trốn thuế.

Một phiếu đặt hàng của Công ty Liên minh Tiêu dùng VN (VietNet)

Dụ dỗ, ép buộc và đánh đập tàn nhẫn

Thời gian gần đây, dư luận đang hoang mang khi hàng loạt thông tin liên quan đến Công ty bán hàng đa cấp VietNet lừa đảo, dụ dỗ sinh viên gia nhập mạng lưới của mình được đưa lên mặt báo. Cùng với đó, liên tiếp những nạn nhân là "người thật, việc thật" lên tiếng tố cáo công ty này.

Cụ thể, trong loạt bài của báo Kinh doanh và Pháp luật, chị Nguyễn Thị T.A gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng viết: Vào chiều ngày 10/3, khoảng 2h chiều, chị A được bạn lớp bên (Trường đại học Mở Hà Nội) rủ đến Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam VietNet (website: lienminhtieudung.vn) xin việc. Sau đó, có nhân viên tên Chi đến chia sẻ rằng làm việc cho Công ty VietNet có rất nhiều ưu đãi, có thể kiếm được hàng trăm triệu/tháng.

Tuy nhiên, để trở thành CTV chính thức thì chị A phải tích đủ 5680 VI (đơn vị tiền tệ riêng của công ty – PV), bằng cách mua sản phẩm của công ty. Nhưng vì đang là sinh viên không có tiền nên nhân viên tên Chi đã thuyết phục chị A đi cầm cố thẻ SV và CMT để vay 9 triệu mua sản phẩm của Công ty, bao gồm sâm và canxi. Sau đó, nhân viên này dẫn chị A đến cửa hàng cầm đồ gần đó để vay tiền.

"Lúc đấy run với lo sợ rồi, chị ấy dọa quá hoảng, thế là đồng ý vay. Vay cầm tiền xong thì chị đưa em về Công ty, đưa số tiền ấy cho phòng tài vụ và ký hợp đồng làm CTV chính thức”, chị A kể lại.

Trong khi đó, một nạn nhân khác là chị Vũ Thị T.N (sinh viên trường Đại học Công nghệ Đông Á) cũng bị dụ tham gia hệ thống này. Vì là sinh viên không có tiền, chị T.N đã được một nhân viên tên Tuấn Anh hướng dẫn làm thủ tục cho vay nặng lãi tại quán cầm đồ ở ngõ 2, đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội). Trong quá trình cho vay cầm đồ, cửa hàng cầm đồ này cho chị T.N vay số tiền tổng cộng 9 triệu đồng, tiền lãi là 7 ngàn đồng/triệu/ngày.

Nhận thấy hoạt động kinh doanh của Công ty có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, đầu tháng 3/2015, chị T.N đã dẫn 2 bạn là Quỳnh và An trong vai những sinh viên đang tìm việc làm lên Công ty để ghi hình quá trình làm việc, nhằm thu thập bằng chứng tố cáo tới các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sự việc chưa đi đến đâu thì bị phát hiện. Để dằn mặt, các trưởng nhóm của công ty này đã đánh tới tấp chị N.

“Mọi người lao vào tát em, túm tóc em, xé áo và đạp em. Một lát sau thì chị Hoa đi vào và lao vào đánh em luôn. Đánh được một lúc thì có một chị áo len vàng vào can và nói: “Đánh thế đủ rồi, không được đánh ở đây”. Sau đó, chị Huế túm tóc kéo em ra trước cửa quán và đánh tiếp. Đánh được khoảng 2 phút, em vùng ra và chạy được", chị N. kể lại.

Ngoài 2 nạn nhân kể trên, công ty này còn khiến cô gái Nguyễn Thị D. (sinh viên năm 2, Trường Đại học Thương mại) quẫn trí đến mức phải tìm đến cái chết khi bị ép tham gia vào đường dây kinh doanh đa cấp VietNet.

Vi phạm pháp luật, trốn thuế

Ở một diễn biến khác, ngay sau khi nhận được thông tin từ hai sinh viên D và P, Trường Đại học Thương mại đã có công văn gửi Công an quận Cầu Giấy, công an phường Mai Dịch và Công an quận Bắc Từ Liêm đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ, vì những hành vi của doanh nghiệp này đang có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Một trụ sở của công ty VietNet

Theo ông Dương Đức Thuận, Trưởng CA phường Cổ Nhuế 1 trả lời trên báo Kinh doanh và Pháp luật, không chỉ có hai trường hợp này, mà trước đó, công an phường cũng nhận được đơn phản ánh của vài trường hợp liên quan đến Công ty đa cấp VietNet. Trong quá trình thụ lý vụ việc, lực lượng công an cũng gặp nhiều khó khăn vì công ty và các hiệu cầm đồ đã chối bay chối biến là không tiến hành cho vay cũng như cầm cố thẻ và CMT của sinh viên. Trong khi đó, các sinh viên lại không có giấy tờ lưu cung cấp cho CQCA.

“Hình thức kinh doanh dưới dạng đa cấp của VietNet, Công an Thành phố và công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã nắm được”, ông Thuận cho biết thêm.

Trong khi đó, sau khi xem hồ sơ mà các nạn nhân đã cung cấp, trong đó có một chi tiết khó hiểu là khi nạn nhân nộp tiền mua gói sản phẩm (trị giá 8.450.000đ) để tham gia vào hệ thống, thay vì nhận được hoá đơn mua hàng, họ chỉ nhận được một phiếu đặt hàng ghi tên sản phẩm, đơn giá và tổng số tiền. Phiếu này chỉ có chữ ký của người mua, người lập phiếu, không có chữ ký kế toán, giám đốc và đặc biệt không hề có con dấu của công ty!?

Cũng trả lời trên báo này, Luật sư Đặng Xuân Cường- Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (VietNet) có vi phạm pháp luật hay không thì còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dựa trên hồ sơ mà PV cung cấp, thì loại Phiếu đặt hàng mà công ty này đưa cho CTV khi mua hàng không đủ giá trị pháp lý, không thể sử dụng làm cơ sở để tính toán các vấn đề về kế toán. Vì lẽ đó cũng không có các bút toán trong doanh nghiệp để tiến hành đóng thuế theo quy định của pháp luật.

"Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp không cung cấp thêm hoá đơn mua bán, rất có thể ở đây còn có dấu hiệu phạm tội trốn thuế. Hình thức xử lý các tội danh này đã được quy định rõ ràng trong những điều khoản của Bộ luật Hình sự”, Luật sư Cường nói.

Trước đó, trong năm 2014 VietNet cũng đã dính vào hàng loạt những tai tiếng liên quan đến hình thức kinh doanh đa cấp của doanh nghiệp này. Sau khi hàng loạt các tờ báo như PLVN, GDVN, DDDN, KTĐT... và cả chính tờ tạp chí điện tử HealthPlus của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) lên tiếng phản ánh, đến ngày 30/10/2014 đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại Hà Nội (Ban 389 Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra văn phòng và kho của Công ty Cổ phần Liên minh Tiêu dùng Việt Nam (VietNet).

Tuy nhiên, sau một thời gian "nằm im tránh bão" đến đầu năm 2015 công ty này tiếp tục thực hiện những chiêu bài của mình để dụ dỗ thêm nhiều người khác. Lần trở lại này của VietNet, có vẻ còn "lợi hại" hơn trước.

D. Việt

bao giao thông

Các tin tức khác

>   Ukraine lại vang rền tiếng súng (14/04/2015)

>   90% công ty không chống nổi các cuộc tấn công mạng (14/04/2015)

>   Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Phí cao nhất là 180.000 đồng/xe (13/04/2015)

>   Vụ sếp ngân hàng rút súng thị uy: Xem xét khả năng xử lý hình sự (12/04/2015)

>   Đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bưu điện (11/04/2015)

>   Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á gí súng vào nhân viên taxi (11/04/2015)

>   DMC: Bồn chứa cồn nổ tung gây chấn động xa 100m, một người chết tại chỗ (10/04/2015)

>   Từ việc “giải cứu” dưa hấu: Nghi vấn lợi ích nhóm trong kênh phân phối (10/04/2015)

>   Luật không còn cấm nhưng DN có được làm? (09/04/2015)

>   Thanh tra các dự án cao tốc POSCO tham gia tại VN (09/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật