Vụ sếp ngân hàng rút súng thị uy: Xem xét khả năng xử lý hình sự
Chiều ngày 12-4, một lãnh đạo công an quận 7 (TP.HCM) cho biết cơ quan này đang xác minh, củng cố hồ sơ xử lý hình sự về hành vi rút súng công cụ hỗ trợ thị uy của ông Trần Thái Hòa - Phó tổng giám đốc ngân hàng Việt Á.
* Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á gí súng vào nhân viên taxi
Theo vị lãnh đạo, hành vi chĩa súng vào mặt thị uy là hành vi nguy hiểm. Mặc dù là loại súng công cụ hỗ trợ, nhưng hoàn toàn có khả năng gây sát thương cao khi tấn công vào các vị trí nguy hiểm trên người. Hiện công an quận đang củng cố hồ sơ, lời khai, chứng cứ của các bên để xử lý vì hành vi chĩa súng như vậy không chỉ vi phạm pháp luật hành chính.
Khẩu súng và giấy phép sử dụng súng ông Hòa xuất trình cho công an quận 7.
|
Như PLO đã thông tin, tối 10-4, ông Hòa lái xe ô tô Lexus đến trước nhà số S36 Phạm Thái Bường (phường Tân Phong, Q.7) đậu. Lúc này chị Huỳnh Thi Thanh Vy (nhân viên hãng taxi Mai Linh) đến yêu cầu ông Hòa lái xe đi nơi khác, vì theo chị này chỗ ông Hòa vừa đậu xe là nơi đậu xe dành riêng cho hãng. Bất ngờ ông Hòa rút trong người ra khẩu súng RG88 (loại súng công cụ hỗ trợ) chĩa thẳng vào mặt chị Vy.
Tại trụ sở công an P.Tân Phong, ông Hòa xuất trình được giấy phép sử dụng súng công cụ hỗ trợ do công an tỉnh An Giang cấp cho một chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á tại tỉnh này, một biên bản bàn giao súng giữa chi nhánh ngân hàng trên và ông Hòa.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch-Đoàn Luật sư TP HCM phân tích, ở góc độ xử lý trách nhiệm hình sự thì tùy vào việc làm rõ diễn biến, động cơ, mục đích, hành vi chĩa súng vào mặt nhân viên taxi của ông Hòa có dấu hiệu của tội Đe dọa giết người hoặc Gây rối trật tự công cộng. Để xử lý về tội danh nào thì tùy vào đánh giá tình tiết diễn biến, chứng cứ điều tra của cơ quan công an.
Ngoài ra, hành vi sử dụng súng của ông Hòa đã vi phạm pháp luật hành chính. Cụ thể căn cứ vào Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Pháp lệnh) cùng với Nghị định 25 năm 2012 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thì việc cấp phép sử dụng, quản lý súng công cụ hỗ trợ rất chặt chẽ.
Trong trường hợp ông Hòa xuất trình được giấy chứng nhận quyền sử dụng súng và biên bản bàn giao súng từ chi nhánh ngân hàng cho ông Hòa thì có thể hiểu việc cấp súng là đúng quy định. Tuy nhiên vấn đề cần tìm hiểu là việc ngân hàng giao súng cho ông Hòa quản lý, sử dụng có đúng quy định hay không.
Cụ thể, việc giao nhận súng phải có biên bản hợp lệ. Người được giao quản lý, sử dụng phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Thêm nữa là mục đích, phạm vi được sử dụng, quản lý cũng phải bảo đảm đúng quy định.
Như vậy qua quá trình xác minh của cơ quan điều tra về hành vi sử dụng súng vi phạm pháp luật của ông Hòa thì cơ quan công an có thể xử lý hành chính ông Hòa và cả phía Ngân hàng giao súng cho ông Hòa (nếu có).
Việc xử phạt hành chính được quy định tại điều 10, Nghị định 167 năm 2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội;phòng cháy và chữa cháy;phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hình phạt chính có mức phạt tiền từ 2.000.000-4.000.000Đ với các hành vi như : Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng…
Bên cạnh đó, mức hình phạt phụ có thể áp dụng như tịch thu súng công cụ hỗ trợ, tước giấy phép sử dụng…
Ái Nhân
pháp luật tphcm
|